“Dân chủ” (“democracy”) là một vấn đề được đề cập và thảo luận rất nhiều trên mọi lĩnh vực đời sống, ở mọi quốc gia, châu lục trong suốt nhiều thập kỷ trở lại đây.

Tuy nhiên, trên thực tế, không phải ai cũng có cái nhìn đầy đủ, thấu đáo về vấn đề này. Do đó, dân chủ rất dễ bị hiểu sai hay diễn dịch một cách lệch lạc, tạo ra nhiều hệ quả xấu, ảnh hưởng lớn đến an ninh – trật tự của đất nước, đặc biệt là giữa bối cảnh đầy biến động và rất khó kiểm soát trước sự bùng nổ của mạng Internet cùng công nghệ 4.0. Dân chủ là một mục tiêu cao đẹp, nhân văn song cũng không khó để biến thành cái bẫy đưa con người trở lại tình trạng tự do mông muội, bị những âm mưu chống phá kích động, thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, băng hoại đạo đức. Để hiểu rõ hơn về bản chất của dân chủ, ta cần trang bị những hiểu biết căn bản và toàn diện về khái niệm này cũng như các con đường thực thi dân chủ ở các quốc gia trên khắp thế giới; từ đó hình thành những nhận thức đúng đắn, lập trường vững vàng, niềm tin vững chắc ở Đảng và Nhà nước, góp phần đẩy lùi các thế lực thù địch với luồng tin giả đang ngày đêm đánh lừa, gây hoang mang dư luận.

1. Mục tiêu chung – Con đường riêng

Khái niệm “dân chủ” vốn có lịch sử rất lâu đời, bắt nguồn từ Hy Lạp cổ đại, xuất hiện với tư cách một thuật ngữ chính trị tại thành Athens vào thế kỷ thứ V – TCN. Cụm từ δdimokratia (“dimokratia”) là một từ ghép giữa hai từ δήμος (“dēmos”) – “nhân dân” và κράτος (“kratos”) – “quyền lực”. Tựu chung lại, “dân chủ” nghĩa là “quyền lực của nhân dân”. Lúc bấy giờ, thuật ngữ này được dùng để gọi tên một hệ thống chính trị tồn tại ở một số thành bang Hy Lạp sau cuộc nổi dậy của dân chúng vào năm 508 – TCN, khi người dân được phép tham gia vào các cuộc bầu cử quan trọng, quyết định những vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với đất nước. Nội hàm của khái niệm này vẫn còn được bảo lưu đến tận ngày hôm nay. Một số Từ điển lớn như Oxford cũng đưa ra các định nghĩa tương tự: “Dân chủ là khái niệm đùng để chỉ một hình thức nhà nước, trong đó mọi thành viên đều tham gia vào việc ra quyết định về các vấn đề của mình, thường bằng cách bỏ phiếu để bầu người đại diện trong Quốc hội hoặc thể chế tương tự”. Theo nhà khoa học chính trị Larry Diamond, chế độ dân chủ bao gồm bốn yếu tố chính: (1) Một hệ thống chính trị cho việc lựa chọn và thay thế các chính phủ thông qua bầu cử tự do và công bằng; (2) Sự tham gia tích cực của công dân, trong chính trị và đời sống dân sự; (3) Bảo vệ quyền con người của mọi công dân; (4) Pháp quyền, trong đó tất cả mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không ai đứng trên luật pháp.

Bức họa Điếu văn của Pericles (“Pericles’ Funeral Oration”) của họa sĩ người Đức Philipp von Foltz, miêu tả cảnh Pericles – một chính trị gia lỗi lạc tại thành Athens lúc bấy giờ đọc bài điếu văn tưởng niệm những người đã mất trong Chiến tranh Peloponnisos (431 – 404 TCN). Đây được xem như là hoạt động thể hiện tinh thần tự do ngôn luận của nền dân chủ Athens

Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, cho đến cuối thế kỷ XX, dân chủ đã được xem như là một “mô hình quản trị cuối cùng” lan rộng khắp toàn cầu. Dẫu chế độ chính trị, hệ thống đảng phái ở các quốc gia là không giống nhau, song cách thức xây dựng, quản trị nhà nước trên thế giới hiện nay đều được thực thi dựa trên cơ chế dân chủ – nghĩa là trao quyền quyết định tối thượng vào tay nhân dân thông qua bầu cử. Như vậy, dân chủ là một mô hình chính trị hướng tới sự tiến bộ, công bằng, văn minh và cũng là một trong những chuẩn mực phấn đấu, những mục tiêu hết sức cao đẹp, thiêng liêng mà toàn nhân loại đã và đang theo đuổi. Không một quốc gia, dân tộc nào không thừa nhận rằng việc xúc tiến thực hiện các chính sách dân chủ, nhân quyền với công dân của mình là mục tiêu hàng đầu mà họ hướng tới. Một nền dân chủ đích thực, nơi mà mỗi cá nhân đều được đều được sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc, được đảm bảo công bằng về mọi quyền lợi cơ bản nhất trong xã hội và được tạo điều kiện phát huy hết khả năng của mình để cống hiến cho cộng đồng – đã trở thành lí tưởng của toàn thể nhân loại ở thế kỷ XXI.

Tuy nhiên, để hoàn thành được mục tiêu ấy, mỗi quốc gia, dân tộc lại lựa chọn những con đường khác nhau, với những cách thức thực thi chính sách dân chủ hết sức đa dạng và phong phú, gắn liền với các tiền đề về lịch sử, vị thế địa chính trị, văn hóa, thiên tính của con người bản địa… cùng nhiều yếu tố liên quan. Giả dụ, một số quốc gia Á Đông như Việt Nam, Trung Quốc có xuất phát điểm là những cư dân nông nghiệp cổ, vốn ưa chuộng lối sống ổn định, an cư, lại quen với kiểu tư duy tổng hợp – thống nhất nên dễ hình thành xu hướng duy trì nền dân chủ tập trung dưới chế độ một Đảng cầm quyền. Trái lại, với tập tính được truyền thụ từ những vị tổ tiên săn bắn, du mục “nay đây mai đó”, ưa thích sự đổi thay, phiêu lưu, mạo hiểm cùng lối tư duy phân tích – riêng rẽ, các quốc gia phương Tây sớm thích nghi với mô hình dân chủ phân tán dưới chế độ đa Đảng. Dễ nhận thấy, ngay cả khi đã xây dựng một thể chế chính trị và thi hành những chính sách dân chủ tương tự như các nước phương Tây, một số quốc gia như Hàn Quốc hay Nhật Bản – vẫn giữ vững những tập quán quản trị, vận hành xã hội theo văn hóa và căn tính của người Á Đông – vốn hướng đến sự hài hòa, ổn định nên ít nhiều có sự khác biệt trong đường lối lãnh đạo. Điều này thuộc về bản sắc của từng dân tộc và cần phải được tôn trọng, thừa nhận!

Bên cạnh đó, việc hiện thực hóa toàn diện các mục tiêu dân chủ cũng không thể dễ dàng “nhảy cóc” tới thành công trong vòng một hai năm, thậm chí cả hàng thập kỉ, mà đây là cả một quá trình lâu dài, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó kinh tế, giáo dục, trình độ nhận thức, vốn văn hóa của con người đóng vai trò cốt yếu. Cụ thể, ở các quốc gia chậm phát triển, nền kinh tế còn lạc hậu, trình độ dân trí của con người chưa cao, thì các chính sách dân chủ cần phải được tiến hành một cách chặt chẽ, kết hợp sát sao với pháp luật sở tại để một mặt vừa đảm bảo quyền công dân, quyền con người chính đáng; mặt khác vừa siết chặt quản lý nhằm giữ vững an ninh trật tự, tránh để xảy ra tình trạng hỗn loạn, gây mất ổn định xã hội, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất và gây gián đoạn quá trình phát triển của đất nước. Trong khi đó, ở những quốc gia có nền kinh tế – khoa học, kĩ thuật tiên tiến, mặt bằng nhận thức của người dân đạt đến một trình độ cao hơn, bên cạnh sự tuân thủ tuyệt đối quy định pháp luật, vẫn cần điều chỉnh các chính sách dân chủ sao cho phù hợp để tạo điều kiện khuyến khích mỗi cá nhân tham gia đóng góp, xây dựng và phát triển đất nước một cách toàn diện, sâu sắc nhất. Bởi lẽ, khi trình độ hiểu biết còn nông, tư duy còn lạc hậu, lại đi đôi với đói nghèo, khó khăn về kinh tế, người dân rất dễ “bần cùng sinh đạo tặc”, khó tránh khỏi bị dụ dỗ, sa ngã và lầm lạc chạy theo số đông. Các cơ chế tự do, dân chủ lúc này nếu buông lỏng sẽ nhanh chóng bị lạm dụng để tạo ra những tiền lệ xấu, dẫn đến mất kiểm soát. Trái lại, nếu con người được trang bị nhận thức đầy đủ, hình thành được một tư duy độc lập, đa chiều và không phải bận tâm quá nhiều về công cuộc mưu sinh, dĩ nhiên các mối đe dọa đến trật tự, trị an cũng giảm xuống đáng kể, đi cùng với sự củng cố, gia tăng các quyền lợi tự do, dân chủ của mỗi cá nhân.

Điều này đã được phản ánh rõ trong cuốn Cộng hòa khi Platon cho Socrates diễn đạt lại quan điểm phê phán gay gắt những mặt trái của nền dân chủ Athens sơ khai vốn rất thành công lúc bấy giờ. Ông gọi đó là “cảnh hỗn loạn vì nạn giai cấp đấu tranh, cảnh suy đồi về văn hóa, thoái hóa về đạo đức. Bọn dân chủ khinh miệt đức điều độ mà chúng cho là thiếu hùng dũng… Chúng gọi sự xấc láo là có giáo dục, sự vô trật tự là tự do, sự phung phí là tráng lệ, sự vô liêm sỉ là can đảm… Cha sợ con, còn con thì tự đặt mình ngang hàng với cha, chẳng sợ sệt gì, có thái độ vô liêm sỉ đối với cha mẹ… Thầy sợ và nịnh trò, trò khinh thầy… Bọn già bắt chước bọn trẻ, sợ bị chúng chê là càu nhàu, hách dịch… Chúng ta cũng đừng quên ghi thêm điều này:… Nhà cầm quyền hơi muốn dùng quyền hành là các công dân đã bất bình rồi và rốt cục… họ khinh miệt cả luật pháp thành văn cũng như bất thành văn… Sự độc tài phát sinh từ tinh trạng đẹp đẽ vẻ vang ấy… Trong mọi việc, sự quá khích luôn luôn gây một phản ứng tự nhiên gây ra sự độc tài, và những hình thức tự do quá mức luôn luôn gây ra những hình thức áp chế, nô lệ trầm trọng nhất” (1).

Đây là một sự thật không thể phủ nhận được và trên thực tế, những người làm chính sách, các nhà ngoại giao, nguyên thủ quốc gia phải thấu hiểu điều này sâu sắc, rõ ràng hơn ai hết. Bản thân mỗi người cần phải nhận thức về dân chủ như là một khái niệm khả biến, một quá trình vận động từ thấp đến cao và có thể cải thiện, siết chặt hay cơi nới, thay đổi mỗi ngày cùng với sự phát triển song hành của kinh tế, khoa học – công nghệ, văn hóa – giáo dục… Đặc biệt, tôn trọng nền dân chủ ở mỗi quốc gia cũng chính là tôn trọng văn hóa, bản sắc dân tộc của người dân nơi đây. Khi quan sát vấn đề này bằng một cái nhìn thiện chí, tiến bộ, chúng ta sẽ nhận ra, không ai có thể bắt ép tất cả các quốc gia chuyển đổi sang cùng một hình thái dân chủ “kiểu mẫu” rập khuôn duy nhất, mà phải thấu hiểu hoàn cảnh, ghi nhận quyết định của toàn thể dân tộc đó. Thực tiễn luôn luôn sinh động và đa dạng hơn lý thuyết, nên ta cần có cách ứng xử linh hoạt để làm bạn, hợp tác với những đất nước anh em có nền dân chủ hay chế độ chính trị chưa thật sự giống với ta.

2. Những giấc mơ không màu hồng và tự do trong khuôn khổ pháp luật

Sở dĩ cần phải tôn trọng sự đa dạng trong các chính sách thực thi dân chủ ở các quốc gia khác nhau, là bởi “dân chủ” luôn luôn đối chọi với độc tài. Gần đây, ta vẫn thường nghe thấy các diễn ngôn tuyên truyền về một nền “dân chủ kiểu mẫu” mà toàn nhân loại muốn hướng tới, như Mỹ hay châu Âu. Tuy nhiên, chính các diễn ngôn ấy đã phá vỡ nội hàm của khái niệm dân chủ – vốn là một tư tưởng cởi mở, bình đẳng, công bằng cho mọi người, mọi quốc gia, dân tộc. Nói cách khác, ta cần cảnh giác với các phát ngôn về một mô hình dân chủ là “mẫu số chung” cho cả thế giới, bởi thực tế đã chứng, không phải “giấc mộng” nào cũng phủ một “màu hồng”.

Hãy lấy một ví dụ điển hình với nền dân chủ hơn hai trăm năm ở Hợp chúng quốc Hoa Kỳ – cường quốc số một thế giới. Có thể nói, nền dân chủ cởi mở, tiến bộ là một trong những yếu tố then chốt góp phần đưa nước Mỹ trở thành tâm điểm của nhân loại khi liên tục thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao từ khắp nơi, và nhanh chóng đạt được vị trí dẫn đầu ở hầu hết tất cả các lĩnh vực. Trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ cũng được xem như là “miền đất hứa” nơi sản sinh ra các phát minh đột phá về khoa học – công nghệ cùng những ngôi trường danh tiếng bậc nhất. Với tất cả những thành tựu đó, nước Mỹ hoàn toàn có quyền tự hào về mô hình chính trị của mình, song rõ ràng đây không phải là một bức tranh hoàn hảo khi các mảng tối vẫn còn hiện hữu và liên tục đặt ra những dấu hỏi lớn về nền dân chủ mà nước Mỹ đã và đang theo đuổi.

Người vô gia cư trên một băng ghế ở thành phố New York – trung tâm tài chính, kinh tế thế giới – song cũng là nơi xếp thứ hai thế giới về số lượng người vô gia cư. Ảnh: Spencer Platt/Getty

Dẫu được xem là quốc gia văn minh, tiến bộ, luôn luôn đi đầu trong việc thực thi dân chủ và quyền con người, song chính nước Mỹ cũng lại là nơi chứng kiến rất nhiều vấn đề nghiêm trọng liên quan đến bất bình đẳng xã hội. Năm 2019, trang tin tài chính 24/7 Wall St. sau khi xem xét hệ số GINI của 42 quốc gia từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế Thế giới (OECD) đã xác định được danh sách các quốc gia có khoảng cách giàu nghèo lớn nhất thế giới, trong đó nước Mỹ đứng thứ 9. Bên cạnh những tòa nhà hoa lệ đã trở thành biểu tượng của quốc gia, tình trạng người vô gia cư sống lay lắt trên các đường phố, trong những khu nhà tạm bợ hay các khu phố ổ chuột… vẫn là một mặt trái tăm tối tại nước Mỹ. Theo số liệu của Tổ chức Quốc tế về Người vô gia cư Homeless International năm 2013, thành phố New York – trung tâm tài chính, kinh tế thế giới – cũng chính là nơi xếp thứ hai thế giới về số lượng người vô gia cư, với 60.000 người, trong đó có đến 20.000 trẻ em. Nguyên nhân xuất phát từ việc chính quyền thành phố thiếu sáng kiến hỗ trợ nhà các cá nhân và gia đình không có chỗ ở. Một số thành phố khác như Los Angles, California cũng lần lượt rơi vào danh sách này trong nhiều năm liên tiếp, khiến hình ảnh hào nhoáng về một “giấc mơ Mỹ” trở nên bất toàn. Không những thế, tô điểm thêm cho bức tranh tương đối ảm đạm của nền dân chủ Mỹ là tình trạng phân biệt chủng tộc ngày càng có chiều hướng leo thang tại quốc gia này, bất chấp những nỗ lực của Chính phủ nhằm cải thiện đời sống người da màu và kêu gọi đoàn kết dân tộc. Trong những năm vừa qua, các vụ khủng bố, biểu tình, bạo loạn có liên quan đến vấn đề sắc tộc vẫn là một vấn đề nhức nhối ngấm ngầm phá hoại, chia rẽ nội bộ nước Mỹ. Chúng ta hẳn vẫn chưa thể quên sự kiện người Mỹ gốc Phi Geogre Floyd tử vong hôm 25/5 sau khi bị một cảnh sát da trắng ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota ghì cổ bằng đầu gối trong hơn 8 phút, dẫn đến hàng loạt cuộc biểu tình, bạo động và tình trạng hỗn loạn tại nước Mỹ; hay những hành vi kì thị, tấn công người gốc Á trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19 vào năm 2020. Không những chưa giải quyết thỏa đáng được vấn đề sắc tộc, chính xã hội dân chủ mà nước Mỹ vốn tự hào ấy lại vô tình tiếp tay cho những hành vi tội phạm có tính “cơ hội”, đẩy trật tự – an ninh đất nước vào tình trạng bất ổn kéo dài, gây thiệt hại lớn về kinh tế, an sinh xã hội, để lại những hậu quả nặng nề cho sức khỏe, tính mạng, tinh thần và của cải của người dân.

Như vậy, ngay cả một nền dân chủ tưởng chừng rất đỗi tiến bộ như Hoa Kỳ cũng đã và đang gặp phải vô số các vấn đề liên quan trực tiếp đến những quyền căn bản của con người. Do đó, không thể đem việc thực thi dân chủ ở các quốc gia ra để đặt lên bàn cân so đo, đánh giá cao thấp. Thực tế cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại, chưa quốc gia nào thực hiện được tất cả các mục tiêu cao nhất của dân chủ và nhân quyền nhằm tạo ra một xã hội hoàn toàn không có bất bình đẳng.

Tuy nhiên, điều tai hại không nằm ở một nền dân chủ chưa hoàn hảo, mà chính nằm ở sự áp đặt cái chưa hoàn hảo đó vào điều kiện, hoàn cảnh của một quốc gia khác. Chính những lầm tưởng, ngộ nhận rằng chế độ dân chủ đa nguyên là một giải pháp tối ưu cho bất cứ một nền chính trị nào đã châm ngòi cho các cuộc “Cách mạng màu” vào thập niên 2000 tại Đông Âu và “Mùa xuân Ả Rập” vào thập niên 2010 ở khu vực Trung Đông. Trong những nỗ lực to lớn nhằm xóa sổ chính quyền hiện hành lúc bấy giờ và cải tổ hệ thống chính trị theo đường lối dân chủ kiểu mới, rất nhiều cuộc biểu tình, diễu hành, thậm chí bạo động đã leo thang suốt hàng năm trời, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho toàn thể xã hội. Sau phong trào “Mùa xuân Ả Rập”, hàng loạt các quốc gia Ả Rập rơi vào những cuộc nội chiến bi thương, đẫm máu không dứt, điển hình là tại Libya, Syria, Yemen. Chiến tranh liên miên khiến hàng trăm ngàn người Ả Rập phải vượt biển sang châu Âu tị nạn, gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo và người nhập cư rất lớn. Không những thế, tình trạng hỗn loạn, vô chính phủ kéo dài đã mở đường cho sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) – mô hình “nhà nước khủng bố” đầu tiên trên thế giới, cơn ác mộng của hàng triệu người dân thường vô tội. Chỉ tính riêng tại Tunisia, tăng trưởng kinh tế xuống dốc từ mức 4% đến còn chưa đầy 0,5% suốt khoảng thời gian trong và sau cuộc nội chiến (2012 – 2017). Bên cạnh tình trạng thất nghiệp, nghèo đói, nước này còn phải đối mặt với nguy cơ khủng bố lâu dài và tổn hại nghiêm trọng, khó có thể phục hồi ở các ngành du lịch – dịch vụ. Dễ nhận thấy, sau khi các cuộc cách mạng kết thúc, nhân dân tại các nước này hầu hết đều không được hưởng những quyền lợi dân chủ thực thụ như họ vẫn mong đợi. Tình trạng suy thoái, tiêu cực không những không cải thiện mà thậm chí còn trở nên trầm trọng đến mức khó lòng vực dậy được. Do đó, dân chủ vốn không phải là một giải pháp hoàn hảo và duy nhất cho tất cả các vấn đề mà mọi quốc gia đều đang gặp phải. Việc cố gắng biến nó thành một công cụ phục vụ chủ nghĩa tự do cá nhân thái quá hay kích động thực thi dân chủ một cách bừa bãi, vô tổ chức nhằm khuếch trương tầm ảnh hưởng, không xem xét, căn cứ vào tình hình thực tiễn của từng quốc gia, khu vực – tất yếu sẽ để lại những hệ quả khôn lường.

Theo chiều kim đồng hồ từ góc trên bên trái: Người biểu tình tụ tập tại Quảng trường Tahrir ở Cairo, Ai Cập 9/2/2011; diễu hành đại lộ Habib Bourguiba, Tunis, Tunisia 14/1/2011; những người bất đồng chính kiến ở Sana’a, Yemen kêu gọi tổng thống Ali Abdullah Saleh từ chức 3/2/2011; biểu tình ở Baniyas, Syria ngày 29/4/2011. Ảnh: HonorTheKing/English Wikipedia

Tóm lại, nền dân chủ đang hiện hữu trên phạm vi toàn thế giới là một thực hành chính trị linh hoạt, đa sắc diện chứ không phải một chế độ rập khuôn kiểu mẫu. Thành Athens đã sụp đổ nhưng tinh thần dân chủ khởi phát từ Athens vẫn còn được lan tỏa đến tận ngày hôm nay. Tương tự, nếu nước Mỹ mất đi vị thế dẫn đầu của mình thì các tư tưởng tự do, dân chủ vẫn được thực thi ở các quốc gia khác. Thế giới không dựa vào Hoa Kỳ để vận hành một nền dân chủ duy nhất, và nước Mỹ cũng không thể phân phát mô hình dân chủ của mình đi khắp toàn cầu. Bởi vậy, hãy cảnh giác trước mọi “giấc mơ màu hồng” đang được reo rắc trên khắp các phương tiện thông tin, truyền thông trong thời đại ngày nay…

Như vậy, nếu không một mô hình dân chủ nào là hoàn hảo, thì có những cách thức gì để hạn chế, khắc phục được những điểm bất toàn ấy? Thực tế cho thấy, dẫu quan niệm về việc thực thi dân chủ ở các quốc gia có sự khác biệt, đa dạng trong đường lối, chính sách; song tất cả đều nhất quán ở một khía cạnh quan trọng, đó là dân chủ phải gắn liền với pháp luật và được tiến hành dựa trên nền tảng Hiến pháp, luật pháp quốc gia. Đây là yếu tố tiên quyết để xây dựng và duy trì một nền dân chủ có trật tự, có bản sắc, tạo ra sự hài hòa, cân bằng giữa lợi ích cá nhân với lợi ích quốc gia, dân tộc; vừa góp phần giữ gìn ổn định an ninh – chính trị vừa tạo điều kiện tối đa cho sự phát triển toàn diện của mỗi công dân.

Luật pháp ở đây bao gồm các bộ luật Quốc tế đã được các nước nhất trí thông qua, đồng thuận kí cam kết tuân thủ; và hệ thống luật pháp riêng của từng quốc gia. Bất kể Nhà nước nào cũng có hệ thống Hiến pháp, luật pháp quy định rõ ràng từng điều khoản về quyền, nghĩa vụ của công dân, cá nhân, tổ chức trên tất cả các lĩnh vực văn hóa, kinh tế, xã hội, an ninh – trật tự… Ngay cả các quyền phổ quát của Nhân quyền cùng những quyền cơ bản về tự do dân chủ như tự do bầu cử, tự do ngôn luận, tự do báo chí… về căn bản đều không phải là một kiểu tự do tuyệt đối, trèo lên luật pháp, mà phải được giới hạn trong một khuôn khổ nhất định với những quy tắc chặt chẽ, vì lợi ích của chính mỗi cá nhân và toàn thể cộng đồng. Một mặt thực hiện quyền làm chủ, quyền tự quyết, nêu chính kiến, kiến nghị… của mình trong các vấn đề quan trọng của đất nước; mặt khác người dân cũng cần nhận thức rõ đâu là giới hạn trong việc thực thi các quyền trên. Tất cả đã được pháp luật quốc gia quy định rõ và bất cứ ai vi phạm cũng đều phải chịu hình phạt thích đáng theo khung tương ứng. Điều này là tất yếu và không thể phủ nhận, nhằm giảm thiểu tối đa các hành vi “lạm quyền”, lợi dụng quyền lợi của mình để gây ảnh hưởng đến danh dự, tính mạng, nhân phẩm và cả quyền tự do của người khác; từ đó đảm bảo được trật tự chung của toàn thể xã hội, duy trì ổn định an ninh chính trị đất nước.

3. Công cuộc dựng xây và gìn giữ nền dân chủ ở Việt Nam

Ngày 02/9/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập. Đây là điểm khởi đầu, là bước ngoặt vĩ đại đánh dấu sự hình thành của nền dân chủ Việt Nam, khi Nhà nước pháp quyền của dân – do dân – vì dân ra đời, hiện thực hóa niềm mong mỏi về tự do, bình đẳng của nhân dân Việt Nam trong suốt nhiều thế kỷ qua. Ngày 06/1/1946, toàn dân ta đích thân tham gia cuộc bầu cử Quốc hội khóa I, thực hiện quyền làm chủ của mình đối với đất nước. Ngay từ Lời nói đầu, Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã khẳng định một trong ba nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp này là “đảm bảo các quyền tự do dân chủ” của nhân dân. Như vậy, nguyên tắc dân chủ đã trở thành một nguyên tắc sống còn cấu thành hệ thống chính trị ở Việt Nam ngay từ buổi đầu lập nước. Chính nhờ có nền dân chủ tự do, tiến bộ, phát huy tối đa quyền làm chủ của người dân mà Nhà nước mới được nhân dân hết sức tin yêu và ủng hộ. Dưới ngọn cờ dân chủ chân chính ấy, tất cả các tầng lớp nhân dân Việt Nam đã đoàn kết, chung sức đồng lòng vượt qua bao khó khăn, gian khổ, hiểm nguy để chiến thắng những đội quân xâm lược hùng mạnh – những nền dân chủ hàng trăm năm tuổi ở phương Tây và cả chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Nhật. Không những thế, các thế lực chống đối lúc bấy giờ cũng phải nhượng bộ trước hệ thống luật pháp của nền dân chủ mới hết sức tiến bộ và văn minh.

Sau khi đất nước thống nhất, nước ta lấy tên Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam vào năm 1976 trong niềm hân hoan chiến thắng Đế quốc Mỹ, song tinh thần dân chủ không những không mất đi mà ngày càng được củng cố vững mạnh. Tiêu ngữ “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” đã cho thấy mục tiêu cao nhất của quốc gia là hướng đến những quyền căn bản của con người, tất cả vì lợi ích quốc dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam – một chính đảng của dân, do dân, vì dâ, nền dân chủ ở nước ta tiếp tục gặt hái được những thành tựu to lớn. Các bản Hiến pháp và hệ thống pháp luật Việt Nam sau nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung vẫn đặt quyền lợi của nhân dân lên trên hết, trong đó đảm bảo đầy đủ các quyền dân chủ như quyền bầu cử, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại trong nước và nước ngoài… Mọi người dân đều có quyền đóng góp, phát biểu ý kiến cá nhân về tất cả các vấn đề của đất nước trên cơ sở thượng tôn pháp luật. Nhà nước thậm chí khuyến khích thảo luận, tranh luận, tiếp thu các ý kiến trái chiều và những phản biện có tính xây dựng từ quần chúng nhân dân. Bên cạnh đó, với những vấn đề “nóng” như đất đai, nhiều chính sách ưu đãi, mở rộng quyền sở hữu đất và luật khiếu nại khiếu tố đã được đặt ra nhằm đảm bảo tối đa những quyền lợi chính đáng của người dân. Hệ thống tòa án dân sự, hình sự cùng các cơ quan kiểm sát, công an… đã được thành lập, tổ chức chặt chẽ ở các cấp, giúp nhân dân giải quyết hàng trăm nghìn vụ kiện lớn nhỏ. Đặc biệt, giữa thời đại công nghệ thông tin và mạng Internet bùng nổ, Nhà nước đã và đang có nhiều công cụ truyền thông đắc lực giúp người dân tiếp cận được với những nguồn tin chính thống; tạo ra kênh giao tiếp thiết thực, hiệu quả, giúp chính quyền được lắng nghe những ý kiến, góp ý chân thực, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Người dân cũng có thể sử dụng mạng xã hội và công cụ Internet để thực hiện tích cực quyền kiểm tra, giám sát, giúp phát hiện sai phạm trên mọi lĩnh vực để các cơ quan có thẩm quyền xử lý, chấn chỉnh kịp thời, nhanh chóng. Có thể nói, chính những thành tựu về tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, gia nhập và đóng vai trò quan trọng trong nhiều tổ chức khu vực và thế giới, giữ mối quan hệ hữu nghị, hòa hảo với cả các quốc gia có đường lối chính trị khác biệt… đã cho thấy nền dân chủ Việt Nam đang ngày càng phát huy tối đa những đặc tính ưu việt của mình, giúp nâng cao vị thế, uy tín quốc gia trên trường quốc tế.

Quốc hội khóa XIV biểu quyết thông qua Luật An ninh mạng tại Kỳ họp thứ năm ngày 12/6/2018

Tuy nhiên, như đã đề cập, hiện nay không một nền dân chủ nào đạt đến được sự hoàn hảo tuyệt đối. Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ. Hệ thống luật pháp của chúng ta vẫn còn những kẽ hở, việc thi hành pháp luật của các cơ quan pháp quyền vẫn còn tồn tại những sai sót nhất định. Một bộ phận cán bộ, lãnh đạo vẫn còn những hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng… Đây chính là tiền đề tạo cơ hội cho các thế lực bất mãn, chống đối lợi dụng các quyền dân chủ để đả kích, nói xấu, bôi nhọ hệ thống luật pháp, chế độ chính trị của nước ta. Nhiều người cho rằng, bản chất của những sai lầm nói trên đến từ chính quyền một đảng lãnh đạo và kêu gọi chuyển đổi sang đa nguyên, đa đảng, xây dựng xã hội dân sự, tòa án Hiến pháp… Quan điểm này được châm ngòi từ khi Xã hội Chủ nghĩa ở Liên Xô sụp đổ vào năm 1989 và tiếp tục kéo dài cho đến tận ngày hôm nay. Nguy hiểm hơn, những người có tư tưởng này lại nhận được sự ủng hộ, hậu thuẫn rất lớn từ các tổ chức nước ngoài do có cùng quan điểm, đường lối. Lực lượng này vốn ít ỏi song đã biết cách tận dụng công nghệ, Internet để phát tán những tin tức bịa đặt, sai sự thật, cắt ghép những hình ảnh, video clip… tuyên truyền, kích động, lối kéo quần chúng nhân dân tham gia vào các hoạt động biểu tình, bạo loạn chống chính quyền. Trên thực tế, nhiều mô hình đa đảng trên thế giới không những không thành công mà còn đẩy quốc gia vào tình trạng hỗn loạn, bất ổn do các cuộc tranh giành quyền lực liên miên; trong khi đó những nước có một đảng cầm quyền như Singapore, Trung Quốc và ngay cả Việt Nam lại có được sự ổn định về an ninh, chính trị để tập trung phát triển kinh tế, giáo dục, khoa học kĩ thuật… và đã gặt hái được nhiều thành tựu phát triển trong thời gian qua. Bởi vậy, khi các tư tưởng đòi đa nguyên đa đảng trở nên không thuyết phục, lực lượng nói trên lại nhắm vào những sơ hở, yếu kém, sai phạm và tiêu cực trong điều hành, quản trị đất nước như các vụ án tham nhũng, tăng khống giá kit test xét nghiệm, đầu cơ chứng khoán… để kích động, làm lung lay niềm tin của nhân dân. Các luồng tin chưa kiểm chứng được lan truyền nhanh chóng trên mạng Internet, dễ dàng tiếp cận đến hơn 70% dân số Việt Nam, trong khi Nhà nước lại chưa có động thái kịp thời đính chính, công khai các tin tức chính thống có liên quan, cũng rất khó tiếp cận được nguồn dữ liệu khổng lồ từ các trang mạng nước ngoài, nên việc kiểm soát các hành vi nói trên càng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Thêm vào đó, phần lớn người dân vẫn còn thờ ơ, chưa chủ động tìm hiểu, trang bị kiến thức về chính trị nên rất dễ bị kích động, phản ứng thái quá trước các tin tức nói trên.

Do vậy, giải pháp cho vấn đề này trước hết nằm ở việc giáo dục nhận thức, củng cố bản lĩnh chính trị cho người dân. Song song với việc cải thiện đời sống, nhanh chóng giải quyết, xử lý triệt để các tố cáo, khiếu nại, vướng mắc trong nhân dân; cần phải chú trọng đầu tư, trang bị cho nhân dân những kiến thức, kĩ năng ứng xử toàn diện trên không gian mạng. Người dân cần nhận thức rõ rằng quyền lợi thiết thực của mình gắn với sự an toàn, ổn định của cả hệ thống chính trị – xã hội nhằm đẩy mạnh sản xuất, phát triển đất nước chứ không nằm ở những cuộc bạo động hỗn loạn làm thụt lùi nền kinh tế – căn nguyên dẫn đến đói nghèo, suy thoái, lạc hậu, trì trệ. Mỗi công dân Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một “chiến binh” anh dũng, đi đầu trong các phong trào chống tin giả, tin thất thiệt và những âm mưu chống phá. Không những thế, các kênh truyền thông chính thống cũng cần phải hoạt động tích cực, nhanh chóng hơn nữa nhằm cung cấp kịp thời những tin tức minh bạch, chính xác đến với người dân; đặc biệt là ở những sự kiện phức tạp, nhức nhối, dễ gây hiểu lầm và hình thành dư luận trái chiều. Đối với các trường hợp sai phạm, các cơ quan có thẩm quyền cần nhận định một cách bình tĩnh, sáng suốt, xử lý linh hoạt, sao cho đúng người đúng tội, đúng động cơ; tránh đàn áp, bắt bớ hay dùng những biện pháp cứng rắn không cần thiết. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần nhanh chóng thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao năng lực, trình độ công nghệ thông tin của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là những người làm công tác quốc phòng – an ninh. Đặc biệt, việc đẩy mạnh hợp tác với các công ty, tập đoàn công nghệ sở hữu các trang mạng xã hội, truyền thông lớn như Facebook, Youtube, Google… phải được xúc tiến khẩn trương nhằm tăng cường kiểm soát an ninh mạng, chia sẻ dữ liệu để hỗ trợ công cuộc phòng chống tội phạm công nghệ, Internet.

Dân chủ là một mô hình quản trị nhà nước nhân văn, tiến bộ mà toàn thể nhân loại đều hướng đến trong bối cảnh hiện tại. Hiểu đúng về mô hình này chính là nắm được tính chất khả biến, sự linh hoạt trong việc thi hành các chính sách về quyền tự do của công dân ở mỗi quốc gia, khu vực dựa trên điều kiện kinh tế, trình độ nhận thức, giáo dục cùng các yếu tố lịch sử, địa chính trị, văn hóa, xã hội… có liên quan. Tại Việt Nam, nền dân chủ đã có lịch sử hơn 70 năm, với sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trải qua nhiều thăng trầm, biến động, nước ta vẫn luôn kiên định là Nhà nước của dân – do dân – vì dân. Dẫu còn nhiều nguy cơ, thách thức đe dọa đến an ninh – trật tự của nền dân chủ hiện hành, song toàn thể nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước vẫn luôn đề cao tinh thần hợp tác, đối thoại cởi mở trên cơ sở tôn trọng, tiếp thu, cùng chung tay xây một Việt Nam dân chủ, văn minh, thịnh vượng và bền vững.■

Tuệ Minh

(Theo Tạp chí Phương Đông)

Chú thích:

(1) Bài học của lịch sử (tr.125 – 126), Will Durant & Ariel Durant, Nguyễn Hiến Lê dịch. NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2016.

Tổng thống đắc cử Joe Biden: Nền dân chủ Mỹ "bị tấn công chưa từng có" Tổng thống đắc cử Joe Biden: Nền dân chủ Mỹ "bị tấn công chưa từng có"
Đằng sau những lá phiếu Đằng sau những lá phiếu

/ ordi.vn