Quán bánh canh cua không tên, không biển hiệu chỉ nằm gọn trong góc hẻm với vài cái bàn con kê cùng ít chiếc ghế nhựa nhưng giá bán một tô lên đến 250.000-300.000 đồng khiến không ít thực khách giật mình.
Quán bánh canh cua đã gắn bó với vợ chồng bà Loan đến nay đã xấp xỉ 30 năm
30 năm làm nên “thương hiệu”
Thấm thoắt đến nay cũng đã được gần 30 năm gắn bó với món bánh canh cua, đều đặn cứ mỗi 16giờ chiều hàng ngày, bà Nguyễn Thị Loan (57 tuổi, Q.6) cùng chồng tất bật sắp xếp chiếc tủ nhỏ cùng bàn ghế kê ngay đầu hẻm 358 đường Phạm Văn Chí để bày bán.
Kể về cơ duyên đến với món này, bà Loan cho biết năm bà 27 tuổi lúc đó kinh tế không những khó khăn mà còn phải “gồng gánh” để nuôi 3 người con ăn học đến nơi đến chốn nên rất vất vả.
Ban đầu vợ chồng bà bán rất nhiều món ăn để mưu sinh, nào là hủ tiếu, bánh mì, nem nướng, bún bò… nhưng nghĩ nếu cứ tiếp tục bán nhiều món như vậy thì sẽ không ổn định và thiếu nguồn hàng cung cấp, vì thế bà quyết định chọn ra món duy nhất để kinh doanh, làm sao khi nhắc đến món đó là người ta nghĩ ngay đến mình. Và cuối cùng họ chọn bánh canh cua.
“Đời tôi không sợ cực, chẳng sợ khổ mà chỉ có một nỗi lo lắng duy nhất đó là sợ con mình ít học, vì thế nên tôi làm mọi cách để kiếm tiền, phải vững chãi ngược xuôi buôn bán lo cho con mình có quyển vở cây bút và mỗi ngày được đến trường”, bà Loan nghẹn ngào.
Ông Huỳnh Văn Sỹ (62 tuổi, chồng bà Loan) tâm sự, nhiều lúc mấy người con gọi về bảo hai ông bà thôi đừng bán nữa, khổ cực nhiều rồi thì giờ an dưỡng tuổi già thôi, chi phí sinh hoạt cứ để các anh chị chu cấp nhưng ông Sỹ không chịu. Dù gì thì cũng đã bán bánh canh 30 năm rồi, giờ mà nghỉ thì thấy không quen, với lại khách người ta còn “mê” món bánh canh cua này lắm nên không đành lòng “dứt bỏ”.
Tiêu chí đầu tiên và là “kim chỉ nam” để thu hút khách cũng như giữ khách của quán bánh canh cua lâu đời này là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mọi dụng cụ nấu ăn hay vật dụng để bày bán đều phải sạch sẽ. Cua, giò heo, thịt cá thác lác… đều được bà Loan đặt mua ở đầu mối khách quen và luôn lựa chọn kĩ càng.
Yêu cầu khá “khắt khe” là thực phẩm phải luôn tươi, không lấy hàng đông lạnh và không dùng hàng chế biến sẵn. Mọi nguyên liệu từ những thứ nhỏ nhặt nhất như xay tiêu, cắt ớt cho đến làm chả cua, hấp tôm, làm bánh quẩy… cũng đều tự tay bà Loan làm chứ không mua qua trung gian.
Tại sao có tô cả 250 -300 ngàn đồng?
Đã có không ít phản hồi về quán bánh canh cua của bà Loan bán với mức giá “trên trời”, có thể nói xấp xỉ tương đương với giá của những nhà hàng sang trọng. Giải thích về vấn đề trên bà Loan cho biết rằng thông tin này đúng nhưng chưa đủ, bởi vì bà bán với nhiều mức giá khác nhau, khách hàng có thể gọi một tô 25.000 vẫn được mà gọi tô 250.000, thậm chí 300.000 vẫn có thể “đáp ứng”.
Một tô đầy đủ khoảng 250.000 đồng sẽ bao gồm khoảng 4-5 chiếc càng cua lớn, 1 giò heo lớn, 2 cục chả thác lác, 2 con tôm sú, 2 miếng huyết và ăn kèm thêm bánh quẩy tôm.
“Nhiều người mới lần đầu đến ăn thường không biết có giá cao nên họ gọi đầy đủ các món ăn kèm, đến khi tính tiền thì khách ngạc nhiên và tỏ vẻ không hài lòng, nhưng sau khi tôi giải thích thì họ mới hiểu”, bà Loan giải bày.
Khi được chúng tôi hỏi về suy nghĩ như thế nào khi nhiều khách hàng “chê” quán này chỉ là quán vỉa hẻ nhưng bán giá quá đắt đỏ thì anh Dũng (32 tuổi, Q.5), một thực khách chia sẻ: “Thực ra bánh canh cua ở đây cũng hơi đắt thật nhưng tiền nào thì của nấy thôi. Tôi đến đây ăn cũng nhiều lần rồi, các bạn muốn ăn tô bao nhiêu cũng có với lại đồ ăn sạch sẽ và khá tươi ngon nên giá vậy cũng hợp lý. Lưu ý một điều là nếu chọn phần ăn kèm như thêm cua nguyên con, thêm cá thác lác… thì xác định giá phải cao, tốt hơn hết nên hỏi giá trước để khỏi phiền”.
Bà Loan còn cho biết, nhiều thực khách ở tít ngoài Bình Dương, Thủ Đức hay Quận 12 cũng tìm đến quán để thưởng thức món bánh canh cua “trứ danh” này và đã nhiều lần quay lại. Cũng vì bán ở trong hẻm nhỏ, chỉ có vỏn vẹn vài chiếc bàn nên không có nhiều chỗ ngồi, vào những ngày cuối tuần khách đông nên ai muốn ăn phải đứng đợi mua về.
Bà Minh Phụng (52 tuổi, Q.8) một vị khách “ruột” của quán bánh canh cua này chia sẻ: “Mặc dù ở xa nhưng tôi cũng thường xuyên lui tới, thường thì khoảng 2lần/tuần. Bánh canh ở đây sợi có vị dai, nước lèo ăn khá mặn mà và hợp khẩu vị. Tôi cũng biết nhiều quán tương tự nhưng ăn ở đây quen rồi, thịt cua không bị bở, tôm được hấp chứ không luộc nên ăn rất ngọt. Giá có hơi đắt so với mặt bằng chung nhưng tôi vẫn hài lòng với số tiền mình bỏ ra để thưởng thức”.
Bánh canh cua có lẽ không phải là món ăn mới mẻ gì đối với người dân Sài Gòn nhưng ở mỗi hàng quán, qua cách chế biến của mỗi người sẽ có những hương vị riêng theo những cách đặc biệt nhất mà khiến cho những ai “ghiền” món này cũng đều phải nhớ mãi. Còn chần chừ gì nữa mà không đến thưởng thức một tô bánh canh “siêu sang chảnh” này nào.
Tô bánh canh ghẹ vỉa hè đến 75.000 đồng có gì mà người Sài Gòn thòm thèm? Tuy mới gia nhập làng ẩm thực Sài Gòn nhưng con đường bánh canh ghẹ Nha Trang nằm trên đường Tô Ký nối tiếp với ... |
Top 5 món bánh canh tuyệt ngon được ưa chuộng nhất Việt Nam Những món ngon được làm từ bánh canh mang đậm chất vùng miền như bánh canh Nam Phổ xứ Huế hay bánh canh ghẹ Vũng ... |
Bánh canh giò heo thơm ngon khó cưỡng cho ngày nghỉ lễ Hương vị đậm đà của tô bánh canh giò heo, hòa quyện với cái cay nồng của rau rừng sẽ khó có thể quên được. |