Sự cố ý khoa là đề tài sôi nổi được các bác sĩ thảo luận tại Diễn đàn quản lý chất lượng và an toàn người bệnh do Trung tâm quốc gia về y tế và sức khỏe toàn cầu Nhật Bản phối hợp với Bệnh viện Bà Rịa (Bà Rịa-Vũng Tàu) tổ chức ngày 20.9.
 

Tìm nguyên nhân gốc của sự cố

Theo các đại biểu, báo cáo sự cố y khoa tại các bệnh viện trong những năm đầu triển khai rất ít người thực hiện, do nhân viên chưa hiểu rõ về sự cố, sự cố y khoa. Các nhân viên y tế thường bao che cho nhau, sợ liên hệ đến bản thân, thu nhập… nên không báo sự cố y khoa.

Bệnh nhân ăn ve sầu bị ngộ độc điều trị tại BV Bà Rịa

Bác sĩ Phan Thị Hằng, Phó giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM), cho biết báo cáo sự cố bắt buộc và tự nguyện được bệnh viện thực hiện từ tháng 7.2014. Tuy nhiên, trong hai năm đầu rất ít báo cáo tự nguyện được nhân viên thực hiện vì những lý do trên. Để nhân viên y tế có trách nhiệm, báo cáo sự cố y khoa, BS Hằng đưa ra giải pháp là toàn bộ cán bộ nhân viên phải đoàn kết, tin tưởng và hỗ trợ lẫn nhau trong vấn đề báo cáo và giải quyết sự cố. BS Hằng cho rằng cần phân tích nguyên nhân gốc của các sự cố, sử dụng nguyên tắc không chỉ trích, phê bình các đối tượng liên quan đến sự cố, chú trọng tìm ra lỗi hệ thống và đề xuất giải pháp khắc phục.

Theo các đại biểu tham dự diễn đàn, sai sót, sự cố là điều kiện khó tránh khỏi trong môi trường bệnh viện. Để cải tiến chất lượng khám, chữa bệnh, giảm thiểu các sự cố xảy ra thì việc báo cáo sự cố là cần thiết, sẽ giảm được việc giải quyết hậu quả. “Khi sự cố y khoa xảy ra, nhiều y, bác sĩ không báo cáo vì sợ trách nhiệm, mất thành tích. Đó là quan niệm sai lầm. Sự cố xảy ra, khi được báo cáo để cùng phân tích nguyên nhân xảy ra sự cố, đưa ra biện pháp giải quyết, hướng khắc phục… để từ đó tránh đi những sai lầm”, một bác sĩ công tác tại Bệnh viện Bà Rịa chia sẻ.

Quản lý chất lượng để hạn chế sự cố

BS.CKI Trần Thị Quỳnh Anh, Phòng nghiệp vụ Y - Dược, Sở Y tế Thái Bình, cho biết quản lý chất lượng, an toàn người bệnh là hết sức quan trọng, ảnh hưởng lớn tới chất lượng các dịch vụ khám chữa bệnh, quyền lợi của người bệnh và uy tín của ngành. Việc này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Y tế và các bệnh viện. Đồng quan điểm trên, BS Nguyễn Văn Hương, Giám đốc Bệnh viện Bà Rịa, cho biết trong hành trình xây dựng và phát triển bệnh viện, chất lượng khám chữa bệnh luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Bệnh viện đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang bị máy móc hiện đại, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, y bác sỹ của bệnh viện, triển khai các kỹ thuật mới... để chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng nâng lên.

Đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết trong những năm qua, công tác khám, chữa bệnh ở nước ta đã đạt được một số thành tựu quan trọng. Y tế cơ sở tiếp tục được củng cố, chất lượng khám, chữa bệnh từng bước được cải thiện.

Nhiều bệnh viện tuyến T.Ư và tuyến tỉnh đã triển khai áp dụng những kỹ thuật y học hiện đại ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác khám, chữa bệnh vẫn còn những hạn chế và thách thức.

Tinh thần, thái độ giao tiếp ứng xử của một bộ phận cán bộ nhân viên làm việc trong bệnh viện còn chưa tốt, việc theo dõi, chăm sóc người bệnh chưa chặt chẽ. Các sai sót trong y khoa vẫn thường xuyên xảy ra, vấn đề mất an ninh bệnh viện, an toàn trong y tế đã ảnh hưởng đến uy tín của ngành như sự cố 8 người bệnh tử vong trong chạy thận nhân tạo. Theo Cục quản lý khám chữa bệnh, nếu quản lý chất lượng tốt sẽ hạn chế được tối đa các sự cố không mong muốn.

http://thanhnien.vn/suc-khoe/bao-cao-su-co-y-khoa-de-tranh-sai-sot-878196.html

/ Theo Xuân Hạ - Nhị Gia/Báo Thanh niên