TS Trần Đăng Tuấn bày tỏ quan điểm tiếc nuối khi biết thông tin Văn phòng Quốc hội chỉ cho phép báo chí tham dự 5 phút đầu của phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Vừa qua, Văn phòng Quốc hội chỉ cho phép báo chí tham dự 5 phút đầu của phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khiến cử tri, nhân dân và phóng viên rất băn khoăn, lo lắng. Xung quanh vấn đề này, nhà báo Trần Đăng Tuấn đã bày tỏ quan điểm tiếc nuối khi biết thông tin vụ việc.

bao chi khong duoc du phien thao luan cua thuong vu tu bot di co hoi de dan hieu minh
Phiên họp thứ 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra từ ngày 11-12/7.

Được sự đồng ý của nhà báo Trần Đăng Tuấn, VTC News xin trích đăng những chia sẻ của ông về vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm trong những ngày qua.

Tôi là người đưa ra đề xuất lập kênh Truyền hình Quốc hội trong hệ thống kênh của VTV, và tôi biết có nhiều gian nan nên phải nhiều năm sau và do đơn vị khác xin mở thì kênh này mới được xuất hiện ở VOV (Gần đây, sắp xếp giá sách, tôi tình cờ thấy lại bản sao văn bản cá nhân tôi gửi về việc xây dựng kênh này.

Văn bản có bút phê của Chủ tịch Quốc hội khi đó (Tổng bí thư hiện nay) chỉ đạo Văn phòng Quốc hội làm việc về nội dung đề xuất).

Khi đó tôi nghĩ rằng cần có một kênh để đủ thời lượng tường thuật hàng ngày mọi hoạt động lớn nhỏ không chỉ của toàn Quốc hội, mà của từng uỷ ban. Để người dân chứng kiến, để khuôn mặt Quốc hội và từng nghị sỹ thật rõ ràng, cụ thể, chứ không là khái niệm trừu tượng trong mắt người dân.

Với quyết định không cho báo chí theo dõi và phản ánh tường tận các buổi họp của mình, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tự bớt đi cơ hội để dân hiểu công việc mình đang làm, để dân cảm nhận hơi thở của nghị trường, những nỗ lực đang diễn ra trong phòng họp nhằm thúc đẩy quốc kế dân sinh.

Để đồng thuận, người ta cần biết cơ quan lãnh đạo Quốc hội đang nghĩ gì, làm gì, đang cố gắng thế nào, và các vấn đề phải giải quyết khó đến đâu.

Nếu là vấn đề bí mật quốc phòng, an ninh - thì buổi họp kín là hiểu được. Còn nếu là các vấn đề mà hàng ngày người dân đang cảm nhận từ thực tế, thì không nên kín.

Nếu các bộ trưởng "lỡ " lộ thông tin mật này nọ, thì là vấn đề kỹ năng, cũng cần cọ xát để không "lỡ lời" nữa.

Mặt khác "mật" chỉ là mật, khi nó ít, rất ít thôi. Nhiều cái mật quá thì thành xa cách, có khi xa lạ nhau mất. 5 phút "để ghi hình" giải quyết được gì.

Dân có lạ khuôn mặt các lãnh đạo Quốc hội đâu. Nhưng e là với hạn chế như vậy, chân dung thể chất thì quen, nhưng chân dung tinh thần thì lại không rõ.

Còn chuyện nhỏ hơn là khi một kênh truyền hình riêng cho Quốc hội đã có, ngày nào cũng phát sóng từ sáng đến khuya, mà Quốc hội mỗi năm họp có hai kỳ, lãnh đạo Quốc hội họp thường xuyên hơn lại chỉ có 5 phút ghi hình đầu buổi. Các uỷ ban thì dân không nghe không nhìn thấy trực tiếp họ làm gì. Vậy kênh đó sống bằng nguồn chất liệu gì?

Đá bóng người ta nhất định muốn xem trực tiếp, chứ không phải thích nghe "bình luận sau trận đấu" hay các trích đoạn bàn thắng thôi. Ít các buổi tường thuật thi đấu trực tiếp, một kênh thể thao sẽ còn lại gì?

So sánh là khập khiễng. Bởi bàn về miếng cơm manh áo còn khiến người dân quan tâm xem trực tiếp gấp nhiều lần.

Tôi thấy tiếc.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tự bớt đi cơ hội để dân hiểu công việc mình đang làm, để dân cảm nhận hơi thở của nghị trường, những nỗ lực đang diễn ra trong phòng họp nhằm thúc đẩy quốc kế dân sinh.

/ Trần Đăng Tuấn/vtc.vn