Đây là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ công tác lao động - người có công và xã hội năm 2018, tổ chức tại Hà Nội sáng 17.1. Thủ tướng yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ, chủ động của Bộ LĐTBXH với Tổng LĐLĐVN trong việc chăm lo đời sống NLĐ, đặc biệt trong quá trình hội nhập sâu rộng và sức ảnh hưởng của các hiệp định kinh tế lớn mà Việt Nam tham gia.
Nói là làm ngay!
Tham dự hội nghị có đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Bí thư Trung ương Đảng - Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; đồng chí Vũ Đức Đam - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Ủy viên Trung ương Đảng - Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường và lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết năm 2017 ngành LĐTBXH đã hoàn thành 100% tất cả các chỉ tiêu kế hoạch, đặc biệt là chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao: Tỉ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị là 3,18%; tỉ lệ lao động qua đào tạo 56%, trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là 22,5%; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm khoảng 1,35% (trong đó, các huyện nghèo giảm khoảng 5%).
Năm qua, với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, ngành đã tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước đối với các trường cao đẳng, trung cấp từ ngành giáo dục và đào tạo. Đến nay, cả nước có 1.974 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và hội nhập quốc tế. Đối với lĩnh vực giải quyết việc làm: Có hơn 1,63 triệu người được giải quyết việc làm, đạt 102,48% kế hoạch. Trong đó: Tạo việc làm trong nước trên 1,5 triệu người, đạt 100,7% kế hoạch; đưa trên 134.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 127,6% kế hoạch. Tỉ lệ lao động làm công hưởng lương trên tổng số người có việc làm ước tính đạt trên 43%...
Đánh giá cao những thành tựu quan trọng của ngành LĐTBXH, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và yêu cầu ngành phải tích cực vào cuộc. Cụ thể, Thủ tướng cho rằng chất lượng hiệu quả trong các lĩnh vực ngành LĐTBXH tuy được cải thiện nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Ví dụ như năng suất lao động thấp, thu nhập bình quân của NLĐ thấp, việc làm chưa ổn định, sinh viên ra trường chưa có việc làm, giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và xã hội.
Tỉ lệ lao động tham gia BHXH thấp, khó đạt 50% vào năm 2020 theo Nghị quyết Bộ Chính trị trong khi BHXH là quyền lợi lớn của người lao động. Tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH còn cao. Bên cạnh đó, với một đất nước “sáng chắn bão giông chiều ngăn nắng lửa”, công tác giảm nghèo còn đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Tệ nạn ma túy, mại dâm, bạo hành trẻ em,… vẫn gây bức xúc trong xã hội.
Công đoàn và Bộ LĐTBXH cần phối hợp tốt hơn
Về một số nhiệm vụ cần tập trung, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xây dựng đề án cải cách tiền lương, đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội để trình Hội nghị Trung ương 7. Lương tối thiểu ở khu vực kinh doanh để bảo vệ người lao động là cần thiết nhưng cần tính toán kỹ và điều chỉnh định kỳ để vừa bảo đảm thu nhập tối thiểu cho người lao động, vừa không đặt gánh nặng lớn lên doanh nghiệp. Cần nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng cho nguồn nhân lực, đó là chìa khóa để thoát bẫy thu nhập trung bình. Tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia xây dựng trường nghề, cung cấp dịch vụ hướng nghiệp. Cần chuyển mạnh từ cấp kinh phí sang đặt hàng đào tạo nghề.
Về việc phối hợp giữa các bộ, ngành, Thủ tướng cũng hoan nghênh Tổng LĐLĐVN và Bộ LĐTBXH phối hợp rất tốt trong các vấn đề chung. Thủ tướng nhấn mạnh ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia. Theo đó, tình hình triển khai các hiệp định thương mại tự do đều có chương, có điều về LĐ, công đoàn. Chúng ta phải quan tâm đến vấn đề đó vì đây là tiến bộ của nhân loại. Trong đó, có việc thực hiện nghiêm túc các quy định đó tại VN. Các nước rất quan tâm đến chế độ, quyền lợi cho người lao động, các vấn đề lao động, CĐ, nhất là các nước EU. Do đó, chúng ta phải có biện pháp quan tâm, bảo vệ quyền lợi của người lao động, nhất là những hiệp định mới mà chúng ta sẽ ký.
“Chúng ta tham gia Hiệp định Thương mại tự do, trong đó có các yêu cầu về hệ thống công đoàn. Vậy, điều gì sẽ xảy ra trong quan hệ lao động của nước ta? đây là câu hỏi lớn đặt ra với cả ngành LĐTBXH và tổ chức công đoàn. Đây sẽ là vấn đề lớn của GCCN Việt Nam, của người lao động Việt Nam và Bộ LĐTBXH phải chủ động phối hợp và đề xuất xử lý” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, vai trò của Bộ LĐTBXH và của Tổng LĐLĐVN sẽ là xử lý thể chế, nhất là Luật Lao động. Phải nắm tình hình công nhân và người lao động sát hơn nữa và đặc biệt phải quan tâm đến quyền lợi chính đáng của họ, nhất là các thiết chế văn hóa cần thiết như nhà ở, trường học, phúc lợi...
Điều chỉnh thuế TNCN: Nhóm có thu nhập 24-41 triệu sẽ ảnh hưởng nhất? Nếu áp dụng thuế TNCN theo phương án 2, những người có thu nhập 24-41 triệu có thể bị ảnh hưởng nhiều nhất do quãng ... |
Hiểu sao về chuyện thu nhập 5 triệu đồng/tháng đã bị tính thuế? Biểu thuế thu nhập cá nhân hiện tại áp dụng thu thuế cho phần tiền đến 5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, không ít người vẫn ... |