Hàng triệu người di cư ùn ùn kéo đến biên giới phía Nam nước Mỹ trong năm qua thách thức chính sách của Tổng thống Joe Biden, đồng thời kéo theo những biện pháp ứng phó thiếu thống nhất giữa chính quyền liên bang và chính quyền các tiểu bang, vốn có thể tác động đến cuộc bầu cử sắp diễn ra tại Mỹ.

Texas “đấu” Nhà Trắng

Ngày 16/2, trong động thái được mô tả là nhằm quyết tâm ngăn chặn dòng người di cư trái phép từ Mexico tràn qua, Thống đốc Texas Greg Abbott, một thành viên đảng Cộng hòa, tuyên bố chính quyền bang của ông sẽ xây dựng một căn cứ quân sự để củng cố lực lượng Vệ binh Quốc gia ở khu vực biên giới. Căn cứ mới rộng khoảng 32 ha, nằm dọc bờ sông Rio Grande ở thành phố biên giới Eagle Pass, sức chứa 1.800 binh sĩ và có thể nâng lên 2.300 người trong tương lai.

Việc xây dựng một căn cứ như vậy sẽ tạo điều kiện tốt hơn để các binh sĩ làm việc, đồng nghĩa với việc Texas sẽ duy trì lực lượng vệ binh ở biên giới một cách lâu dài nhằm ngăn dòng người di cư tràn qua khu vực Eagle Pass, điểm nóng nhất dọc đường biên giới dài 2.000 km giữa Texas và Mexico. “Căn cứ cho phép giới chức Texas tập trung một đội quân lớn tại khu vực chiến lược và tăng tính linh động của lực lượng Vệ binh Quốc gia Texas trong ứng phó với người nhập cư trái phép”, ông Abbott nêu rõ.

“Bão” di cư xáo trộn nước Mỹ trước thềm bầu cử -0
Người di cư gặp khó trước rào thép gai mà Texas dựng lên dọc sông Rio Grande. Ảnh: Getty Images

Texas trở thành tâm điểm của cuộc tranh cãi xung quanh biên giới Mỹ - Mexico suốt một năm rưỡi qua khi ông Abbott và quan chức một loạt tiểu bang, chủ yếu là các thành viên đảng Cộng hòa, quyết định tự mình xử lý cuộc khủng hoảng di cư vì cho rằng chính quyền liên bang của Tổng thống Joe Biden không hành động đủ mạnh. Ông Abbott cùng các thành viên đảng Cộng hòa chỉ trích việc Tổng thống Biden vô hiệu hóa những chính sách hạn chế nhập cư mà người tiền nhiệm Donald Trump triển khai. Ông cho rằng, Washington cũng không quyết liệt với các băng đảng ma túy, được cho là đang kiểm soát khu vực biên giới Mexico gần Mỹ.

Ở chiều ngược lại, Tổng thống Joe Biden khẳng định Hiến pháp Mỹ quy định các chính sách chung về vấn đề nhập cư phải do chính quyền liên bang ban hành. Việc ông Abbott quyết tâm xây dựng căn cứ mới ở biên giới Mexico rõ ràng cho thấy Texas không có ý định lùi bước trong cuộc đấu pháp lý với chính quyền liên bang.

Theo New York Times, ông Abbott từ nhiều tháng qua cho dựng 160 km hàng rào thép gai dọc sông Rio Grande để ngăn người di cư bơi qua sông vào Mỹ. Việc dựng hàng rào đã có hiệu quả khi bằng biện pháp dồn dòng người nhập cư vào các cửa khẩu được kiểm soát, từ đó khiến việc trục xuất dễ dàng hơn. Tuy nhiên, không ít người di cư đã gặp thương tích khi cố gắng vượt hàng rào, kéo theo nguy cơ khủng hoảng nhân đạo. Tổng thống Joe Biden sau nhiều lần thuyết phục chính quyền Texas từ bỏ kế hoạch dựng hàng rào đã ra lệnh cho lực lượng tuần tra biên giới tiến hành phá bỏ một số đoạn rào ở dọc sông Rio Grande vào tháng 10/2023. Texas phản đối hành động trên.

Sau đó, chính quyền liên bang kiện Texas lên Tòa án Tối cao Mỹ với lập luận rằng hàng rào thép gai tại Texas cản trở các hoạt động của lực lượng tuần tra biên giới, ngăn họ tiếp cận sông Rio Grande ở một số khu vực. Tòa án Tối cao Mỹ đã tạm thời cho phép lực lượng biên phòng liên bang cắt dây thép gai, nhưng Texas vẫn tiếp tục lắp đặt hàng rào trong lúc chờ phán quyết cuối cùng.

Texas gần đây còn thông qua đạo luật coi vượt biên trái phép là tội cấp bang, trao thêm quyền lực cho cảnh sát và tòa án bang xử lý người vượt biên trái phép. Đạo luật, có hiệu lực từ tháng 3/2024 nhưng tiếp tục bị Tổng thống Biden đệ đơn kiện.

Dù mô tả chiến dịch ngăn dòng người di cư trái phép là “ngôi sao cô đơn”, Texas không đơn độc trong nỗ lực đối đầu chính quyền Tổng thống Biden. Cuối tháng 1/2024, các thống đốc thuộc Đảng Cộng hòa tại 25 tiểu bang của Mỹ đã ký tuyên bố chung bày tỏ ủng hộ Thống đốc Texas Abbott và “quyền tự vệ theo hiến pháp” của bang này trong việc xây dựng hàng rào thép bảo vệ biên giới.

Bầu cử Mỹ có nguy cơ bị tác động?

Vấn đề nhập cư luôn là đề tài gây tranh cãi trên chính trường Mỹ và có tác động đến các cuộc bầu cử. Theo New York Times, vào những ngày đầu tiên nhậm chức cách đây hơn 3 năm, Tổng thống Biden đã lập tức bãi bỏ phần lớn các chính sách cứng rắn với người di cư ở biên giới Mexico mà người tiền nhiệm Donald Trump áp đặt. Ông Biden tin rằng, chính quyền của mình có thể đồng thời thể hiện lòng nhân ái với những người mong muốn đến với nước Mỹ, vừa bảo vệ hiệu quả biên giới phía Nam.

Tuy nhiên, tình thế không như ông mong đợi khi số người di cư tràn qua biên giới tăng chóng mặt, hệ thống tiếp nhận tị nạn của Mỹ “vỡ trận”. Theo thống kê của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới (CBP), trong năm 2023 đã có khoảng 3,2 triệu người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ (New York Times đưa tin, 2,5 triệu người di chuyển bằng tuyến đường biên giới Mỹ-Mexico), tăng từ 2,7 triệu của năm 2022, 1,6 triệu của năm 2021 và hơn 400.000 năm 2020, thời điểm trước khi ông Biden nhậm chức.

Số người nhập cư nhiều hơn có nghĩa là hệ thống an sinh xã hội tại Mỹ chịu nhiều áp lực hơn; tình hình an ninh đối mặt nhiều nguy cơ hơn và số người Mỹ thiếu việc làm trong tương lai có thể gia tăng. Cần lưu ý rằng, sau khi vào Mỹ, người nhập cư sẽ di chuyển tới các bang có chính sách dễ chịu ngay khi thời cơ đến. Để gây sức ép lên phe Dân chủ, từ năm 2022, Thống đốc Texas Abbott đã cho xe khách chở người di cư tới thành phố New York và những thành phố khác do đảng Dân chủ điều hành. Tại Denver, hơn 36.000 người di cư đã đổ bộ chỉ trong vài tháng qua, trong đó 4.100 người đang lưu trú tại các cơ sở do chính quyền bang vận hành, gây ra tình trạng quá tải. Ở Boston, người di cư thậm chí cắm trại tại sân bay, kéo theo khung cảnh hỗn loạn.

Ở New York, khoảng 164.500 người di cư đã đổ về từ tháng 4/2022, trong đó nhiều người vẫn sinh sống trong 215 khách sạn, tòa nhà văn phòng hoặc lều trại mà chính quyền bang dựng lên để phục vụ họ. Theo New York Times, quyền được cư trú của người nhập cư được đảm bảo trong luật pháp New York và thành phố đã phải chi 3,6 tỉ USD trong năm tài chính 2023 nhằm chăm sóc những “vị khách không mời”. Không chỉ New York, các thị trưởng của đảng Dân chủ ở Chicago, Denver, Houston và cả Los Angeles cuối cùng phải xin sự trợ giúp của chính quyền liên bang để ứng phó.

“Bão” di cư xáo trộn nước Mỹ trước thềm bầu cử -0
Hàng dài người nhập cư chờ xin tị nạn trên đường phố New York. Ảnh: Getty Images

Những biến động nêu trên đã làm đảo lộn chính sách nhập cư của Tổng thống Biden, buộc ông phải thay đổi cách tiếp cận. New York Times đánh giá, ông Biden và các nhà lập pháp đảng Dân chủ thậm chí có thể sẽ chấp nhận những nhượng bộ về vấn đề nhập cư trong các cuộc đàm phán với phe Cộng hòa, điều mà họ loại trừ hoàn toàn trong những tháng đầu nhiệm kỳ. Tháng trước, Tổng thống Joe Biden nói với các phóng viên rằng biên giới phía Nam nước Mỹ không an toàn trong bối cảnh lượng người di cư tăng kỷ lục, đồng thời kêu gọi “thay đổi chính sách quan trọng” với hệ thống tị nạn và các cơ quan hành pháp để kiểm soát biên giới. Ông thậm chí ngỏ ý sẵn sàng “đóng cửa biên giới” với người di cư nếu lưỡng viện quốc hội thông qua dự luật ngân sách, vốn bao gồm một loạt yêu cầu cải cách do phía đảng Cộng hòa đưa ra.

Tuy nhiên, từ cách mô tả của phía đảng Cộng hòa, việc chính quyền của Tổng thống Biden phải điều chỉnh chính sách cho thấy cách tiếp cận ban đầu là sai lầm. Trước thềm cuộc bầu cử tổng thống quan trọng diễn ra trong năm 2024, rất khó để các thành viên đảng Cộng hòa chấp thuận bất cứ yêu cầu nào của đảng Dân chủ trong các cuộc đàm phán, ngay cả khi phía đảng Dân chủ đã nhượng bộ.

Theo một cuộc thăm dò do Harvard CAPS-Harris thực hiện, được công bố cuối tháng 1/2024, vấn đề nhập cư hiện được quan tâm cao hơn tình trạng lạm phát, trong đó, 35% số người Mỹ được hỏi đánh giá chính sách nhập cư là mối quan tâm số 1, cao hơn 32% số người lo ngại về lạm phát tại Mỹ. Trong nỗ lực giải quyết “cơn bão” di cư ở biên giới phía Nam, Tổng thống Biden mới đây đã cử Ngoại trưởng Antony Blinken và các quan chức hàng đầu khác đến Mexico, Panama và Guatemala để thực hiện các biện pháp ngăn chặn dòng người di cư từ xa. Tuy vậy, một cuộc thăm dò của PBS NewsHour/NPR/Marist cách đây 2 tuần cho thấy chỉ khoảng 29% số người Mỹ được hỏi ủng hộ cách ứng phó của Tổng thống Biden.

https://antgct.cand.com.vn/Chuyen-de/bao-di-cu-xao-tron-nuoc-my-truoc-them-bau-cu-i723677/

Thái Hà / antg.cand.com.vn