Tính toán không sát thực tế, trượt giá, tăng khối lượng dự án... là những lý do khiến tổng vốn đầu tư 3 tuyến metro của TPHCM tăng hơn 60.000 tỉ đồng.

bao gio cac tuyen metro o tphcm het y ach
Tuyến metro số 1 của TPHCM có nguy cơ chậm tiến độ do Trung ương chậm bố trí vốn. Ảnh: M.Q

Bên cạnh đó, suốt hơn một năm qua, việc chậm chi vốn ODA từ Trung ương khiến TPHCM liên tục nợ tiền các nhà thầu thi công tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dẫn đến khả năng dự án bị chậm. Những nội dung này làm “nóng” cuộc họp thông báo về tiến độ dự án này diễn ra hôm qua, 8.9.

Đội vốn hơn 60.000 tỉ vì… thiếu kinh nghiệm

Tuyến metro số 1 dài gần 20km (Bến Thành - Suối Tiên) có tổng mức đầu tư được duyệt vào năm 2007 là hơn 17.300 tỉ đồng (hơn 1,09 tỉ USD lúc bấy giờ). Bốn năm sau, tổng mức đầu tư dự án này được điều chỉnh lên hơn 47.300 tỉ đồng (hơn 2,49 tỉ USD), tăng 30.000 tỉ đồng (87% so với ban đầu).

Đề cập về nguyên nhân “đội vốn”, ông Lê Nguyễn Minh Quang - Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (chủ đầu tư) - cho biết, tuyến metro số 1 là dự án đầu tiên TPHCM làm nên chưa có kinh nghiệm, nhiều vấn đề không phù hợp, thêm vào đó là yếu tố trượt giá.

“Vốn đầu tư sau này đã được ý kiến đồng thuận của các bộ, ngành liên quan. Phía Việt Nam cũng đã yêu cầu có thẩm tra tư vấn độc lập từ CPG và SMRT của Singapore thẩm tra, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là nhà tài trợ vốn, không phản đối việc thay đổi vốn này. Trên cơ sở đó, UBND thành phố báo cáo và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt” - ông Quang giải thích.

Trong khi đó, tuyến metro số 2, giai đoạn 1 Bến Thành - Tham Lương (dài 11,042km) cũng trong tình trạng “đội vốn”.

Ông Lê Văn Khoa - Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 - cho biết, tổng mức đầu tư được duyệt vào năm 2010 là hơn 26.100 tỉ đồng (hơn 1,3 tỉ USD). Đến nay, tổng mức đầu tư của dự án là hơn 40.000 tỉ đồng (hơn 2 tỉ USD), tăng hơn 14.000 tỉ đồng (51% so với ban đầu). Dự kiến trong tháng 9.2017, UBND TPHCM sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư (tổng mức đầu tư và thời gian thực hiện dự án).

Về công tác giải phóng mặt bằng, UBND các quận nơi dự án metro số 2 đi qua (quận 1, 3, 10, Tân Bình, Tân Phú, 12) đã ban hành thông báo thu hồi đất, dự kiến phải đến tháng 6.2018 mới bắt đầu tiến hành bàn giao mặt bằng. Như vậy, vẫn chưa thể “chốt” được thời điểm dự án tuyến metro số 2 có thể khởi công, hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Một tuyến metro khác nữa cũng đội vốn “khủng” là tuyến metro số 5, giai đoạn 1 dài gần 9km (ngã tư Bảy Hiền - Cầu Sài Gòn). Năm 2011, tuyến metro số 5 giai đoạn 1 khi đăng ký danh mục dự án ODA chỉ ước tính khoảng 833 triệu euro.

Tuy nhiên, với con số 1,563 tỉ euro như hiện nay, tổng mức đầu tư dự án đã cao hơn tới 87%. Hiện tại thành phố đã thu xếp được gần 1 tỉ euro cam kết tài trợ từ Ngân hàng Phát triển Châu Á, Ngân hàng Tái thiết Đức và Ngân hàng Đầu tư Châu Âu.

Riêng vốn đối ứng từ ngân sách thành phố khoảng 400 triệu euro. Điều đáng nói, đánh giá về nguyên nhân đội vốn, Ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố tiếp tục lấy nguyên nhân do chủ đầu tư, các tư vấn lập dự án và tư vấn thẩm tra trong nước chưa có kinh nghiệm, dẫn đến việc tính toán chưa sát thực tế.

Nguy cơ chậm tiến độ vì thiếu tiền, vướng thủ tục

Không chỉ “đội vốn”, các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn TPHCM còn phải đối mặt với nhiều “nỗi lo” khác, trong đó có khó khăn rất lớn về nguồn vốn. Cụ thể, theo nhu cầu tiến độ thi công của riêng tuyến metro số 1 năm 2017 cần 5.400 tỉ đồng để thanh toán cho các nhà thầu.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, thành phố chỉ được T.Ư phân bổ 2.100 tỉ đồng từ nguồn vốn ODA. Để tránh việc các nhà thầu giãn tiến độ thi công vì không có tiền chi trả, gần một năm qua, TPHCM đã phải hai lần ứng tiền ngân sách thành phố với số tiền hơn 1.000 tỉ đồng để trả nợ.

Lần đầu là trước Tết Nguyên đán 2017, TPHCM tạm ứng khoảng 600 tỉ đồng tiền ngân sách thành phố cho các nhà thầu thanh toán tiền cho công nhân, các nhà cung cấp vật tư... Đến tháng 4.2017, T.Ư mới phân bổ hơn 2.100 tỉ đồng cho tuyến metro số 1. Số tiền này lúc đó chỉ đủ trả nợ cho đơn vị thi công đến hết quý I/2017 và tiền thành phố đã ứng trước đó.

Đến tháng 7.2017, tuyến metro số 1 tiếp tục nợ nhà thầu hơn 500 tỉ đồng, các nhà thầu đã gửi thư xin giãn tiến độ và có thể sẽ cho công nhân nghỉ nếu thành phố không trả số tiền trên. Trước tình huống cấp bách, cuối tháng 8 vừa qua, thành phố tiếp tục tạm ứng 500 tỉ đồng để trả nợ.

Đầu tháng 9, chủ đầu tư đã thanh toán cho nhà thầu gần 300 tỉ đồng và hơn 200 tỉ đồng còn lại sẽ được giải quyết trong tuần này. “Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế chứ không phải là bài toán căn cơ. Thực tế, mỗi tháng cần thanh toán cho nhà thầu từ 500-600 tỉ đồng. Việc tạm ứng tiền ngân sách cũng gặp khó khăn. Hiện, TPHCM vẫn đang chờ Trung ương cho ứng vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020 để có tiền thanh toán cho nhà thầu trong năm 2017” - ông Quang chia sẻ.

Metro vướng quy định của Bộ Tài chính

Theo ông Lê Nguyễn Minh Quang - Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM - đoạn metro đi trên cao của tuyến đường sắt đô thị số 1 đã hoàn thành 70%, vì vậy dự kiến trong tháng 10 này sẽ tiến hành lắp ray. Tuy nhiên, ông Quang cho biết thiết bị lắp ráp đường ray đang bị tắc ở cảng. Theo ông Quang, trước đây Bộ Tài chính thông báo hàng hóa, thiết bị nhập khẩu để thi công tuyến metro sẽ được miễn thuế. Thế nhưng mới đây, Bộ Tài chính lại có thông báo xem xét lại vấn đề này một lần nữa nên dẫn đến việc thiết bị “nằm” ở cảng. “UBND TP đã chủ động làm việc Hải quan TP cũng như báo cáo Tổng cục Hải quan sớm tháo gỡ vướng mắc này để kịp thời thi công cho đúng tiến độ” - ông Quang thông tin.

(https://laodong.vn/kinh-te/bao-gio-cac-tuyen-metro-o-tphcm-het-y-ach-563627.ldo)

/ Theo Minh Quân/Báo Lao động