Tình báo chiến lược Việt Nam từng có những “điệp viên hoàn hảo”, được một số cơ quan tình báo quốc tế đánh giá vào hàng top của thế giới, đối đầu với CIA của Mỹ, Phòng Nhì của Pháp... Trong khi ở nhiều nước, điện ảnh và phim truyền hình có hàng trăm phim tình báo, thì ở Việt Nam, xem ra chiến công của ngành tình báo chưa được nhiều nhà làm phim truyện điện ảnh quan tâm chủ đề này.
Chưa tới 10 phim tính đến hôm nay, không kể những phim đề tài chống biệt kích gián điệp thời chiến tranh, cũng rất ít: “Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn”, “Không nơi ẩn nấp”, “Ván bài lật ngửa” - 1982, “Biệt động Sài Gòn” - 1985...
Đặc biệt trong dịp kỷ niệm 45 năm Thống nhất đất nước, 75 năm Quốc khánh, chưa thấy một dự án phim nào về chủ đề tình báo chiến lược Việt Nam. Trong khi, chúng ta có rất nhiều nguyên mẫu “điệp viên hoàn hảo” được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang với rất nhiều chiến công, góp phần thắng lợi cho cuộc chiến giành độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất đất nước.
Điểm lại những phim một thời “nổi sóng”
Năm 1982, tập đầu tiên “Đứa con nuôi vị giám mục” của bộ phim truyền hình 8 tập “Ván bài lật ngửa”, do Xí nghiệp phim Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh (nay là Hãng phim Giải Phóng) sản xuất trong những năm 1982-1987, đạo diễn Khôi Nguyên (Lê Hoàng Hoa), kịch bản Nguyễn Trường Thiên Lý (Trần Bạch Đằng) ra mắt như một cú đột phá.
Các tập tiếp theo: “Quân cờ di động” (1983), “Phát súng trên cao nguyên” (1983), “Cơn hồng thủy và bản tango số 3” (1984), "Trời xanh qua kẽ lá" (1985), “Lời cảnh cáo cuối cùng” (1986), “Cao áp và nước lũ” (1987), “Vòng hoa trước mộ” (1987) ra rạp, lên sóng truyền hình HTV, rồi sau là VTV, tiếp tục gây “sóng” trong dư luận, thành công vượt tầm về doanh thu và độ phủ sóng với khán giả xem phim Việt suốt 5 năm.
Phim lấy nguyên mẫu Anh hùng Lực lượng vũ trang - đại tá tình báo Phạm Ngọc Thảo, là nhà tình báo hoạt động đơn tuyến, người mà CIA gán cho biệt danh: “Chuyên gia tạo ra các cuộc đảo chính”. Gần 10 năm sau ngày thống nhất đất nước, thân phận của ông mới được công khai. Phim này cũng là dấu ấn mạnh mẽ nhất tạo nên tên tuổi của nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín trong vai Nguyễn Thành Luân - nhà tình báo trong phim.
Theo đà “thắng đậm” của “Ván bài lật ngửa”, điện ảnh Việt Nam năm 1986 công chiếu phim “Biệt động Sài Gòn” gồm 4 tập: “Điểm hẹn”, “Tĩnh lặng”, “Cơn giông”, “Trả lại tên cho em”, đạo diễn Long Vân. Phim lấy nguyên mẫu nhà tình báo Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu) - Chỉ huy trưởng lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, dựng lại một số chiến công đã đi vào lịch sử chiến trận khu Sài Gòn - Gia Định của lực lượng biệt động thành, đánh Dinh Độc Lập, đánh khách sạn Caravel, đánh Tòa Đại sứ Mỹ… làm cho quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn lúc đó đã phải khiếp sợ.
Phim lập kỷ lục người xem, tạo nên một chấn động phòng vé hồi đó. Các rạp gần như phải tăng suất chiếu mà vẫn hút khán giả, dù phim được chiếu cả trên truyền hình. Đặc biệt, phim là bệ phóng giúp tên tuổi của các diễn viên trở nên nổi tiếng trong thập niên 80: Quang Thái, Thương Tín, Thúy An, Hai Nhất, Hoàng Sơn, Hà Xuyên…
Phim “Ông cố vấn”, đạo diễn Lê Dân, được sản xuất và phát sóng vào giữa thập niên 1990. Đây là bộ phim truyền hình nhiều tập do Hãng phim Hội Nhà văn dàn dựng, được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Ông cố vấn - Hồ sơ một điệp viên” của nhà văn Hữu Mai, nguyên mẫu là Anh hùng Lực lượng vũ trang - Thiếu tướng tình báo chiến lược Vũ Ngọc Nhạ. Nhân vật chủ chốt trong vụ án cụm tình báo A.22 làm rung động chính trường Sài Gòn vào cuối năm 1969.
Rất tiếc, phim theo dự kiến là 50 tập, nhưng sau khi phát sóng 10 tập thì dừng lại cho đến tận hiện tại thì cũng chỉ có 10 tập này. Và diễn viên Vũ Đình Thân trong vai Hai Long chưa thể hiện hết tính cách thâm trầm mà tinh anh của nhà tình báo trong vai “ông cố vấn” ở Phủ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, nên phim như thiếu sức hút với khán giả.
Mãi tới năm 1996, phim truyền hình 15 tập “Người đẹp Tây Đô” dựa trên hồi ký của nhà tình báo Lâm Thị Phấn thời kháng chiến chống Pháp được nhà văn Trầm Hương viết kịch bản, đạo diễn Lê Cung Bắc. Cuộc đời người phụ nữ thời phong kiến, đến khi vượt thoát vòng kiềm tỏa của những giới hạn bất bình đẳng, tham gia kháng chiến, đã trở thành một nữ tình báo tài sắc, thông minh, lập nhiều chiến công trong lòng địch. Phim làm nên một làn sóng xem phim truyền hình của công chúng TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ, đặc biệt phim ghi dấu trong lòng khán giả với diễn xuất ăn ý của cặp đôi Lê Công Tuấn Anh - Việt Trinh.
Bẵng đi ngót 10 năm, năm 2003, truyền hình Việt Nam mới lại có phim “Vị tướng tình báo và hai bà vợ”, 29 tập, của hãng TFS sản xuất, đạo diễn Bùi Cường, phóng tác theo tiểu thuyết “Ông tướng tình báo và hai bà vợ” của nhà văn quân đội Nguyễn Trần Thiết. Nhân vật dựa trên nguyên mẫu Anh hùng Lực lượng vũ trang - Thiếu tướng Đặng Trần Đức (Ba Quốc), tình báo chiến lược, bí mật hoạt động trong cơ quan chính quyền Sài Gòn, để thực hiện nhiệm vụ và che giấu thân phận. Ông dù đã có gia đình riêng lúc ở miền Bắc, nhưng khi được phái vào Nam, sống dưới thân phận một người khác và cưới một người vợ khác.
Phim tái hiện khoảng thời gian dài từ kháng chiến chống Pháp đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, với nhân vật trung tâm là vị tướng tình báo Hai Lâm, với các diễn viên chính: Xuân Trường, Hoàng Xuân, An Chinh, Kim Xuân, Nguyễn Hoàng, Nguyễn Đình Thơ, Kim Khánh...
33 năm hoạt động của nhà tình báo huyền thoại Anh hùng Lực lượng vũ trang Đào Phúc Lộc (Hoàng Minh Đạo) cũng đã được thể hiện trong phim "Con đường sáng" 15 tập, lên sóng Đài Truyền hình Hà Nội tháng 3.2008, do Phạm Việt Thanh và Nguyễn Đức Việt làm đạo diễn. Toàn bộ cuộc đời gần như huyền thoại của người Trưởng phòng Tình báo đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, từ thuở thiếu thời trong gia đình viên chức ở Móng Cái - Quảng Ninh cho tới khi hy sinh anh dũng trong lúc làm nhiệm vụ trên sông Vàm Cỏ Đông - Nam Bộ, được phục dựng lại với 144 nhân vật trong phim bước ra từ lịch sử. Phim được quay và dựng trong vòng 24 tháng, nhưng thời gian chuẩn bị cũng kéo dài cả năm, được tiến hành quay tại rất nhiều địa điểm, tổ chức lồng tiếng ở cả 2 miền…
Phim cũng đã gây được tiếng vang bởi cùng thời điểm đó, nhà tình báo “nguyên mẫu” đã được minh bạch những điểm chưa rõ khi “mất tích” và sau được phong hàm Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang. Phim có sự tham gia của Lê Khanh, Trần Lực, Trọng Trinh, Đan Lê, Ngọc Bích, Xuân Bắc…
Bao giờ cho có những “khoảnh khắc mùa xuân”
Nhiều khán giả phim Việt còn nhớ bộ phim truyền hình Nga “17 khoảnh khắc mùa xuân”, nói về chiến công nhà tình báo vĩ đại của Xô Viết thời Thế chiến 2 - Stierlitz của nữ đạo diễn Tachiana Lioznova, với những màn đấu trí ngoạn mục, giàu kịch tính. Và khán giả ước gì phim Việt cũng sẽ có những phim mang tầm như thế về những nhà tình báo chiến lược của ta.
Bởi những chiến công như huyền thoại của họ là những minh chứng cho tài trí và phẩm cách của những chiến sĩ cách mạng, những trí tuệ đánh bại nhiều âm mưu chiến lược của kẻ địch, góp phần thắng lợi các cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ của quân và dân ta.
Phim về đề tài tình báo chiến lược ở ta đã ít, mà chất lượng không đồng đều. Có lẽ trong số phim được sản xuất, chỉ 3 phim có thể nói là “thắng” cả về chất lượng và sức hút khán giả: “Ván bài lật ngửa”, “Biệt động Sài Gòn”, “Người đẹp Tây Đô”. 3 phim còn lại độ phủ sóng nhạt nhòa, ít gây tiếng vang.
Phim ít, phim thành công càng ít, đã thế những dự án về đề tài này gần như không. Tính từ năm 2008, sau khi phim “Con đường sáng” phát sóng, thì cho tới giờ này, năm 2020, là 12 năm sau, vẫn chưa thấy một dự án nào về đề tài này được xem là chuẩn bị đưa vào sản xuất.
Năm 2014, tưởng chừng dự án làm phim truyền hình và điện ảnh về “Điệp viên hoàn hảo”- Anh hùng Lực lượng vũ trang - Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn, sẽ được tiến hành, khi trong buổi ra mắt sách ngày 18.2.2014, Giáo sư Larry Berman đã công bố trao bản quyền cho First News - Trí Việt tổ chức thực hiện bộ phim truyện nhiều tập và phim nhựa 120 phút mang tên “Điệp viên hoàn hào X6”, dựa trên những thông tin và dữ liệu mà Phạm Xuân Ẩn đã kể lại và công bố cho Larry Berman.
Ông Nguyễn Văn Phước - Giám đốc Công ty First News-Trí Việt - cho biết, phim truyền hình về Phạm Xuân Ẩn, dự kiến dài 32 tập, mỗi tập khoảng 45 phút, kinh phí của bộ phim sẽ vào khoảng 1 triệu US. Còn phim điện ảnh dự kiến sẽ dài khoảng 120 phút (chưa có dự kiến tài chính). Nhưng 6 năm rồi, dự án này cũng “bóng chim tăm cá” không biết đang ở đâu..
Chánh Tín và "đỉnh cao Nguyễn Thành Luân" trong Ván bài lật ngửa Dù đã đóng hàng chục phim nổi tiếng khác nhau, nhưng nhắc đến Chánh Tín, là công chúng nhớ ngay đến Đại tá Nguyễn Thành ... |
Nguyễn Chánh Tín - tượng đài điện ảnh Việt Ngoài vẻ đẹp lãng tử với đôi mắt sắc, mái tóc bồng, Nguyễn Chánh Tín ghi dấu ấn hơn 30 năm đóng phim bằng khả ... |