Gần 1.000 hộ dân, với hơn 3.000 nhân khẩu ở tổ dân phố số 15 Tân Mỹ, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm sinh sống suốt 37 năm, nhưng nhiều quyền lợi bị “bỏ quên”.

"Chúng tôi, gần 1.000 hộ dân, với hơn 3.000 nhân khẩu đã ở đây ổn định suốt 37 năm, thế mà hiện nay các quyền lợi về Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất, Giấy phép xây dựng nhà ở, sửa chữa cơ sở hạ tầng, giấy tờ vay vốn ngân hàng phát triển kinh tế và ngay cả việc thực hiện giấy tờ cho tặng, thừa kế tài sản… đều bị “bỏ quên”. Việc này không chỉ khiến đời sống của chúng tôi rất cơ cực, thiệt thòi, khó khăn đủ đường, mà hiện nay còn là vấn đề nguy hiểm tính mạng vì nhà cửa, đường điện, nước xuống cấp trầm trọng không được nâng cấp, sửa chữa…".

Trên đây là một phần nội dung lá đơn khiếu nại thứ 49 có chữ ký của rất nhiều người dân ở Chi hội Người cao tuổi tổ dân phố số 15 Tân Mỹ, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm gửi đến các cơ quan chức năng. Trước những lo lắng, bức xúc của người dân nơi đây, phóng viên Báo Hànộimới đã xác minh thực địa...

nha-cua-cua-nguoi-dan-to-15.jpg
Nhà cửa của người dân tổ 15 Tân Mỹ, phường Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm) hàng chục năm không được cải tạo sửa chữa chỉ vì quy hoạch “treo”.

Có nhà mà phải đi thuê nhà

Đường vào khu dân cư Tân Mỹ có cổng chào khang trang, qua cổng là một khu dân cư sầm uất, với những nhà cao tầng, hạ tầng cơ sở đã được xây dựng kết nối hoàn chỉnh với các công trình hạ tầng của quận Nam Từ Liêm và thành phố. Nhưng “lọt thỏm” giữa những nhà cao tầng và sự đầy đủ, tiện nghi đó, vẫn còn một khu vực rất nhiều hộ dân thuộc tổ dân phố 15 Tân Mỹ sống cảnh nhà cửa xập xệ, đường sá nhỏ hẹp, lầy lội, đường điện sinh hoạt cũ kỹ, nguy cơ cháy nổ khiến người dân sống trong cảnh canh cánh lo âu, mệt mỏi. Rất nhiều hộ đành phải đóng cửa nhà, đi thuê chỗ khác.

Bước vào ngôi nhà của bà Ninh Thị Thơm, ở số 28, ngách 16/26 phố Đỗ Xuân Hợp (thuộc tổ dân phố 15 Tân Mỹ), mùi ẩm mốc xộc vào mũi. Đường điện “đi” ngoài tường vắt qua những mảng tường thấm nước, nguy cơ chập cháy và giật điện luôn rình rập. Toàn bộ ngôi nhà cấp 4 tường bong tróc từng mảng, mái dột.

“Gia đình khó khăn, không thể đi thuê nên phải ở trong ngôi nhà dột nát thế này. Chúng tôi đành phải làm đơn gửi phường xem xét cho sửa chữa phần nào. Bác tổ trưởng dân phố Nguyễn Xuân Thủy thấy mức độ nhà cửa chúng tôi nguy hiểm cũng đã ký đơn xin phép sửa chữa cho chúng tôi”, bà Thơm vừa chìa lá đơn cho chúng tôi xem, vừa tủi thân rơi nước mắt.

Bà Trần Thị Bích Liên giãi bày: "Chúng tôi ở đây đã ba thế hệ, nay nhiều người đã vào tuổi gần đất xa trời, thậm chí nhiều cụ trước khi mất còn đau đáu nỗi niềm nhà đất, đời sống khó khăn của con cháu không biết phải tiếp tục gánh chịu đến bao giờ. Ngay như nhà tôi, chồng tôi ra đi ở tuổi 84, mới cách đây hơn 5 tháng cũng “mang theo” tâm trạng như thế". Bà Liên cúi xuống lau những giọt nước mắt xót xa.

Một số người dân khác cho biết, khi họ nhận giao đất của thành phố về đây, nơi đây còn là đồng cỏ hoang hóa, sau gần 40 năm, nhiều hộ nay tạo dựng được cơ ngơi khang trang, nhưng do chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử hữu nhà, quyền sử dụng đất, việc trao quyền thừa kế cho con cháu khi chưa có “sổ đỏ” gặp cản trở khiến nhiều người day dứt khôn nguôi.

Dự án “treo” đã 24 năm

Tổ dân phố Tân Mỹ trước đây là thôn Tân Mỹ, được hình thành từ năm 1986 với quy mô rộng hơn 12ha do UBND thành phố cấp đất giãn dân cho các hộ có nhu cầu sử dụng để bảo đảm đời sống. Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, vị trí tổ dân phố nằm trong khu vực chức năng sử dụng đất là hồ điều hòa thuộc Khu Liên hiệp thể thao quốc gia. Điều này đồng nghĩa với việc các hộ dân nơi đây không được phép xây dựng nhà ở kiên cố. Theo Quyết định số 981/QĐ-TTg ngày 22-10-1999 của Thủ tướng Chính phủ, diện tích đất này sẽ được thu hồi và tạm giao cho Ban Quản lý dự án Khu Liên hiệp thể thao quốc gia để tổ chức đền bù, giải phóng mặt bằng chuẩn bị đầu tư dự án.

Điều khiến người dân bức xúc là sau gần 25 năm dự án chưa được triển khai khiến họ lâm vào cảnh sống thiếu thốn, thiệt thòi nhiều mặt, đi không được, ở không yên. Những nhu cầu hết sức cấp bách như sửa chữa nhà cửa bảo đảm an toàn tính mạng cũng không được thực hiện. Trong đơn của Chi hội Người cao tuổi gửi các cấp, ngành chức năng có đoạn: Hằng năm, chúng tôi chỉ được quyền đóng thuế nhà và đất ở, làm đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước và địa phương, nhưng những quyền lợi cơ bản thiết yếu như sửa chữa, cải tạo nhà ở cũng không được các cấp thẩm quyền cho phép.

Ngày 5-4-2023, UBND thành phố có Văn bản số 3489/VP-ĐT ghi rõ: Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn thống nhất đề nghị của Sở Quy hoạch - Kiến trúc tại Văn bản số 1148/QHKT-NSH ngày 21-3-2023; giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, UBND quận Nam Từ Liêm phối hợp với các sở, ngành và các đơn vị có liên quan rà soát kỹ về phạm vi, ranh giới, nguồn gốc, quá trình quản lý, sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân trong quy hoạch, các hồ sơ tài liệu có liên quan về quản lý đất đai, quản lý quy hoạch… đối chiếu với các quy hoạch đã được phê duyệt và định hướng điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, tham mưu, đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật.

Chủ tịch UBND phường Mỹ Đình 1 Trịnh Văn Quế thông tin, UBND phường đã có Văn bản số 930/BC-UBND báo cáo UBND và các ban, ngành chức năng của quận kết quả UBND phường rà soát, giải quyết các việc liên quan đến đất đai, nhà cửa và gửi kiến nghị của các hộ dân để cấp trên xem xét điều chỉnh quy hoạch.

Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Nam Từ Liêm Hoàng Minh Hải cho biết, UBND quận Nam Từ Liêm cũng đã phối hợp cùng các sở, ngành chức năng tham gia ý kiến đối với Dự án Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065, trong đó UBND quận đã có nhiều văn bản báo cáo thành phố xin điều chỉnh quy hoạch, để trên cơ sở đó từng bước giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân.

https://hanoimoi.vn/bao-gio-hang-nghin-ho-dan-het-kho-vi-quy-hoach-treo-674492.html