Theo chuyên gia nhận định, tất cả các bên liên quan cuộc xung đột ở Ukraine đều chưa đạt được mục tiêu và khó có thể tìm ra tiếng nói chung trong giai đoạn hiện nay.
- Bên trong đội UAV bí mật của Ukraine chuyên thả mìn tấn công Nga
- Ukraine có thể nhận 50 tỷ USD từ tài sản Nga bị phong tỏa
Đêm 10/5, quân đội Nga bất ngờ phát động một chiến dịch quân sự mới ở phía bắc vùng Kharkov của Ukraine. Chỉ trong hai ngày các mũi tấn công của Moskva liên tiếp di chuyển sâu vào bên trong lãnh thổ Ukraine và đã gần đến phòng tuyến được Kiev xây dựng để bảo vệ thành phố Kharkov.
Đây là hoạt động quân sự có quy mô lớn nhất của Nga kể từ sau khi nước này giành quyền kiểm soát thành phố chiến lược Avdiivka ở Donetsk vào tháng 2/2024. Việc Moska mở thêm mặt trận mới là hành động cần thiết để phá vỡ thế bế tắc trên chiến trường hiện tại nhưng cũng khiến xung đột leo lên một nấc thang mới.
Bản đồ chiến sự Ukraine khi cuộc xung đột bước sang năm thứ ba. (Đồ họa: BBC)
Xung đột Ukraine sẽ không sớm kết thúc
Trả lời phỏng vấn VTC News về tương lai của cuộc xung ở Ukraine, Tiến sĩ Satoru Nagao thuộc Viện Nghiên cứu Hudson (Mỹ) nhận định, để kết thúc cuộc xung đột kéo dài hơn 2 năm này, cả Nga và Ukraine đều cần một lý do chính đáng.
Trong đó, phía Nga cần một chiến thắng rõ ràng. Moskva đã tiêu tốn quá nhiều nguồn lực cho cuộc xung đột nên họ sẽ cần một thắng lợi lớn để hợp pháp hoá chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Điều này có thể bao gồm quyền kiểm soát các thành phố lớn như Kharkov, Odessa,… sau khi kiểm soát hoàn toàn bốn vùng lãnh thổ mới sáp nhập. Nếu không có được những thắng lợi này, nhiều khả năng người dân sẽ nghi ngờ năng lực của người đứng đầu điện Kremlin cũng như mục tiêu của chiến dịch quân sự.
Tiến sĩ Satoru Nagao - Viện Nghiên cứu Hudson.
Về phía Ukraine, Kiev cũng cần một chiến thắng. Đối với Ukraine, định nghĩa chiến thắng là bảo vệ được lãnh thổ của mình. Nhưng quả thực, Ukraine không đủ khả năng để giành lại những phần lãnh thổ Nga đã sáp nhập từ năm 2014, bao gồm Crimea và miền đông Ukraine.
Ukraine đồng thời cần một hệ thống để đảm bảo an toàn sau chiến tranh. Khả năng cao lệnh ngừng bắn tạo điều kiện cho Nga tái thiết lực lượng, chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột. Như vậy, lệnh ngừng bắn tạm thời có khả năng dẫn đến một cuộc chiến khác cho Ukraine.
Do đó, Ukraine không thể chấp nhận lệnh ngừng bắn và họ còn có nguy cơ đối đầu với một cuộc xung đột khác trong tương lai gần.
Đối với NATO, họ không thể chấp nhận chiến thắng của Nga. Chiến thắng của Nga chứng tỏ rằng cuộc chiến này giúp họ đạt được các mục tiêu chính trị.
“Nhìn từ thực tế này, có thể thấy xung đột khó có thể sớm kết thúc”, Tiến sĩ Nagao nhận định.
Đại sứ Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko nhận định, nếu không có sự thúc đẩy từ phương Tây, cuộc khủng hoảng chính trị lẫn xung đột giữa Nga và Ukraine có thể đã kết thúc vào tháng 3/2022. Trước sức ép của phương Tây, Kiev đã từ chối các đề nghị của Moskva về một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng.
Sau khi các cuộc đàm phán hòa bình đổ vỡ, Moskva không nhìn thấy được bất cứ triển vọng ngoại giao nào cho cuộc xung đột bởi vì phía Ukraine không muốn hợp tác với Moskva.
Tuy nhiên Phương Tây chỉ mong muốn "thất bại chiến lược cho Nga trên chiến trường" khi liên tục viện trợ vũ khí cho chính quyền Kiev. Thông qua các chuyên gia quân sự NATO, Ukraine không ngừng mở rộng các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga cũng như công khai kế hoạch hiện diện quân sự của NATO tại Ukraine.
“Chính những điều trên đã khiến xung đột Ukraine chưa thể đi đến hồi kết mặc dù tất cả các bên đều hiểu giải pháp quân sự không thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng”, Đại sứ Bezdetko phát biểu tại buổi chia sẻ thông tin về tình hình nước Nga ngày 15/5 tại Hà Nội.
Bên cạnh đó, Đại sứ Bezdetko cho biết Moskva vẫn muốn kết thúc xung đột ở Ukraine sớm nhất có thể nhằm đảm bảo quyền lợi cho các tất cả bên liên quan đến cuộc khủng hoảng này.
Đại sứ Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko.
Mục tiêu của Nga ở Ukraine
Chia sẻ về chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine sau hơn hai năm xung đột, Đại sứ Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko cho biết, dưới sự chỉ đạo của Tổng thống Nga Vladimir Putin, tới thời điểm này tất cả các mục tiêu mà Moskva đề ra như giai đoạn đầu vẫn giữ nguyên.
“Mục tiêu hàng đầu của chiến dịch quân sự đặc biệt là đảm bảo sự an toàn cho công dân Nga, cũng như phi quân sự hóa và làm giảm nguy cơ an ninh đối với Moskva từ Ukraine”, Đại sứ Bezdetko nhấn mạnh.
Đại sứ Bezdetko cho biết, cả Nga và Ukraine đều là “anh em” trong Liên bang Xô Viết, tuy nhiên mối quan hệ gắn kết này đã thay đổi trước sự tác động của Mỹ và các nước phương Tây.
Khi xung đột Ukraine diễn ra, Mỹ cũng như phương Tây không hề có thiện chí trong việc trung gian hòa giải nhằm tìm kiếm hòa bình ở Ukraine. Thay vào đó các quốc gia này không ngừng viện trợ quân sự cho Kiev để kéo dài cuộc chiến.
Cũng theo ông Bezdetko, việc Tổng thống Putin bổ nhiệm ông Andrei Belousov làm tân Bộ trưởng Quốc phòng Nga sẽ không làm thay đổi mục tiêu của Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt. Bản thân ông Belousov cũng không phải là nhân vật mới khi trước đó ông đảm nhận vị trí Phó Thủ tướng thứ nhất của Nga.
Việc Tổng thống Nga Putin lựa chọn ông Belousov cho thấy Bộ Quốc phòng Nga cần đến sự đổi mới khi cơ quan này không chỉ quản lý vẫn đề liên quan đến quân đội Nga mà cả ngành công nghiệp quốc phòng.
Trước đó, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Bộ Quốc phòng Nga cần sự đổi mới, cũng như thay đổi liên quan đến các điều kiện để phát triển kinh tế quốc phòng.
"Về vấn đề quân sự, việc bổ nhiệm ông Belousov sẽ không thay đổi hệ thống hiện tại. Các hoạt động của quân đội Nga vẫn sẽ do Tổng tham mưu trưởng trực tiếp lãnh đạo và không có thay đổi nào đối với hệ thống phân cấp này trong tương lai", ông Peskov nhấn mạnh.
Việc Tổng thống Putin bổ nhiệm ông Andrei Belouso làm Bộ trưởng Quốc phòng Nga dường như giúp ngành công nghiệp quốc phòng nước này thích nghi nhanh hơn trong kinh tế thời chiến. (Ảnh: CFP)
Trong một bài phát biểu trước các nhà lập pháp Nga ngày 14/5, tân Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrei Belouso cũng đã nêu lên những mục tiêu quan trọng với chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
"Nhiệm vụ trọng tâm là giành được chiến thắng trên tiền tuyến, đồng thời đạt được những mục tiêu chính trị - quân sự do Tổng thống Putin đề ra. Bên cạnh đó, tôi nhấn mạnh rằng chúng ta cần làm điều này với tổn thất về người ở mức tối thiểu", ông Belouso nói.
Trong phát biểu của mình, ông Belouso cho rằng một vấn đề quan trọng khác trong chiến dịch đặc biệt là công nghệ quân sự, và Nga cần đảm bảo sự vượt trội trước đối thủ.
Từ những tuyên bố trên có thể thấy Nga sẽ không nhượng bộ trước bất kỳ sức ép nào trong cuộc xung đột với Ukraine và chỉ dừng lại khi Moskva đạt được mục tiêu đã đề ra. Trong đó không chỉ phi quân sự hóa Ukraine mà còn bảo vệ 4 vùng lãnh thổ mới sáp nhập ở Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson.
Tác động tới trật tự thế giới
Nhận định về tác động của xung đột ở Ukraine nếu cuộc khủng hoảng này tiếp tục kéo dài, Tiến sĩ Satoru Nagao cho biết cuộc chiến đã thay đổi thế giới ở ít nhất ba lĩnh vực.
Thứ nhất, cuộc chiến đã làm nổi bật hai phe của thế giới bao gồm: phe phương Tây và phe chống phương Tây. Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, nhiều quốc gia, trong đó có 31 nước NATO, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Maroc,… đã chỉ trích động thái trên và tham gia trừng phạt Nga, đồng thời cung cấp vũ khí hoặc hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine.
Về phía Nga, nước này cũng đang nhận được sự hỗ trợ từ Iran và Triều Tiên. Đặc biệt, Trung Quốc đang mở rộng hợp tác với Nga.
Năm 2022, sự hợp tác giữa Trung Quốc và Nga còn có sự cẩn trọng, hạn chế. Nhưng đến năm 2023, sự hỗ trợ này ngày càng mở rộng. Hiện tại, Mỹ đang chỉ trích Trung Quốc vì hỗ trợ ngành công nghiệp quân sự của Nga và áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các công ty nước này.
Các quốc gia trong các nhóm này cảm thấy rằng họ đã sát cánh cùng nhau và ở cùng phe trong hơn hai năm qua. Hiện tại, các nước này cũng đang mở rộng hợp tác, gắn kết thành một nhóm lớn hơn.
Sau khi Nga bắt đầu hoạt động quân sự ở Ukraine, các nước phương Tây thấy rằng họ cần phải tách rời khỏi sự phụ thuộc vào Moskva. (Ảnh: Bloomberg)
Thứ hai, cuộc xung đột đang làm tăng mức chi tiêu quốc phòng toàn cầu. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), một tổ chức tư vấn ở Thụy Điển, chi tiêu quân sự thế giới tăng 3,7% vào năm 2022 và tiếp tục tăng 6,8% vào năm 2023.
SIPRI cũng chỉ ra rằng “chi tiêu quân sự bình quân đầu người của thế giới đang ở mức cao nhất kể từ năm 1990, tương đương 306 USD/người”. Đây là một tác động đặc biệt quan trọng, việc tăng chi tiêu quốc phòng sẽ làm tăng ảnh hưởng của ngành công nghiệp quốc phòng trong việc đưa ra các quyết định về mặt chính trị.
Xu hướng này mới chỉ bắt đầu và khi xung đột tiếp diễn, nó sẽ tiếp tục tăng lên. Trong cuốn sách về Thế chiến thứ hai, cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill cho biết việc mở rộng sản xuât quốc phòng cần một quá trình kéo dài 4 năm. Trong năm đầu tiên, các nhà máy không sản xuất được gì thêm Trong năm thứ hai, các nhà máy sản xuất thêm một ít. Trong năm thứ ba, họ đã sản xuất được rất nhiều vũ khí. Và vào năm thứ tư, lượng vũ khí tăng vọt.
Áp vào thực tế, khi cuộc xung đột Ukraine mới qua mốc thời gian 2 năm, có thể thấy phần chính của việc mở rộng sản xuất quốc phòng, chẳng hạn như “nhiều” vào năm thứ ba và “tăng vọt” vào năm thứ tư, sẽ đến trong thời gian tới. Điều này có nghĩa là quyền lực chính trị của ngành công nghiệp quốc phòng ở nhiều nước trên thế giới sẽ còn mở rộng trong một số năm nữa.
Thứ ba, một xu hướng mới được chú ý trên thế giới sẽ là “an ninh kinh tế”. Sau khi Nga bắt đầu hoạt động quân sự ở Ukraine, các nước phương Tây thấy rằng họ cần phải tách rời khỏi Nga. Điều này sẽ kéo theo nhiều rủi ro đối với chuỗi cung ứng và làm bộc lộ những công nghệ quan trọng. Tư duy này sẽ làm thay đổi trật tự thế giới.
Sau Chiến tranh Lạnh, thương mại tự do toàn cầu là ý tưởng chính quyết định quy luật của thế giới. Trong đó, nhiều quốc gia đã chuyển nhà máy sang Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan, khả năng cao sẽ gây ra một làn sóng tách rời khác giống như những gì đã thấy trong xung độ Nga - Ukraine. Kết quả là các hoạt giao dịch hiện nay mang tính chất “kết bạn”. Các quốc gia cố gắng xây dựng lại chuỗi cung ứng đối với các quốc gia thân thiện. Đây là một kiểu thời đại của nền kinh tế “bị phong tỏa” thay vì thương mại tự do toàn cầu. “An ninh kinh tế” có nghĩa là an ninh là sức mạnh chính trị mạnh hơn nền kinh tế.
https://vtcnews.vn/bao-gio-xung-dot-ukraine-ket-thuc-ar871230.html