Thành phố chỉ ra các nguyên nhân và đề nghị bổ sung hàng loạt nội dung vào luật, để giảm hành vi vi phạm quyền con người này.
Tổng kết 10 năm triển khai, thi hành Luật Phòng chống bạo lực gia đình, TP HCM cho biết, số vụ bạo hành đã giảm nhưng lại xảy ra nhiều trường hợp mang tính chất rất nghiêm trọng, dã man, gây tàn tật vĩnh viễn cho nạn nhân...
Trong gần 2.000 vụ được ghi nhận có hơn 61% bạo lực thể chất, gần 31% về tinh thần, gần 7% về kinh tế và hơn 1% về tình dục. Phụ nữ chiếm hơn 86% trong số nạn nhân.
Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM Vũ Trọng Nam đánh giá, bạo lực gia đình gây ảnh hưởng tiêu cực, chia rẽ mối quan hệ vợ chồng, cha con, anh chị em... Việc này khiến mâu thuẫn gia đình tăng lên, các thành viên thiếu quan tâm, chăm sóc, trách nhiệm với nhau.
"Hậu quả là vô cùng nặng nề cho gia đình và toàn xã hội. Đây là hành vi vi phạm quyền con người, danh dự, nhân phẩm, tính mạng và cũng là nguyên nhân tác động tiêu cực đến đời sống xã hội", ông Nam nói.
Nguyên nhân của tình trạng này là nhận thức pháp luật của người dân còn hạn chế; nạn nhân thường bao che người bạo hành, không khai báo, tâm lý sợ bị chê cười; kinh tế khó khăn, tệ nạn xã hội (rượu chè, cờ bạc, nghiện ngập); tư tưởng gia trưởng, bất bình đẳng giới; người dân thiếu những kỹ năng ứng xử trong gia đình; người dân ít hợp tác, tâm lý dĩ hoà vi quý...
Từ đó, Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành chính thức Quy trình xử lý bạo lực gia đình, trong đó giao chỉ tiêu cụ thể và phân công rõ trách nhiệm của các ngành liên quan trong can thiệp và xử lý.
Ngoài ra, thành phố cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Cụ thể là thêm các hành vi bạo lực trong quan hệ vợ chồng như: ép buộc mang thai, sinh nhiều con so với quy định, ép buộc lựa chọn giới tính thai nhi. Thay quy định "phải có đơn của nạn nhân bạo lực gia đình" bằng quy định khác phù hợp, thuận lợi hơn trong công tác kiểm tra, xử lý... để có cơ sở để xác định hành vi bạo lực gia đình cũng như bảo vệ nạn nhân.
Nêu quan điểm, đại diện Sở Tư pháp TP HCM cho rằng không nên phân biệt hành vi "bạo lực gia đình" mà cần có luật về phòng chống bạo lực nói chung. Trong đó có bạo lực gia đình và các phạm vi khác để đồng bộ, phù hợp hơn với Luật Hình sự, Luật Hành chính cũng như các quy định hiện nay.
"Cũng cần thay đổi nhận thức của mọi người về bạo lực gia đình, bởi đây không còn là chuyện riêng tư mà là trách nhiệm của toàn xã hội", đại diện Sở Tư pháp nói.
Thiên Ngôn
Bỏ quên việc chống lại bạo lực người già Đây là vấn đề được nhiều đại biểu đề cập bên lề buổi tọa đàm “Thích ứng với già hóa dân số nhanh ở Việt ... |
Liên tiếp các bi kịch gia đình: Lỗ hổng nền tảng đạo đức và văn hóa Hàng loạt vụ giết người xảy ra mà cả nạn nhân lẫn hung thủ đều là những người trong gia đình, hoặc từng là những ... |