Áp thấp nhiệt đới ở giữa Biển Đông đã mạnh lên thành cơn bão số 6, có tên quốc tế là Nakri, dự kiến quay ngược hướng vào Nam Trung Bộ.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, 22h ngày 5/11, tâm bão cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 290 km về phía Bắc Đông Bắc, sức gió mạnh nhất 75 km/h (cấp 8), giật cấp 10.
Đường đi của áp tháp nhiệt đới theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia. Ảnh: NCHMF |
Trong 24 giờ tới, bão di chuyển chậm về phía Đông với tốc độ 5 km/h và có khả năng mạnh thêm. Đến 22h ngày 6/11, tâm bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 340 km về phía Đông Bắc, sức gió tăng lên 90 km/h (cấp 9), giật cấp 11.
Bão Nakri sau đó dịch chuyển chậm về phía Nam, có khả năng đổi hướng về phía Tây vào Nam Trung Bộ với tốc độ khoảng 5 km/h. Đến 22h ngày 7/11, tâm bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 310 km, sức gió tối đa 100 km/h (cấp 10), giật cấp 12.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão giữ nguyên hướng di chuyển và có khả năng mạnh thêm. Đến 22h ngày 8/11, tâm bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 220 km về phía Bắc Đông Bắc, sức gió mạnh nhất 115 km/h (cấp 11), giật cấp 13. Bão tiếp tục đi về phía Tây và tốc độ nhanh hơn.
Cơ quan khí tượng của Hong Kong và Nhật Bản cũng dự báo, bão Nakri sẽ quần thảo ở trung tâm và nam biển Đông, sau đó hướng vào miền Trung Việt Nam. Đến ngày 10/11, tâm bão có thể trên vùng biển các tỉnh Nam Trung Bộ với sức gió tối đa 105 km/h. Các cơ quan này nhận định, vùng cảnh báo nguy hiểm của bão kéo dài từ Quảng Trị đến Bà Rịa Vũng Tàu.
Trong khi đó, Cục quản lý Thiên văn, Địa vật lý và Khí quyển Philippines cho biết, bão Nakri gây mưa ở các tỉnh Northern Luzon, Zambales và Bataan. Song, không có dấu hiệu có gió bão vào nước này.
Trước diễn biến phức tạp của bão số 6, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã yêu cầu các tỉnh Thanh Hóa đến Bà Rịa - Vũng Tàu khẩn trương thông báo đến các tàu thuyền để trú tránh an toàn. Các địa phương bị thiệt hại do bão số 5 khắc phục hậu quả, sẵn sàng ứng phó với áp thấp nhiệt đới đang mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Hôm 30/10, bão Matmo (số 5) đổ bộ vào Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi khiến hàng trăm cây xanh ngã đổ, nhà dân bị sập, tốc mái, một triệu hộ dân bị mất điện. Mưa lớn do bão gây lũ ở Bình Định, Quảng Ngãi, cô lập hàng nghìn hộ dân.
Áp thấp nhiệt đới gây mưa dông, gió giật cấp 8-9 ở Biển Đông Dự báo, đến 13 giờ ngày 6/11, áp thấp nhiệt đới di chuyển chậm về phía Đông, mỗi giờ đi được 5km và có khả ... |