Báo The Economist gần đây có bài viết về cơn khát công nghệ hiện đại, đặc biệt là điện thoại thông minh iPhone của các hồn ma ở Việt Nam.
Báo Tây viết về ham muốn iPhone của các vong hồn VN |
Nhà báo Joshua Zukas đã có bài viết về xu hướng này trên tờ The Economists sau chuyến đi thực địa.
Bây giờ là 8h tối tại "mê cung" khu phố cổ tại Hà Nội và Trần Thu Hiền, chủ một cửa hiệu, quẳng tờ 100 USD cuối cùng vào đống lửa đang cháy rực ở vệ đường. Tôi đã chứng kiến cô ấy đốt hàng nghìn đô la, song như vậy vẫn chưa đủ. Đốt hết tiền, Hiền mở một gói các món đồ cá nhân đã được chuẩn bị trước để đốt. Gói đồ gồm một chiếc đồng hồ Rolex vàng, một cặp kính hàng hiệu, bao xì gà Cuba và một chiếc iPhone X. Cuối cùng, Hiền lấy một chiếc ô tô Toyota Camry. Chiếc xe khá to và để đốt cháy nó dường như là một thách thức, song chỉ với vài động tác khéo léo, chiếc xe đã bắt lửa. Khói tuôn cuồn cuồn song chỉ vài người ngó nghiêng còn phần đông đều không chú ý mấy.
Hiền, 38 tuổi, cho hay, cô làm như vậy là để bảo vệ vận mệnh kinh doanh và gia đình mình. Ngày tôi gặp Hiền là 15/8 (rằm tháng 7 âm lịch), thời điểm lễ Xá tội vong nhân. Đó là thời điểm đánh dấu cửa địa ngục được mở và các vong hồn có thể tự do đi lại và quấy rầy người sống.
Nhiều người Việt nam thường đốt vàng mã cho tổ tiên suốt trong năm, song vào dịp lễ này các hoạt động như vậy diễn ra rầm rộ hơn. Bình thường, các vong hồn lang thang thường hài lòng với số tiền giả được đốt. Tuy nhiên, người chết ở Việt nam đang ngày càng trở nên 'đòi hỏi' và nghi lễ đốt vàng mã trở nên kỹ lưỡng, tỉ mỉ hơn bao giờ hết.
"Sau khi chết, các vong hồn cũng cần những thứ họ đã có trên dương gian", Hiền giải thích. "Cũng giống như người sống, những người qua đời gần đây cũng muốn có iPhones và ô tô".
Ngành công nghiệp vàng mã, sản xuất những món đồ mô phỏng bằng bìa các tông đã phát triển mạnh, giúp đáp ứng các nhu cầu mới. Trước lễ Xá tội vong nhân, tôi đi thăm Đạo Tú, một ngôi làng ở ngoại ô Hà Nội chuyên sản xuất và cung cấp vàng mã. Xung quanh làng là các ruộng lúa song ở giữa làng, mọi hoạt động diễn ra hối hả vì những người cung cấp đang cố gắng bắt kịp nhu cầu trước dịp lễ.
Máy giặt, ti vi, điều hòa, dàn karaoke - tất cả là đồ giả làm bằng bìa, nằm giữa đường chờ giao. Xe máy chở máy tính xách tay, iPad và xạc pin giả, đi xuyên qua làng. Tôi nhặt một hộp hình trụ trắng và thấy logo của Viettel, một trong những nhà cung cấp internet được ưa chuộng nhất ở Việt Nam. Hình trụ trắng đó là thiết bị phát wifi dỏm, cung cấp đường truyền giả, cho điện thoại giả.
Trở lại khu phố cổ của Hà Nội, tôi gặp ông Trần Quốc Việt, 68 tuổi, cũng đang đốt vàng mã cho tổ tiên. Trời bắt đầu mưa, nhưng điều đó không làm tinh thần của những người như ông Việt và Hiền nhụt bớt. Ông Việt lấy và mở một gói gồm nữ trang vàng bạc giả. "Đây là dành cho cô tôi", người đàn ông này nói trong khi cầm chiếc vương miện bằng bìa. "Cô ấy muốn trở thành một ca sĩ nổi tiếng. Tôi đốt những thứ này với hy vọng nó sẽ giúp cô ấy ở thế giới bên kia". Theo một số người Việt, người chết không chỉ đòi hỏi vật chất mà còn có những giấc mơ chưa thành hiện thực.