Mùa mưa bão kèm theo nhiều hình thái thời tiết cực đoan nguy hiểm được dự báo sẽ ảnh hưởng đến an toàn hệ thống cây xanh đô thị.

Ngoài giải pháp trọng tâm, cơ bản là cắt tỉa, Sở Xây dựng Hà Nội cùng các đơn vị liên quan đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp khác nhằm bảo vệ cây xanh cũng như sự an toàn cho cộng đồng.

cat-cay.jpg
Công nhân Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội cắt tỉa cây xanh trên tuyến phố Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng).

Áp lực trước mùa mưa

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện đơn vị đang quản lý 787.000 cây bóng mát thuộc 751 tuyến đường và Công viên Thủ Lệ. Trong đó có khoảng 177.000 cây bóng mát trong đô thị và khoảng 610.000 cây bóng mát trên các tuyến đường khu vực ngoại thành... Cấp huyện quản lý hơn 369.000 cây, trong đó 238.000 cây trên các tuyến đường, ngõ, công viên, vườn hoa, trường học, cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa thể thao, khu di tích; 131.000 cây còn lại thuộc các khu đô thị, khu chức năng, khuôn viên tổ chức...

Vào mùa mưa bão, mối lo cây xanh gãy, đổ luôn hiện hữu. Ngay trong trận mưa dông đầu mùa tối 20-4 vừa qua, trên địa bàn thành phố có hơn 400 cây xanh gãy, đổ, nghiêng. Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội Nguyễn Đức Mạnh cho biết, nguyên nhân cây xanh gãy, đổ là do yếu tố thời tiết cực đoan, bất thường, mưa dông với cường độ rất mạnh đã giật gãy, đổ nhiều cây, kể cả những cây có đường kính lớn, lâu năm và cả những cây có cọc chống chắc chắn.

Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong năm 2024, do ảnh hưởng của hiện tượng ENSO (El Nino - Dao động phương Nam), sẽ diễn ra nhiều đợt nắng nóng đỉnh điểm. Tại miền Bắc, sau những ngày nắng nóng sẽ có hiện tượng mưa rào kèm dông lốc vào chiều tối, có khả năng ảnh hưởng đến hệ thống cây xanh đô thị.

Khẩn trương, quyết liệt thực hiện các phương án

Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cây xanh bị gãy, đổ trong mùa mưa bão, các đơn vị chức năng đã khẩn trương, quyết liệt thực hiện các phương án. Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội Nguyễn Đức Mạnh cho biết, năm 2024, công ty sẽ cắt, tỉa khoảng 90.000-100.000 cây xanh. Ngoài ra, công ty còn tăng cường kiểm tra, khảo sát để sớm phát hiện những cây xanh nguy hiểm, đưa vào kế hoạch chặt hạ trước mùa mưa bão.

Ngoài cắt tỉa, hạ độ cao cho cây, các đơn vị đang quản lý duy trì hệ thống cây xanh đô thị được yêu cầu tăng cường chằng chống, khắc phục ngay các cọc bị hỏng, mục, cọc chống bị bung vòng thép, đai thép siết chặt vào thân cây không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật để cây trồng không bị nghiêng, gãy, đổ khi có gió lớn, mưa bão, dông lốc xảy ra.

Nhiệm vụ quan trọng khác là triển khai ứng trực, giải tỏa cây xanh gãy, đổ trong mùa mưa, bão. Theo kế hoạch, các đơn vị duy trì cây xanh đều phải xây dựng kế hoạch ứng trực cụ thể, chi tiết cho từng vị trí, từng khu vực và cả kế hoạch ứng phó với tình huống cây bóng mát bị gãy, đổ do dông, lốc, mưa, bão gây ra có khối lượng lớn, từ 3.000 đến 5.000 cây và trên 5.000 cây.

Trưởng phòng Quản lý cây xanh, chiếu sáng và công trình ngầm (Sở Xây dựng Hà Nội) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Sở chủ động lập và thực hiện kế hoạch cắt tỉa cây bóng mát với yêu cầu việc chặt hạ cây bóng mát bị sâu mục, cây chết khô nguy hiểm hoàn tất trước mùa mưa bão. Tổng số cây bóng mát cắt tỉa khoảng 292.000 cây, trong đó số cắt tỉa vén tán, nâng cao vòm lá 230.000 cây và cắt tỉa làm thưa tán, thấp tán, hạ độ cao 62.000 cây.

Cùng với việc thực hiện khẩn trương và quyết liệt các nhóm giải pháp đã nêu trên, theo thông lệ, trước mùa mưa bão, các đơn vị duy trì cây xanh đều chuẩn bị nguồn cây bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng để trồng bổ sung, thay thế kịp thời đối với các cây bóng mát bị đổ, gãy, chặt hạ. Tất cả những phương án cụ thể chủ động ứng phó nêu trên đều hướng tới mục tiêu giảm đến mức thấp nhất số lượng cây gãy, đổ, cũng như thiệt hại do cây gãy, đổ gây ra, đặc biệt bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị Đặng Văn Hà:Cần tăng cường cắt tỉa cây trước mùa mưa bão

van-ha.jpg

Qua theo dõi thông tin trên báo chí, tôi được biết trong số hơn 400 cây xanh gãy, đổ, nghiêng sau trận mưa tối 20-4 tại Hà Nội chủ yếu là các loại lát, bàng, sấu, bằng lăng, keo… có đường kính thân từ 25-40 cm. Đây là những loài cây phù hợp trồng lấy bóng mát ở đô thị, có sức chịu gió tốt. Tuy nhiên, do điều kiện khí hậu cực đoan, đặc biệt gió mạnh cục bộ xuất hiện tại một số tuyến phố, khu vực trong mưa dông khiến cây bị đổ, gãy hoặc nghiêng.

Thống kê cũng cho thấy địa bàn có lượng cây gãy, đổ nhiều nhất thuộc các quận Long Biên, Hà Đông. Qua quan sát cá nhân, tôi thấy một số loại cây xanh như xà cừ, muồng, phượng tại 2 quận này có chiều cao vượt trội, cần sớm được cắt tỉa, hạ tán để bảo đảm cân bằng, hạn chế gãy đổ. Công tác cắt tỉa cần được tăng cường thực hiện trước mùa mưa bão, đặc biệt ưu tiên những cây cao, nặng tán, đang có thế nghiêng nguy hiểm.

Ngoài ra, về kỹ thuật trồng cây cần lưu ý bảo đảm kích thước cho bầu cây cũng như kích thước hố trồng cụ thể cho từng cấp đường kính và chiều cao thân cây.

Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phạm Thanh Tùng:Quy hoạch đô thị phải lựa chọn cây phù hợp

thanh-tung.jpg

Thực tế tại những đô thị có tốc độ đô thị hóa nhanh, các công trình xây dựng có xu hướng nới rộng ban công để tăng diện tích, vỉa hè bị thu hẹp để mở rộng đường do vậy không gian dinh dưỡng cho cây xanh phát triển tự do đang dần bị thu hẹp lại. Cây trồng có xu hướng bị nghiêng ra ngoài, đồng thời cũng gây mất cân đối giữa chiều cao và đường kính tán cây. Đất của Hà Nội nói riêng và vùng châu thổ sông Hồng nói chung là vùng đất trũng bề mặt địa hình thấp, có nhiều mạch nước ngầm, việc tiêu thoát nước tự nhiên thấp, dễ úng ngập cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến cây xanh đô thị dễ bị đổ khi gặp thời tiết cực đoan như mưa dông lớn do ảnh hưởng đến bộ rễ cây.

Do đó, trong quy hoạch đô thị cần lựa chọn cây phù hợp, khoa học. Những năm trước đây, chúng ta đã lựa chọn không đúng loại cây phù hợp thổ nhưỡng nên nhiều cây có tuổi thọ không bền.

Ngoài ra, cần phải chú trọng hơn nữa việc đầu tư cho cảnh quan đô thị cũng như bảo đảm sự sinh trưởng, phát triển an toàn, ổn định cho cây xanh đô thị.

Bà Kiều Kim Phương (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình):Giám sát bảo đảm an toàn cho cây xanh

kim-phuong.jpg

Mùa mưa bão đến, người dân lại nơm nớp nỗi lo thiếu an toàn khi lưu thông trên đường gặp cảnh cây đổ. Do đó, người dân mong muốn các đơn vị chăm sóc, duy trì cây xanh tăng cường cắt tỉa cây bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão. Đặc biệt các đơn vị bố trí nguồn nhân lực để cắt tỉa các cây xà cừ có độ cao lớn, cành, tán nặng tại vị trí thuộc khu vực nội đô, nơi có mật độ phương tiện lưu thông qua lại đông đúc nhằm giảm thiểu thiệt hại nếu cây xanh gãy, đổ.

Chúng tôi cũng đã quen với hình ảnh trước mùa mưa bão, lực lượng chức năng tổ chức cắt tỉa, hạ độ cao của cây nhằm hạn chế các tai nạn, sự cố có thể xảy ra. Tuy nhiên, khi có mưa lớn, gió mạnh, cây đổ vẫn nhiều. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra do khi xây dựng cầu đường, cải tạo vỉa hè… không ít cây xanh bị chặt đứt hệ thống rễ, không ăn sâu vào lòng đất nên khi gặp mưa to, gió lớn, cây có thể bị đổ, gãy bất cứ lúc nào. Các lực lượng chức năng cần tăng cường giám sát, bảo đảm an toàn cho cây xanh, tránh việc bị bức tử như vậy.

Ngân Hạ ghi

https://hanoimoi.vn/bao-ve-cay-xanh-mua-mua-bao-chu-dong-trong-moi-tinh-huong-664675.html

Bảo Hân / HNM.com.vn