Sau ca tử vong vì nCoV tại Đài Loan ngày 14/2/2020, phía bệnh viện bạn đã gửi email khẩn, xin “hoãn” nhận bệnh nhân tôi gửi điều trị. 

Sau ca tử vong vì nCoV tại Đài Loan ngày 14/2/2020, phía bệnh viện bạn đã gửi email khẩn, xin “hoãn” nhận bệnh nhân tôi gửi điều trị.

Đó là bệnh nhi bảy tháng tuổi có dị tật bẩm sinh tại phổi. Em đã được phẫu thuật nhưng tình trạng sau mổ vẫn chưa cải thiện. Tuần trước, người nhà em bé tới gặp và nhờ tôi tìm giúp bệnh viện ở Đài Loan để tiếp tục điều trị cho em. Là người am hiểu về y tế Đài Loan từ những năm tháng làm nghiên cứu sinh tại đây, tôi đã liên lạc và cùng bệnh viện bạn phác thảo các kế hoạch điều trị, kể cả thỏa thuận với đơn vị vận chuyển bằng chuyên cơ, vì bệnh nhân đang thở máy. Họ đồng ý điều trị, nhưng chưa thể tiếp nhận.

Khi tôi thông báo tin này với thân nhân em bé, người mẹ bỗng thẫn thờ, hụt hẫng. Quá áy náy với chị, tôi đã trực tiếp gọi điện thoại cho các đồng nghiệp Đài Loan. Họ giải thích, đây là chính sách chung của bệnh viện. Theo khuyến cáo từ Bộ Y tế và Phúc lợi, cơ quan quyền lực nhất về y tế của Đài Loan, họ phải ngưng toàn bộ lịch tiếp nhận bệnh quốc tế cho đến khi tình hình dịch nCoV ổn định.

Đồng nghiệp Đài Loan cũng kể, sau một ca tử vong, toàn bộ 70 nhân viên y tế tiếp xúc với bệnh nhân cũng bị cô lập 14 ngày để theo dõi và làm các xét nghiệm chẩn đoán. Họ nói rằng, "bệnh viện xin lỗi gia đình bệnh nhân, nhưng chúng tôi buộc phải làm như vậy lúc này vì sự an toàn của nhân viên y tế bệnh viện, mặc dù xác suất nhiễm virus là cực kỳ nhỏ bé".

Năm 2016, tôi tháp tùng đoàn Đại học Y Dược TP HCM sang ký Biên bản ghi nhớ với Đại học Y khoa Đài Bắc. Khi thăm trung tâm điều trị lao phổi ở đây, chúng tôi thấy các bệnh nhân trong giai đoạn lây nhiễm đều được cách ly ở phòng áp lực âm - loại phòng chuyên dụng để làm giảm nguy cơ phát tán nguồn lây ra bên ngoài. Nếu phát hiện ca lao kháng thuốc, bệnh nhân lại được đưa vào phòng đặc biệt hơn với hai lớp cửa. Hồ sơ bệnh án cũng như trước cửa phòng bệnh nhân được đánh dấu riêng. Vào đây, các bác sĩ phải mặc thêm áo choàng, thay khẩu trang, rửa tay và vứt bỏ ngay sau khi rời phòng bệnh, cùng nhiều khuyến cáo chi tiết khác.

Vấn đề làm tôi suy nghĩ là trong tình hình bệnh dịch hiện nay, việc bảo hộ cho các nhân viên y tế với lao phổi nói riêng và các loại bệnh khác tại Việt Nam đang khá sơ sài. Rất nhiều trung tâm y tế, bệnh viện chưa trang bị phòng áp lực âm - một công cụ rất cơ bản trong điều trị bệnh lây nhiễm. Thậm chí với lao kháng thuốc cũng không có gì đặc biệt hơn, và điều đó có thể trở thành nguy cơ nhiễm bệnh rất cao cho nhân viên y tế.

Khi nghe Giáo sư Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Truyền máu và Huyết học Trung ương lên án về sự kỳ thị của một số người đối với nhân viên y tế chống dịch, tôi thấy được đồng cảm. Thật ra, kỳ thị cái gì cũng đáng lên án, kỳ thị nhân viên y tế trong chống dịch bệnh càng đáng lên án hơn.

Tôi cũng hiểu trong giai đoạn này, người dân đang hoang mang, sợ hãi. Khác với các bệnh lý lây nhiễm như giang mai, viêm gan hay HIV, nếu tuân thủ các nguyên tắc an toàn y khoa, chúng ta có thể hoàn toàn phòng ngừa được lây lan. Nhưng với nCoV thì khác, nhân viên y tế cũng không phải là đối tượng miễn nhiễm. Nhiều bác sĩ, thậm chí giám đốc bệnh viện ở Vũ Hán cũng đã tử vong vì dịch bệnh.

Khi tôi viết những dòng này, tình hình dịch nCoV vẫn diễn ra rất phức tạp, vượt ra ngoài Trung Quốc và lên một cấp độ mới. Số lượng người tử vong đã vượt qua đại dịch SARS 13 năm trước. Tốc độ lây lan của virus này cũng khó lường. Vì thế, nói chống dịch như chống giặc cũng không sai, những nhân viên y tế đang ở đầu sóng của dịch bệnh chẳng khác nào những chiến sĩ xông pha ngoài chiến trường, họ chấp nhận rủi ro thậm chí hy sinh vì cái nghiệp trót rót vào thân, vì sứ mệnh cứu người mà họ đã lựa chọn. Ở phía còn lại, họ cũng có gia đình, có người thân, cũng muốn được nghỉ ngơi, vui chơi với con cái, thư thả ăn một bữa ăn ngon, một giấc ngủ không lo lắng. Vì lẽ đó, nhân viên y tế trong dịch bệnh cần được cả xã hội tôn trọng, các nhà quản lý quan tâm hơn, được bổ sung hỗ trợ về chính sách y tế, trang bị bảo hộ an toàn.

Các bệnh viện cần thiết lập chế độ làm việc cách ly hợp lý để một khi trở về nhà, các y, bác sỹ, điều dưỡng viên vẫn giữ được tâm lý an tâm cho mình, người thân và cộng đồng. Điều này, tôi biết, nhiều nơi chưa làm được.

Ngày 27/2, thay vì được chúc mừng, tặng hoa, người làm nghề Y cũng cần các chính sách, hành động thiết thực hơn, hợp thời hơn bởi bối cảnh y tế giờ đây đã khác. An toàn cho nhân viên y tế đầu tiên là an toàn cho chính cộng đồng.

Huỳnh Thanh Tuấn

/ vnexpress.net