Bộ Y tế đề xuất quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện 1 năm/lần. Nhiều ý kiến cho rằng, hiến máu cần tự nguyện hơn ép buộc.
Quy định trên là một trong những nội dung quan trọng của dự án Luật về máu và tế bào gốc của Bộ Y tế vừa gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định.
Theo đó, trong dự án Luật về máu và tế bào gốc, Bộ Y tế đề xuất 2 giải pháp về nghĩa vụ của công dân liên quan đến hiến máu:
Giải pháp 1, quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện 1 năm/lần nhưng có loại trừ một số trường hợp không thể hiến máu; Giải pháp 2, quy định việc hiến máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi cho hoạt động vận động hiến máu.
Với dân số khoảng khoảng 90 triệu người, nếu áp dụng giải pháp 1 thì một năm sẽ có khoảng 46 triệu người phải tham gia hiến máu (trừ 30,3 triệu công dân dưới 18 tuổi và khoảng 14,2 triệu người mắc các bệnh không thể hiến máu). Việc quy định hiến máu là nghĩa vụ của công dân có mặt tích cực là giúp cho có nguồn máu đầy đủ và ổn định.
Hiến máu nhân đạo được đề xuất thành một hoạt động mang tính bắt buộc 1 năm/lần (Ảnh: Internet)
Liên quan đến đề xuất trên của Bộ Y tế, trao đổi với PV Người Đưa Tin, TS. Bùi Thị An- Nguyên ĐBQH khóa XIII cho rằng, nhiều năm qua, chúng ta vẫn có những phong trào hiến máu nhân đạo, những “Chủ nhật hồng” rất ý nghĩa và thu hút được sư tham gia của đông đảo người dân. Hiến máu- chia sẻ sự sống, đó là một nghĩa cử cao đẹp và cần được nhân rộng.
“Tuy nhiên, máu là sở hữu cá nhân vì thế phải dựa trên tinh thần tự nguyện chứ không nên ép buộc. Nếu ban hành luật, người không thực hiện là vi luật, vì vậy theo tôi, Bộ Y tế cần nghiên cứu kỹ lưỡng và tham khảo kinh nghiệm từ các nước trên thế giới về việc này. Trong trường hợp này, sự tự nguyện, chia sẻ sự sống là điều quan trong hơn cả”.
Cũng theo TS. Bùi Thị An, chia sẻ sự sống, cứu giúp mọi người khác với các quy định về quyền, nghĩa vụ trong luật Giao thông đường bộ, luật hành chính. “Theo tôi, đã nói đến bắt buộc hiến máu- nghĩa vụ thì phải nghiên cứu lỹ lưỡng”, TS.An nói.
Trong khi đó, một chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) nêu ý kiến, cần lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân về quy định hiến máu.
Vị chuyên gia này dẫn chứng, mới đây, Pháp cũng đưa ra một điều luật về hiến tạng, theo đó tất cả người Pháp sau khi mất đều phải hiến tạng. Tuy nhiên, các cá nhân không muốn hiến tạng có quyền đăng ký vào "danh sách từ chối hiến tạng quốc gia". Quy định này đã dấy lên nhiều luồng ý kiến trái chiều bởi theo Luật Nhân quyền, tất cả những gì thuộc về cơ thể con người thì đó là quyền con người. Vì thế, đã thuộc sở hữu cá nhân thì phải dựa trên sự tự nguyện.
Câu chuyện bắt buộc hiến máu cũng tương tự như hiến tạng ở Pháp. Khi đưa vào luật, Bộ Y tế dựa trên “chuẩn” nào, quy định này có vi hiến, vi phạm quyền con người hay không? Nếu đã đưa vào luật thì đó là nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân và chúng ta sẽ bỏ qua hai từ “tình nguyện”.
“Từ trước đến nay chúng ta vẫn có những phong trào hiến máu tình nguyện và dấy lên tinh thần tương thân tương ái mạnh mẽ trong cộng đồng. Tuy nhiên, những phong trào đó cũng đã nảy sinh những rắc rối mà báo chí đã đưa ra như lợi dụng hiến máu trục lợi hay có sự không minh bạch ở đó… Sự không minh bạch- "tác dụng phụ” gây ảnh hưởng đến hiến máu tự nguyện”, vị này nhấn mạnh.
Luật sư: Nếu bắt buộc người dân hiến máu là trái luật Tại tờ trình dự án Luật Máu và tế bào gốc, Bộ Y tế đưa ra giải pháp quy định hiến máu là nghĩa vụ ... |
Bộ Y tế: Hiến máu là bắt buộc, đề nghị 1 lần/năm Bộ Y tế đề xuất quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện 1 năm/lần, chỉ loại ... |