Đã hơn 8 tháng trôi qua, Khu liên hợp xử lý chất thải Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây - huyện Ba Vì) phải dừng hoạt động do một số người dân thôn Hiệu Lực (xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì) chặn xe chở rác, nhằm phản đối một số bất cập trong chính sách đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng mở rộng bãi rác.
- Luật Đất đai sửa đổi: Xóa cơ chế đền bù hai giá đất bằng cách nào?
- Đền bù di dân xây đường mới cần thế nào?
- Bài học đắt giá từ vụ kê khống hàng trăm ngôi mộ giả để nhận đền bù
Để tháo gỡ khó khăn, các sở, ngành cần tham mưu cho thành phố Hà Nội chính sách đặc thù hỗ trợ người dân, sớm khơi thông "ách tắc", đưa bãi rác Xuân Sơn hoạt động trở lại.
Căn nguyên phát sinh bất cập
Dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường (bán kính 500m) của bãi chôn lấp rác thải huyện Ba Vì kết hợp trồng cây xanh, tạo hành lang cách ly thuộc địa giới hành chính xã Tản Lĩnh, có diện tích 5,6ha. Dự án được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt từ tháng 5-2022 với tổng mức đầu tư hơn 398 tỷ đồng.
Để thực hiện dự án, cơ quan chức năng của huyện Ba Vì đã rà soát tổng diện tích cần giải phóng mặt bằng là hơn 9,8ha, liên quan đến 108 hộ dân. Trên cơ sở đó, UBND huyện Ba Vì đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho 59 hộ với diện tích hơn 2,6ha; trong đó đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 52 hộ, với diện tích hơn 2,31ha... Hiện còn 21 hộ dân đang sử dụng 2,04ha đề nghị được hưởng chính sách bồi thường, hỗ trợ 100% đơn giá đất và tài sản trên đất giống như chính sách bồi thường dự án vào năm 2017.
Để giải quyết chính sách cho 21 hộ dân này, huyện Ba Vì và các sở, ngành đã trình UBND thành phố phương án đền bù hỗ trợ khác. Tại Văn bản số 1564/UBND-TNMT ngày 26-5-2023, UBND thành phố thống nhất nguyên tắc hỗ trợ về đất theo đề nghị của liên ngành: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, UBND huyện Ba Vì.
Cụ thể, đối với các trường hợp đang sử dụng đất có nguồn gốc lấn chiếm, xây dựng nhà ở trước ngày 15-10-1993 được hỗ trợ 1.245.961 đồng/m2, bằng giá đất bồi thường và đã khấu trừ 50% tiền sử dụng đất. Các trường hợp đang sử dụng đất có nguồn gốc lấn chiếm, xây dựng nhà ở từ sau ngày 15-10-1993 đến trước ngày 1-7-2014 được hỗ trợ 519.961 đồng/m2, bằng mức bồi thường và đã khấu trừ 100% tiền sử dụng đất. Diện tích hỗ trợ mỗi gia đình là 300m2 đất có xây dựng công trình nhà ở theo hiện trạng sử dụng đất.
Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Ba Vì Phùng Hữu Lộc, chính sách đền bù về đất ở như trên là hợp lý và tiệm cận với kiến nghị của các hộ dân. Tuy nhiên, chính sách đền bù về tài sản, công trình trên đất do Sở Xây dựng đề xuất lại có nhiều bất cập, chưa đồng nhất với chính sách đền bù về đất đai. Cụ thể, sau nhiều tháng chậm thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, ngày 30-8-2023, Sở Xây dựng ban hành Văn bản số 6854/SXD-KTXD hướng dẫn UBND huyện Ba Vì áp dụng quy định về bồi thường hỗ trợ nhà, công trình xây dựng không hợp pháp xây dựng trước ngày 15-10-1993 được hỗ trợ 80% theo đơn giá xây mới; công trình xây dựng từ ngày 15-10-1993 đến trước ngày 1-7-2004 hỗ trợ 50% theo đơn giá xây mới; công trình xây dựng từ ngày 1-7-2004 đến trước ngày 1-7-2014 hỗ trợ 10% theo đơn giá xây mới; công trình xây dựng sau ngày 1-7-2014 không được hỗ trợ.
Ông Nguyễn Hồng Chương (người dân thôn Hiệu Lực, xã Tản Lĩnh) thắc mắc: “Nếu áp dụng theo hướng dẫn của Sở Xây dựng, ngôi nhà 3 tầng, diện tích 108,3m3 xây dựng năm 2017 của gia đình tôi đang ở có nguy cơ không được bồi thường. Như vậy có thỏa đáng hay không?”.
Cần có chính sách đồng bộ
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Trần Quang Khuyên cho biết, các hộ dân cho rằng đã sử dụng và sinh sống ổn định, không có tranh chấp và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất ở của huyện và thành phố đến năm 2020. Sau năm 2020, khu vực này mới quy hoạch mở rộng bãi rác Xuân Sơn.
Để phù hợp với chính sách hỗ trợ, đồng thời bảo đảm quyền lợi cho người dân, UBND huyện Ba Vì tiếp tục kiến nghị thành phố hỗ trợ tài sản trên đất bằng 100% đơn giá xây dựng mới cho các hộ dân có công trình xây dựng trước ngày 15-10-1993; hỗ trợ 80% đơn giá xây dựng mới cho các hộ dân có công trình xây dựng sau ngày 15-10-1993 đến trước ngày 1-7-2014 theo hiện trạng đang sử dụng…
Theo đánh giá của một số chuyên gia, chính sách đền bù giữa Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên và Môi trường không có sự thống nhất sẽ làm khó huyện Ba Vì trong triển khai công tác giải phóng mặt bằng dự án. Hơn nữa, chính sách không đồng bộ còn tác động tiêu cực đến môi trường, gây khó khăn cho các doanh nghiệp làm vệ sinh môi trường. Bởi, Khu liên hợp xử lý chất thải Xuân Sơn có nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý rác thải sinh hoạt của 12 huyện: Ba Vì, Chương Mỹ, Đan Phượng, Hoài Đức, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Quốc Oai, Thạch Thất, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa và thị xã Sơn Tây, với khối lượng rác xử lý mỗi ngày là 1.500 tấn. Từ khi bãi rác này bị người dân chặn, toàn bộ rác thải sinh hoạt của thành phố được đưa về bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn). Do quãng đường vận chuyển xa, năng lực của một số đơn vị thu gom hạn chế, dẫn đến có thời điểm rác bị ùn ứ, gây ô nhiễm môi trường.
Như vậy, chỉ vì sự vào cuộc chậm trễ, không thống nhất chính sách đền bù, hỗ trợ của các sở, ngành, khiến bãi rác Xuân Sơn phải dừng hoạt động hơn 8 tháng qua và hiện chưa có tín hiệu khả quan trong giải quyết vụ việc. Hơn lúc nào hết, các sở, ngành của thành phố cần vào cuộc quyết liệt và hiệu quả hơn để tháo gỡ bất cập liên quan đến chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng, không để tình trạng này kéo dài thêm nữa. Người dân xã Tản Lĩnh cũng cần chia sẻ với thành phố, không thể vì chưa được đền bù do thiếu căn cứ pháp lý mà tập trung đông người, gây cản trở hoạt động của Khu liên hợp xử lý chất thải Xuân Sơn.
https://hanoimoi.vn/bat-cap-chinh-sach-den-bu-bai-rac-xuan-son-van-ach-tac-640529.html