Nếu có dấu hiệu bất thường như: công ty không có hoạt động tại địa chỉ đăng ký; công ty đã giải thể, phá sản, bỏ trốn… thì Hải quan từ chối cấp giấy phép nhập khẩu.
- Nhiều hãng xe ô tô nhập khẩu tặng 50% phí trước bạ để “lấy lòng” khách
- Hơn 90% ô tô nhập khẩu về Việt Nam từ Thái Lan, Indonesia
- Ô tô nhập khẩu tăng gần gấp đôi trong tháng 8
Tổng cục Hải quan vừa có văn bản gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác quản lý đối với xe ô tô nhập khẩu dưới dạng quà biếu tặng.
Theo đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố kiểm tra, xác minh khi cấp phép nhập khẩu ô tô dạng biếu, tặng.
Cụ thể, kiểm tra, xác minh thông tin về tình hình hoạt động của tổ chức nhận quà biếu, tặng và thực hiện xác minh tại địa chỉ đăng ký kinh doanh (đối với tổ chức) hoặc địa chỉ ghi trên đơn đề nghị (đối với cá nhân).
Nếu có dấu hiệu bất thường như: công ty không có hoạt động tại địa chỉ đăng ký; công ty đã giải thể, phá sản, bỏ trốn hoặc người đại diện doanh nghiệp, người đứng tên trên đơn đề nghị phủ nhận việc được biếu, tặng thì từ chối cấp giấy phép nhập khẩu.
Cùng với đó, các trường hợp nghi vấn như: Giấy tờ cho biếu tặng hoặc chứng từ chứng minh quan hệ giữa người cho tặng và người nhận có dấu hiệu giả mạo; Từ khi Thông tư 143/2015/TT-BTC có hiệu lực, doanh nghiệp nhập khẩu thường xuyên xe dưới dạng quà biếu tặng theo định lượng quy định… thì thực hiện báo cáo và gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu về Tổng cục (Cục Giám sát quản lý) để xác minh.
Khi xem xét hồ sơ phát hiện các dấu hiệu bất thường khác phải xác minh làm rõ trước khi chấp nhận hay từ chối cấp phép.
Hoạt động nhập khẩu xe ô tô biếu tặng nhiều bất thường |
Tổng cục Hải quan cũng chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố phải rà soát khi cấp giấy phép nhập khẩu. Cụ thể, rà soát, báo cáo các hồ sơ đã được cấp giấy phép nhập khẩu xe ô tô dưới dạng quà biếu, tặng đã được cấp trong 6 năm (2016 - 2021) và 5 tháng đầu năm 2022.
Trường hợp có nghi vấn về giấy đăng ký kinh doanh (đối với tổ chức), về thân nhân (đối với cá nhân) thì thực hiện trao đổi, phối hợp với cơ quan Thuế nội địa, cơ quan cấp giấy đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan Công an nơi xác nhận trên đơn đề nghị (đối với cá nhân) để xác minh thông tin. Nếu có dấu hiệu bất thường như: công ty không hoạt động tại địa chỉ đăng ký, công ty đã giải thể, phá sản, bỏ trốn hoặc người đại diện doanh nghiệp, người đứng tên trên đơn đề nghị phủ nhận việc nhập khẩu xe thì chuyển hồ sơ cho cơ quan cảnh sát điều tra xử lý theo quy định.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu cục hải quan tỉnh, thành phố thực hiện thủ tục nhập khẩu xe chỉ đạo các chi cục hải quan cửa khẩu rà soát hồ sơ nhập khẩu và báo cáo Tổng cục Hải quan.
Liên quan đến những vấn đề báo chí phản ánh về những bất thường trong nhập khẩu xe ô tô biếu tặng, mới đây Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã giao Bộ Tài chính, Bộ Công an theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra và xác minh thông tin, trường hợp phát hiện vi phạm xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng chỉ đạo Tổng cục Hải quan khẩn trương chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra nội dung phản ánh, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nếu có phát hiện sai phạm và báo cáo kết quả về Bộ Tài chính trước ngày 2/6/2022.
Đồng thời, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ: Công Thương, Tư pháp, Giao thông vận tải, Ngoại giao, Công an và các cơ quan liên quan rà soát khung khổ pháp luật và tổng kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện để kịp thời đề xuất biện pháp cụ thể, hợp lý, khả thi, phù hợp với quy định pháp luật để quản lý đối với xe ô tô nhập khẩu, tạm nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại trong trường hợp bãi bỏ quy định cấp giấy phép tại Thông tư số 143/2015/TT-BTC, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định pháp luật, đúng thẩm quyền, không để xảy ra tình trạng trục lợi, buôn lậu, vi phạm pháp luật.