Tất nhiên, vẫn còn quá sớm để khẳng định rằng phần thắng chắc chắn sẽ thuộc về cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hay tân ứng cử viên đảng Dân chủ Kamala Harris, nhất là khi trước mắt họ vẫn còn những cuộc đối đầu trực diện hoàn toàn có thể tạo nên các bước ngoặt mới. Tuy vậy, căn cứ vào những thay đổi đã nối nhau xuất hiện kể từ sau khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố lùi lại phía sau, có thể nói, bà Kamala Harris đã được trao những cơ hội rất lớn để đi vào lịch sử.
Sự đồng thuận tuyệt đối
Ngày 19/8, tại thành phố Chicago, bang Illinois, Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ đã khai mạc, chính thức xác lập vai trò ứng viên cũng như cương lĩnh tranh cử của “bộ đôi chinh phục” mới: Kamala Harris và Tim Walz (Thống đốc bang Minnesota, người đồng hành cùng liên danh với bà Kamala Harris ở cương vị Phó Tổng thống tương lai, nếu đắc cử).
Không có gì bất ngờ, khi hiện diện trong buổi lễ khai mạc này là những “ngọn cờ” của đảng Dân chủ: Các cựu Tổng thống Bill Clinton và Barack Obama, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, lãnh tụ khối đa số tại Thượng viện Chuck Schumer, lãnh tụ khối thiểu số tại Hạ viện Hakeem Jeffries... Đó cũng chính là những gương mặt, bằng tên tuổi cũng như uy tín của mình trong đảng Dân chủ, đã hỗ trợ cuộc “thay ngựa giữa dòng” diễn ra một cách êm đẹp, tính đến thời điểm này.
Có lẽ, chúng ta cần nhắc lại: Chỉ khoảng một tuần trước khi chính thức tuyên bố từ bỏ đường đua, đương kim Tổng thống Joe Biden vẫn còn quả quyết rằng ông sẽ không “đầu hàng”, bất chấp kết cục cuộc tranh luận trực tiếp với đối thủ Donald Trump - mà giới phân tích chính trị quốc tế đánh giá là “thảm họa”. Tuy nhiên, sau đó, đặc biệt là sau vụ ám sát hụt nhắm vào ông Donald Trump tại Pennsilvania - điều đã khoác lên mình vị cựu Tổng thống đảng Cộng hòa thứ hào quang của những nhân vật anh hùng trong phim Hollywood trong mắt đông đảo cử tri Mỹ, mọi chuyện đã xoay chuyển nhanh chóng.
Đương kim Tổng thống Joe Biden chấp nhận xuống đài, sau những lời “gợi ý” từ hậu trường và rất nhanh chóng, bà Kamala Harris “tiến lên tuyến đầu”, với những lời ca ngợi nồng nhiệt từ chính ông chủ Nhà Trắng hiện tại, cũng như từ người tiền nhiệm Barack Obama, cùng rất nhiều những tên tuổi khác của đảng Dân chủ.
Và, một xung lực thực sự mạnh mẽ đã xuất hiện từ bước ngoặt ấy. Ở bậc thềm của Đại hội cử tri đảng Dân chủ, với sự hiện diện của bà Kamala Harris, tỷ lệ ủng hộ dành cho bà đã vượt qua đối thủ Donald Trump 5 điểm phần trăm. Đây là kết quả cuộc thăm dò dư luận (được tiến hành từ ngày 9 đến 13/8, với hơn 2.300 người tham gia trên toàn nước Mỹ) do Kênh truyền hình ABC News phối hợp cùng nhật báo The Washington Post và hãng khảo sát Ipsos thực hiện. Theo đó, kết quả thăm dò ghi nhận 50% số người được hỏi cho biết sẵn sàng ủng hộ bà Harris, trong khi chỉ có 45% ủng hộ ông Trump. Số còn lại vẫn chưa quyết định. Cuộc thăm dò trong số những cử tri đã đăng ký tham gia bỏ phiếu vào tháng 11 tới cũng cho kết quả tương tự, khi bà Harris dẫn trước với tỷ lệ 49% và 45%.
Đảng Dân chủ, thực tế, không thể có sự lựa chọn nào sáng giá hơn nữa để lội ngược dòng ngoạn mục như vậy trên đường đua.
Những lực đẩy khổng lồ
Thực tế, cũng không khó lý giải về cách mà bà Kamala Harris có thể tạo nên được một luồng sinh khí mãnh liệt đến như vậy, để thay đổi hoàn toàn diện mạo của đảng Dân chủ trên đường đua đến Nhà Trắng.
Một cách ngắn gọn, nếu chiến thắng ở cuộc bầu cử sắp tới, bà sẽ cùng đảng Dân chủ tạo nên một cột mốc lịch sử: Nữ tổng thống đầu tiên (đồng thời cũng là nữ tổng thống da màu đầu tiên) của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, trong suốt 300 năm lập quốc. Chỉ riêng điều này thôi cũng đã mang đến sức lôi cuốn rộng rãi đối với nhiều giai tầng xã hội Mỹ, đặc biệt là trong nhóm các cử tri trẻ, cũng như nhóm cử tri có gốc gác nhập cư (trong thời gian gần đây).
Không chỉ vậy, trong chương trình hành động, ê-kíp của bà Kamala Harris cũng kịp thời đưa ra những thông điệp giàu khả năng lay động, như “Fearless!” (Không sợ hãi!), hay cụ thể hơn, là những chủ đề được đưa ra bàn thảo tại Đại hội cử tri đảng Dân chủ, như: “Vì người dân", “Tầm nhìn táo bạo cho tương lai của nước Mỹ”, “Cuộc chiến vì tự do” và “Vì tương lai của chúng ta”.
Nhìn chung, có thể thấy, cương lĩnh của đảng Dân chủ cũng như cá nhân bà Kamala Harris hướng đến mục tiêu tạo ra sự tương phản giữa các ưu tiên của đảng này với lập trường của cựu Tổng thống Donald Trump, trong đó tập trung vào các đề xuất tăng lương tối thiểu liên bang, các khoản tín dụng thuế trẻ em, tín dụng thuế thu nhập tối thiểu, tăng thuế suất doanh nghiệp, cấm các loại “phí rác”, tăng cường các dự án năng lượng sạch, cũng như quyền sinh sản.
Không chỉ vậy, về mặt kỹ thuật, chiến dịch vận động tranh cử của đảng Dân chủ còn đã và đang được “tiếp thêm sức mạnh” nhờ ưu tiên “phủ sóng” trên các nền tảng đa dạng, như mạng xã hội Whatsapp hay TikTok, nhằm kết nối và tác động đến cử tri (nhất là giới trẻ) theo cách hiệu quả nhất. Ở Whatsapp, ê-kíp của bà Kamala Harris còn thực hiện rất nhiều video vận động song ngữ, với sự góp mặt của những người đưa tin gốc Latin. Theo Giám đốc truyền thông gốc Tây Ban Nha của chiến dịch - ông Maca Casado, đương kim Phó Tổng thống Kamala Harris và Thống đốc bang Minnesota Tim Walz hiểu rõ sức mạnh của cộng đồng người gốc Latinh. Do đó, các chương trình như kênh WhatsApp nói trên là cách chiến dịch tranh cử tiếp cận khối cử tri có vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử tháng 11 tới.
Chưa hết, The New York Times tiết lộ: Việc thu ngắn lộ trình để những người nhập cư có thể trở thành công dân Mỹ (và có quyền bỏ phiếu) đang được đẩy mạnh với tốc độ chóng mặt. Hàng nghìn người nhập cư đang trở thành “những người Mỹ mới” mỗi tuần. Trước đây, trung bình, quá trình đó sẽ phải diễn ra trong ít nhất là khoảng 11,5 tháng (số liệu năm 2021), còn hiện tại, quy trình này chỉ còn khoảng 4,9 tháng. The New York Times thống kê: 3 năm kể từ khi đương kim Tổng thống Joe Biden tiếp nhiệm, đã có khoảng 3,3 triệu người nhập cư được cấp quyền công dân Mỹ. Rõ ràng, họ đều phấn khích muốn thực hiện quyền bầu cử mới được trao, để “đền đáp” chính sách mở cửa của đảng Dân chủ (vốn trái ngược với những “Vạn lý trường thành” dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump).
Cuối cùng, theo số liệu được tờ The Wall Street Journal dẫn lại từ trang theo dõi AdImpact ngày 16/8, kể từ khi Tổng thống Biden rút khỏi cuộc đua vào cuối tháng 7, chiến dịch tranh cử đã dành 110 triệu USD chi cho quảng cáo ở 7 bang quan trọng, trong đó có tới 42 triệu USD dành cho quảng cáo riêng ở bang Pennsylvania, cao hơn gấp đôi các bang còn lại. AdImpact cũng tin rằng những con số này sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới.
Cạm bẫy chặng về đích
Dù vậy, bất chấp niềm tin chiến thắng đang mỗi ngày lại được củng cố thêm trên nhiều phương diện, sự so kè trên đường đua nóng bỏng trước một đối thủ khó lường như cựu Tổng thống Donald Trump cũng vẫn luôn tiềm ẩn những “hiểm họa”. Không phải ngẫu nhiên, ngày 19/8, Chủ tịch Forward Future - một siêu Ủy ban hành động chính trị (PAC) ủng hộ bà Kamala Harris tranh cử Tổng thống Mỹ - Chauncey McLean gợi ý: Bà Harris cần đưa ra các đề xuất chính sách cụ thể hơn để thu hút các cử tri, theo đó chú trọng giải quyết các mối quan tâm của công chúng. Nói cách khác, chỉ những khẩu hiệu cao rộng, trừu tượng và hùng hồn thôi là chưa đủ.
Đây cũng chính là điểm mà đối thủ của bà chắc chắn sẽ không bỏ qua. Thực tế, trong những ngày qua, khi bà Kamala Harris vượt lên từ phía sau, cựu Tổng thống Donald Trump đã bị giới quan sát nhận định rằng: Ông bắt đầu sử dụng các phương thức công kích cá nhân, thí dụ như chỉ trích chính quyền đương nhiệm về việc để giá cả leo thang, đồng thời cho rằng bà Harris (ở cương vị Phó Tổng thống) cùng Tổng thống Biden cần làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn và đẩy lùi lạm phát. Thậm chí, ông không ngại ngần đề cập những vấn đề riêng của bản thân bà Harris.
Có thể tin rằng, cựu Tổng thống Donald Trump sẽ tiếp tục sử dụng những “vũ khí” ấy, trong các cuộc tranh luận trực tiếp sắp bị diễn ra, nhằm giành lại ưu thế. Bởi, không thể phủ nhận, các vấn đề kinh tế - xã hội đang chất lên ngân sách nước Mỹ những gánh nặng khổng lồ. Văn phòng Ngân sách Quốc hội (một cơ quan phi đảng phái thuộc Quốc hội Mỹ) dự báo thâm hụt ngân sách của Chính phủ Mỹ sẽ tăng lên mức 1.900 tỷ USD trong năm tài khóa hiện tại và tiếp tục tăng lên mức 2.800 tỷ USD vào năm 2034. Từ năm 2025-2034, tổng thâm hụt ngân sách sẽ là 22.100 tỷ USD. Tổng nợ công nước Mỹ đã vượt mức 34.000 tỷ USD.
Tình thế này đòi hỏi những biện pháp tăng thu giảm chi cụ thể, thậm chí là khắc nghiệt (như cách Cục Dự trữ Liên bang siết chặt lãi suất suốt thời gian qua), với cách tiếp cận vấn đề thực tế (hay đúng hơn là thực dụng) và khoa học, chứ không phải những ý tưởng mơ mộng. Cách bà Kamala Harris đối diện với những phương trình hóc búa này sẽ quyết định bà giành được bao nhiêu số phiếu đại cử tri - những người thực sự có đủ quyền quyết định ai là người chiến thắng sau cùng.