Chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa, cuộc tổng tuyển cử tại Mỹ sẽ chính thức diễn ra. Đây là lúc hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ tăng cường mạnh mẽ các cuộc vận động, nhất là khi những cuộc thăm dò gần nhất cho thấy tỷ lệ ủng hộ giữa hai bên vẫn bám đuổi sát nút.

Trong 24 giờ qua, ứng cử viên của đảng Cộng hòa Donald Trump đã có một sự kiện rầm rộ tại đấu trường Madison Square Garden nổi tiếng ở thành phố quê hương New York của ông. Tại đây, cựu Tổng thống Mỹ tiếp tục đưa ra những cam kết tập trung vào nền kinh tế và vấn đề nhập cư, những mối quan tâm hàng đầu của cử tri Mỹ, cũng là những thế mạnh tranh cử của ông. Ngoài vận động cho cuộc bầu cử tổng thống, chiến dịch cũng nhằm thúc đẩy sự cạnh tranh cho các ứng cử viên đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào quốc hội cùng diễn ra.

Bầu cử Tổng thống Mỹ: “Nóng” ở chặng đua nước rút -0
Hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ đồng loạt tăng tốc ở chặng đua nước rút. Ảnh: Getty.

Cùng ngày, ứng cử viên đảng Dân chủ, Kamala Harris đã có chuyến đi thứ 14 đến Pennsylvania, bang chiến trường được cho là có ảnh hưởng nhất tới cuộc bầu cử. Trước đó, bà Harris cũng đã đi đến các tiểu bang không phải là chiến trường để tham gia các sự kiện lớn nhằm truyền tải chương trình nghị sự của mình. Dự kiến, ngày 29/10, bà sẽ có cuộc vận động ở khu vực Ellipse, thủ đô Washington, nơi ông Trump đã phát biểu với những người ủng hộ trước khi họ xông vào Đồi Capitol năm 2021.

Có thể nói, lộ trình vận động tranh cử trong ngày 27/10 đã phản ánh chiến lược trái ngược của cả hai ứng cử viên trong những ngày cuối cùng trước thời điểm quyết định. Giới quan sát đánh giá, bà Harris lựa chọn đi qua nhiều khu phố khác nhau ở Philadelphia - nơi đông đúc nhất bang chiến địa Pennsylvania - để tiếp xúc trực tiếp với các cử tri, chủ yếu là người da màu và người gốc Latinh. Đây là những đối tượng mục tiêu của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Mỹ năm nay.

Trong khi đó, ông Trump tổ chức một sự kiện tranh cử thu hút gần 20.000 người tham dự tại Madison Square Garden. Tại Madison Square Garden - một nhà thi đấu đa năng và còn là một trong những biểu tượng của thành phố New York vào ngày 27/10, ông Donald Trump đã kết thúc bài phát biểu kéo dài 80 phút bằng những chỉ trích thẳng thắn nhắm thẳng các đối thủ chính trị, đề cập việc kiểm soát nhập cư, kinh tế và việc tái áp thuế đối với các doanh nghiệp Mỹ sản xuất ở nước ngoài.

Đáng chú ý, hai ứng cử viên tổng thống Mỹ đang bám đuổi nhau sít sao cả trong nỗ lực huy động tài trợ tranh cử, trong những ngày cuối cùng trước khi diễn ra một cuộc bầu cử có thể là tốn kém nhất trong lịch sử. Các ứng cử viên và những nhóm cử tri ủng hộ đã huy động được hơn 3,8 tỷ USD tính đến giữa tháng 10/2024.

Một phân tích của tờ Financial Times cho thấy các tỷ phú đã quyên góp ít nhất 695 triệu USD cho các ứng cử viên tổng thống Mỹ, tương đương khoảng 18% tổng số tiền huy động được trong kỳ bầu cử này. Ứng cử viên Donald Trump đặc biệt phụ thuộc vào các tỷ phú Mỹ, với khoảng 1/3 số tiền huy động được trong chiến dịch tranh cử và qua những nhóm ủng hộ là đến từ các tỷ phú, so với khoảng 6% đối với số tiền mà những nhóm ủng hộ ứng cử viên Kamala Harris huy động được.

Các con số này cho thấy bước nhảy vọt về lượng tiền mặt đổ vào chính trường Mỹ kể từ năm 2010, khi tòa án tối cao ra phán quyết cho phép những cá nhân ủng hộ số tiền không giới hạn cho các siêu ủy ban hành động chính trị. Theo Financial Times, khoảng 127 triệu USD, tương đương khoảng 6% nguồn tài trợ cho bà Harris, là do các tỷ phú quyên góp, một tỷ lệ nhỏ hơn so với ông Trump. Trong khi đó, các nhóm ủng hộ ông Trump đã nhận được ít nhất 568 triệu USD từ những tỷ phú, hay khoảng 34% trong số tiền mà chiến dịch vận động tranh cử của ông đã huy động được.

Cuộc đua vào Nhà Trắng càng trở nên gay cấn hơn khi cuộc thăm dò gần đây nhất do CNN thực hiện cho thấy, cả hai ứng cử viên đều đạt tỷ lệ ủng hộ ngang bằng nhau ở mức 47%, phản ánh một cuộc cạnh tranh sít sao và khốc liệt. Kết quả thăm dò của CNN nêu rõ tỷ lệ ủng hộ giữa hai ứng cử viên gần như không thay đổi trong suốt chiến dịch. Trước đó vào tháng 9 vừa qua, bà Harris được 48% cử tri tiềm năng ủng hộ, trong khi ông Trump ở mức 47%.

Cuộc thăm dò mới nhất cũng chỉ ra rằng phần lớn cử tri (85%) đã xác định ứng cử viên mà họ sẽ ủng hộ từ đầu chiến dịch và chỉ có 15% cử tri thay đổi quyết định trong quá trình diễn ra. Điều này cho thấy sự ổn định trong lựa chọn của các cử tri Mỹ, khi chỉ còn 2% vẫn chưa đưa ra quyết định và 9% cho biết có thể thay đổi lựa chọn trước khi bỏ phiếu.

Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các ứng cử viên diễn ra hết sức gắt gao, theo một cuộc thăm dò của Scripps News/Ipsos công bố ngày 24/10, gần 75% người Mỹ lo ngại về nguy cơ xảy ra bạo lực sau bầu cử và hầu hết cho rằng nên triển khai quân đội nếu tình huống trên xảy ra. Chỉ còn 10 ngày nữa là diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, các quan chức nước này đang chuẩn bị đối phó với khả năng xảy ra các mối đe dọa và bạo lực đối với nhân viên làm việc tại các điểm bỏ phiếu.

Khoảng 90% các điểm bỏ phiếu đã tăng cường an ninh, trong đó bang Arizona đang gấp rút tiến hành đào tạo về quy trình máy móc bỏ phiếu và cách hỗ trợ cử tri. Cả nước Mỹ đều sẵn sàng cho một kỳ bầu cử đang gần kề.

https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/bau-cu-tong-thong-my-nong-o-chang-dua-nuoc-rut-i748597/

Bảo Hân / CAND