Bảy giờ giành giật sự sống trên biển của 12 thuyền viên
Được cứu từ dưới biển lên tàu cảnh sát nhưng nhìn quanh không thấy con trai mình đâu, ông Nguyễn Văn Đạm bật khóc.
Sáng 1/11, ông Nguyễn Văn Đạm (57 tuổi, trú Nam Định) cùng 11 thuyền viên trên tàu Thành Công 999 bị chìm ở Hà Tĩnh hôm qua, đang được chăm sóc tại Trạm Biên phòng cửa khẩu quốc tế cảng Hòn La (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình).
Ngồi thất thần bên góc sân, ông Đạm lấy tay lau nước mắt, nói con trai út Nguyễn Thanh Định (21 tuổi) - là thuyền viên mới làm việc cho tàu Thành Công 999 được 4 tháng, đang mất tích, "hiện không có hi vọng sống sót nữa, chỉ mong nhà chức trách sớm tìm được thi thể con để đưa về quê lo hậu sự".
Theo ông Đạm, tàu bị nghiêng lúc 11h53 ngày 31/10, trên khoang có 13 người (gồm 12 thuyền viên, mà một phụ bếp nấu ăn). Nghen thuyền trưởng phát tín hiệu cấp cứu, nói vọng rằng "không ổn rồi", mọi người mang áo phao, vớ vội những chiếc phao cứu sinh rồi lao mình xuống biển.
Ông Đạm khóc khi nói về con trai đang mất tích. Ảnh: Đức Hùng
Nhóm của ông Đạm có 7 thuyền viên, bám trên chiếc phao bè chiều ngang 1 m, dài 2,5 m, lênh đênh trên biển. Ba tiếng sau thì tiếp cận được với 3 thuyền viên khác, cũng đang bám trên phao cứu sinh tròn loại nhỏ. Hai bên hợp lạị thành 10 người, lấy dây buộc nhiều chiếc phao với nhau và để sóng cuốn tự do.
Đến 17h, tàu của cảnh sát biển tiếp cận được với nhóm 10 thuyền viên, lực lượng cứu hộ đứng phía trên ném phao xuống, hướng dẫn họ bám vào dây thừng, đi thang sắt để kéo lên tàu. Ông Đạm lớn tuổi được ưu tiên lên tàu trước, đưa vào trong khoang nghỉ ngơi. Anh Định lên sau, song quá trình bám vào dây thừng bị tuột tay, ngã xuống biển, sóng cuốn mất tích.
"Thấy bộ đội biên phòng nói một thuyền viên đã rơi xuống biển, tôi đảo mắt nhìn xung quanh không thấy Định đâu nên hốt hoảng, bò ra ngoài gọi tên con trong vô vọng. Lúc đó cảm giác bất lực, định lao xuống biển tìm con nhưng bị mọi người can ngăn", ông Đạm kể.
Đêm khuya, ông Đạm mượn điện thoại của cảnh sát biển gọi về cho vợ, báo "con mất tích rồi, không tìm được nữa". Khi nghe đầu dây bên kia òa khóc, ông tắt máy, nói với mọi người xung quanh: "Đau đớn quá, nhà tôi chỉ được duy nhất nó là con trai".
Thuyền trưởng tàu Thành Công 999, ông Nguyễn Văn Thạnh (52 tuổi, trú huyện Hải Hậu, Nam Đinh) cho biết, 12 thuyền viên được cứu sống vào ba đợt. Lúc 16h cứu được 2 người, 19h cứu tiếp 9 người, 30 phút sau tiếp cận thêm một người. "Rất buồn vì vẫn còn một người mất tích", ông Thạnh nói.
Theo thuyền trưởng, trước khi chìm, ông thấy tàu nghiêng, điện trong khoang chập chờn, nên ra lệnh cho máy trưởng chỉ huy mũi lái hướng thẳng vào cảng Sơn Dương (thị xã Kỳ Anh), nhưng tàu cứ quay đầu ngược trở lại theo hướng ra Bắc. Khi thấy không còn an toàn, ông phát tín hiệu cấp cứu để mọi người cùng nhảy xuống biển thoát thân. Tàu nghiêng trái rồi chìm hẳn trong 30 phút.
"Giữa biển, sóng cao 5 m đánh ngang mặt, mắt mũi cay xè, không nhìn thấy gì. Nhóm của tôi gồm 7 người, anh em dù hốt hoảng nhưng cố động viên nhau, nói sống chết rất mong manh, hi vọng vào sự may rủi, cầu mong lực lượng cứu hộ đến kịp thời", ông Thạnh cho hay.
Thuyền trưởng Thạnh kể giây phút phát tín hiệu cấp cứu. Ảnh: Đức Hùng
Theo thuyền viên Phạm Văn Tỳ (46 tuổi, quê Nam Định), lúc nguy khốn, mọi người đã động viên nhau phải giữ sức khỏe để bám trụ, đừng nói và cựa quậy nhiều, sẽ nhanh kiệt sức. Đến 19h, thấy tàu của cảnh sát biển từ xa, mọi người lấy đèn pin và còi được gắn sẵn trên áo phao để báo hiệu.
Rạng sáng 1/11, tàu cứu hộ chở các thuyền viên gặp nạn về đến cảng Hòn La (Quảng Trạch, Quảng Bình). Gọi điện về cho vợ và các con báo mình vừa gặp nạn, thuyền trưởng Thạnh kể lại, "sau phút hốt hoảng, các thành viên trong gia đình khóc qua điện thoại, buồn vui xen lẫn".
"17 năm trong nghề, tôi đã gặp nhiều sự cố, song lần này là nguy hiểm nhất, cảm thấy tính mạng như sợi chỉ mành treo chuông", thuyền trưởng Thạnh nói.
Ông Tỳ bị thương vùng đầu và chân, đang được quân y chăm sóc. Ảnh: Đức Hùng
Các thuyền viên trên tàu Thành Công 999 đều có thâm niên đi biển hàng chục năm, nạn nhân Định – người đang mất tích ít kinh nghiệm nhất, mới gia nhập tàu 4 tháng trước. Lương thuyền trưởng khoảng 20 triệu đồng, các thuyền viên còn lại nhận từ 9-10 triệu đồng một tháng.
Nhà chức trách Hà Tĩnh đang điều tàu cứu hộ túc trực ở vùng biển cảng Sơn Dương để tìm kiếm thuyền viên Nguyễn Thanh Định; đến đầu giờ chiều nay vẫn chưa có kết quả.
Trước đó lúc 11h53 trưa 31/10, tàu Thành Công 999 trọng tải hơn 6.000 tấn của Công ty Vận tải biển Trung Kiên, chở bột đá từ cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa) vào Sơn Dương (Hà Tĩnh) thì gặp sự cố máy lái khiến nghiêng trái 20 độ chìm ở khu vực cách cảng Sơn Dương 10 hải lý.
Khi gặp sự cố, 13 người trên tàu đã gọi điện cho nhà chức trách thông báo rồi mang áo phao rời khỏi phương tiện đang chìm. Thời điểm này vùng biển gió mạnh cấp 7-8, sóng cao 3-5 m. Từ 15h đến 20h, lực lượng chức năng đã cứu hộ được 12 người.
Bão số 5 (tên quốc tế là bão Matmo) hình thành từ vùng áp thấp gần khu vực Biển Đông ngày 27/10. Sáng 28/10, vùng áp thấp này vượt qua phía bắc Philippines và đi vào Biển Đông, mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới chiều cùng ngày. Chiều tối 29/10, áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão.
Tối muộn ngày 30/10, vùng tâm bão đổ bộ vào các tỉnh Bình Định - Phú Yên với sức gió mạnh nhất cấp 8-9, giật cấp 11-12 và gây mưa rất to (200-300mm) cho các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Phú Yên.
Các tỉnh miền Trung cũng ảnh hưởng bởi hoàn lưu bão đã xảy ra mưa to, gió mạnh trên biển.