Theo một nghiên cứu mới của Công ty Tư vấn toàn cầu Boston (BCG) có trụ sở tại Mỹ, nhu cầu dầu mỏ của thế giới có thể đạt mức đỉnh từ năm 2025 đến năm 2030.
BCG đã phân tích ba kịch bản trong tương lai, bao gồm việc sử dụng rộng rãi xe chạy bằng điện (EVs), tăng trưởng kinh tế chậm hơn trong khi hiệu quả sử dụng nhiên liệu tăng, dầu mỏ sẽ bị thay thế bằng khí đốt có chi phí thấp hơn.
Hiện nay số lượng EVs chỉ chiếm 1% tổng lượng xe được bán ra trên toàn cầu, do đó nếu giá bán EVs giảm, cùng với việc có thêm các trạm nạp điện và giảm thời gian nạp điện thì đến năm 2040 dự kiến số lượng EVs có thể tăng cao và chiếm đến 90% thị trường xe ô tô. Điều này có thể khiến nhu cầu dầu mỏ đạt mức đỉnh trong giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030.
BCG cũng kết luận cụ thể rằng nhu cầu dầu mỏ sẽ đạt mức đỉnh vào năm 2026 nếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn duy trì ở mức 3%/năm, trong khi đó các tiêu chuẩn quản lý ngày càng nghiêm ngặt hơn sẽ khiến cho việc sử dụng nhiên liệu trở nên hiệu quả hơn.
Cuối cùng, nghiên cứu của BCG cũng chỉ ra rằng nếu mức giá khí đốt tại các khu vực khai thác lớn trên thế giới ở mức tương đương như mức giá của ngành dầu khí đá phiến Mỹ thời điểm mới bùng nổ, thì khí đốt sẽ là nguồn năng lượng thay thế hiệu quả cho dầu mỏ. Ví dụ như nếu một quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn như Trung Quốc bắt đầu khai thác khí đốt với mức giá thấp cho người tiêu dùng, thì nhu cầu dầu mỏ có thể đạt mức đỉnh vào năm 2025.