14 năm trước, bé gái Nguyễn Thị Diệp trải qua ca ghép gan kéo dài 16 tiếng, thoát khỏi cửa tử. Giờ đây, Diệp đã trở thành cô dược sĩ nhanh nhẹn, thông minh.
Cuộc sống tưởng như đã khép lại
Nguyễn Thị Diệp (SN 1995 ở Hải Hậu, Nam Định) mắc bệnh teo đường mật bẩm sinh, đến năm 9 tuổi em bị xơ gan, sự sống chỉ còn tính bằng tháng, cách duy nhất để cứu sống là em phải ghép gan. Nhưng thời điểm những năm 2003, 2004, việc ghép tạng ở Việt Nam còn quá mới mẻ và gia đình thuần nông như Diệp lại càng khó khăn.
Diệp nhớ lại: "Trong một năm mắc bệnh, tôi phải đi hết viện nọ đến viện kia, mẹ phải đi cày bừa thuê, bốc vác gạch, còn bố thì đi xây, phụ hồ kiếm tiền cho tôi chữa bệnh".
Đúng lúc gia đình đang bi quan nhất, Học viện Quân y quyết định chọn Diệp thực hiện ca ghép gan đầu tiên ở Việt Nam. Và gan của bố Diệp được chọn để thực hiện ca ghép này.
“Trước khi tôi tiến hành ghép gan có 5, 6 ca cũng đang chờ để ghép. Nhưng những bệnh nhân này đều bị hạch hoặc không tìm được gan phù hợp nên không qua khỏi khiến tôi vô cùng sợ hãi. Lúc đó, tôi chỉ lo không biết mình có thể tỉnh dậy sau ca mổ, có được tiếp tục sống với bố mẹ hay không” – Diệp nhớ lại.
Hành trình tái sinh diệu kỳ
Thời điểm tiến hành ca ghép tạng của Diệp diễn ra vào sau Tết nên trong thời gian chờ đợi Diệp phải ở phòng cách ly. “Năm đó chỉ có 2 bố con đón Tết trong phòng bệnh, đó là cái Tết nặng nề nhất mà tôi phải trải qua. Hai bố con nhìn qua cửa sổ giường bệnh, ngắm nhìn pháo hoa trong thời khắc đón năm mới, nhớ da diết cái Tết ở quê có bố mẹ và các em. Mặc dù các bác sĩ mua cho bánh chưng và tôi cũng nhận được lì xì nhưng vẫn không thể nguôi được nỗi nhớ nhà” – Diệp tâm sự.
Nằm viện lâu khiến Diệp sợ bệnh viện, sợ cảm giác bị tiêm hay phải uống thuốc. Nhưng có lẽ cảm giác đáng sợ nhất là sau khi tiến hành phẫu thuật xong là ngày nào cũng phải mở băng vết mổ để siêu âm.
Kể lại cảm giác đó, Diệp tâm sự: "Miếng băng gạc dính vào vết mổ còn mới, mỗi lần thay băng đau đớn vô cùng. Mỗi khi bác sĩ vào khám là tôi sợ, những lúc như vậy mẹ luôn ở bên nắm chặt tay, nước mắt cứ chảy ra nhưng tôi không dám khóc to vì sợ mẹ lo lắng”.
Ngày 31.1.2004, ca ghép gan đầu tiên ở Việt Nam được thực hiện trong suốt 16 giờ với sự trợ giúp của các y, bác sĩ Nhật Bản và chuyên gia Việt Nam. May mắn thay, sau ca mổ, cơ thể Diệp thích nghi tốt với 33% lá gan của bố hiến tặng.
Y, bác sĩ là những người cha thứ hai
Cô bé Nguyễn Thị Diệp gầy gò, ốm yếu năm xưa giờ đây đã trở thành cô dược sĩ nhanh nhẹn. Dù trước kia Diệp mơ ước trở thành giáo viên nhưng sau khi thực hiện xong việc ghép gan, Diệp lại nghĩ rằng bây giờ quan trọng nhất là sức khỏe nên cô quyết định đi theo ngành dược để có thể tự chăm sóc cho bản thân, sau đó là chăm lo cho mọi người.
Để có được cuộc sống như ngày hôm nay không chỉ nhờ ơn người cha hết mực yêu thương, người mẹ tần tảo hi sinh mà còn nhờ sự tận tâm của các bác sĩ đã chăm sóc và khám chữa bệnh cho Diệp. Có những bác sĩ đã theo dõi Diệp từ khi nằm viện đến tận giờ. Cô bé 9 tuổi gọi họ là những người cha thứ hai một cách đầy yêu thương.
“Cụ Lê Thế Trung (GS Lê Thế Trung – nguyên giám đốc Học viện Quân y – PV) rất quan tâm cưng chiều tôi. Ngày nào đến thăm, cụ cũng mang bánh kẹo và hỏi, cháu ơi cháu có khỏe không, rồi bế tôi lên cưng nựng. Ngày tôi ra viện, thầy Trung bế tôi ở gốc cây hòe, thấy tôi khỏe mạnh nên cụ rất vui” – Diệp nhớ lại.
“Nghĩ về các bác sĩ, giáo sư những người đã luôn tận tâm để mang lại cuộc sống cho tôi như ngày hôm nay tôi chỉ muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc. Họ không khác gì người cha người mẹ thứ hai, đã một lần nữa giúp tôi tái sinh, sống tiếp với cuộc đời đầy tươi đẹp này” - Diệp nói.
Chết não sau tai nạn giao thông, người đàn ông cứu sống ba người bệnh Sau khi bệnh nhân, gia đình đã đồng ý hiến tặng hiến tặng tim, gan và thận, cứu sống ba người bệnh khác. |
17 kỷ lục ghép tạng Việt Nam Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vừa vinh danh các đơn vị và cá nhân trong ngành ghép tạng 25 năm qua. |