Hàng loạt bến thủy không phép đe dọa sạt lở, an toàn công trình chống ngập của TP HCM… dù bị xử phạt nhiều lần vẫn ngang nhiên hoạt động
Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, tính đến thời điểm này, trên địa bàn TP có 31 bến thủy không phép. Trong đó đứng đầu là huyện Bình Chánh 11 bến, huyện Nhà Bè 6 bến, quận Thủ Đức 5 bến…
Hoạt động công khai
Nằm ở bờ trái rạch Bà Cua (phường Phú Hữu, quận 9), dù không được Sở GTVT TP HCM cấp phép, bến thủy Anh Duy vẫn hoạt động nhộn nhịp nhiều năm nay. Hằng ngày, có rất nhiều sà lan, ghe cặp vào đây để sửa chữa khiến khu vực này bị sạt lở nghiêm trọng. Ngoài bến Anh Duy, xung quanh rạch Bà Cua còn có nhiều bến thủy khác hoạt động ngày đêm khiến cho tuyến đường chạy dọc kênh bị sạt lở, xói mòn.
Một bến thủy không phép hoạt động trên địa bàn quận 9, TP HCM
Tương tự bến thủy nội địa số 108 (tổ 5, ấp 3, xã Long Thới, huyện Nhà Bè) dù Sở GTVT TP đã rút giấy phép hoạt động từ tháng 4-2017 nhưng đến nay vẫn hoạt động công khai. Bến này nằm ngay trong hành lang an toàn công trình cống kiểm soát triều Mương Chuối (thuộc Dự án chống ngập của TP), đe dọa sự an toàn của công trình cũng như tàu bè qua lại trên đoạn sông này. Chưa hết, phía bờ phải rạch Giồng Ông Tố (phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2) cũng có một bến thủy không phép tồn tại nhiều năm nay nhưng không bị chính quyền địa phương xử lý…
Có mặt tại bến thủy không phép 1107/43 Phạm Thế Hiển (phường 5, quận 8) do bà Trần Thị Phương đứng tên một ngày đầu tháng 11, chúng tôi chứng kiến nhiều chiếc sà lan đang hút cát lên bến. Bà Phương cho biết trước đây bến được Sở GTVT cấp phép hoạt động, sau khi xây dựng cầu Tạ Quang Bửu thì bến nằm trong hành lang an toàn cầu nên không tiếp tục được cấp phép. Theo tìm hiểu, bến thủy này từng bị chính quyền địa phương xuống kiểm tra, xử phạt. Thanh tra Giao thông (TTGT) TP cũng đã nhiều lần xử phạt, ra văn bản bàn giao cho UBND quận 8 để xử lý nhưng rồi bến vẫn tồn tại.
Nói về "bí quyết" để bến thủy không phép vẫn hoạt động công khai bất kể ngày đêm, chủ một bến thủy nội địa không phép nằm trên Rạch Trau Trảu (phường Trường Thạnh, quận 9) "bật mí" những bến thủy không phép muốn tồn tại thì phải "chung chi", nếu không, hằng ngày vật liệu xây dựng lên xuống là bị "ăn" biên bản ngay.
Địa phương làm ngơ?
Năm 2013, thực hiện chỉ đạo của UBND TP HCM nhằm lập lại trật tự an toàn giao thông thủy nội địa, TTGT TP đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành chốt chặn kiểm tra, xử lý bến thủy nội địa hoạt động không phép trên địa bàn TP. Trong đợt ra quân này, trên địa bàn quận 8 có 6 trường hợp vi phạm bị xử lý, Bình Chánh có 23 trường hợp. Sau khi xử lý, TTGT TP đã bàn giao cho địa phương tiếp tục theo dõi, kiểm tra, giám sát và xử lý. Thế nhưng, đến nay nhiều bến thủy không phép nói trên vẫn hoạt động bình thường. Tình trạng này dẫn đến nguy cơ tai nạn giao thông, sạt lở và tạo sự bất bình đẳng với các bến được cấp phép và có quản lý.
Ông Nguyễn Bật Hận, Phó Chánh TTGT TP HCM, cho biết TTGT đã phối hợp với Phòng Cảnh sát đường thủy, Cảng vụ Đường thủy nội địa, UBND các quận, huyện thực hiện nhiều đợt ra quân. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng nên sau khi xử lý xong đều bàn giao lại cho địa phương quản lý. Theo ông Hận, hiện nay việc xử lý các bến thủy không phép gặp rất nhiều khó khăn do các bến hoạt động vào ban đêm. Ngoài ra, khi có lực lượng chức năng đi kiểm tra thì bến ngưng hoạt động nên không thể bắt quả tang.
Còn theo một đại diện Sở GTVT TP, để dẹp bến thủy không phép đòi hỏi sự quyết liệt của chính quyền địa phương vì có đầy đủ lực lượng cần thiết. "Thời gian qua, dù UBND TP đã giao Công an TP phối hợp để xử lý bến thủy hoạt động không phép nhưng chưa thật sự đạt hiệu quả do chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm đến tình trạng bến không phép, thiếu sự phối hợp với các cơ quan quản lý chuyên ngành" - vị lãnh đạo này cho biết.
Theo thống kê của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, đến nay có khoảng 2.300 bến thủy nội địa hoạt động chưa được cấp phép hoặc giấy phép hết hạn. Trong đó, tuyến quốc gia có 1.315 bến, tuyến địa phương 985 bến. |
Khó tin: Nhiều khu dân cư mới ở Phú Quốc xây dựng không phép UBND huyện Phú Quốc có trách nhiệm tổng hợp kết quả kiểm tra và báo cáo kết lên UBND tỉnh Kiên Giang và đoàn kiểm ... |
Sản xuất cồn y tế không phép, một công ty bị phạt 70 triệu đồng Sở Y tế Hà Nội phạt Công ty Cổ phần quốc tế Đại Lợi vì sản xuất cồn y tế mà không có giấy chứng ... |
http://nld.com.vn/thoi-su/ben-thuy-khong-phep-ngang-nhien-hoat-dong-20171110222318514.htm