Luật sư cho rằng, lực lượng chức năng cần làm rõ việc bệnh nhân số 17 sử dụng hai hộ chiếu có hợp pháp không, nếu là hộ chiếu giả sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.
Chiều 11/3, lãnh đạo Công an Cửa khẩu Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài cho biết, nữ bệnh nhân nhiễm Covid-19 thứ 17 tên N.H.N. (26 tuổi, trú tại Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội) từng tới nhiều nước châu Âu nhưng không bị phát hiện khi nhập cảnh vào Việt Nam vì có 2 hộ chiếu (1 hộ chiếu Việt Nam, 1 hộ chiếu của Anh).
Khi du lịch châu Âu, N. dùng hộ chiếu của Anh để đi lại các nước, trong đó có Italy, nơi đang bùng phát mạnh dịch Covid-19. Khi về nước ngày 2/3, N. trình hộ chiếu Việt Nam để làm thủ tục tại Cửa khẩu Nội Bài nhằm tránh kiểm dịch.
Phân tích dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường cho hay, lực lượng chức năng cần làm rõ việc cô gái sử dụng hai hộ chiếu có hợp pháp hay không, có thuộc trường hợp được phép sử dụng hai hộ chiếu hay không để có hình thức xử lý phù hợp.
"Nếu là công dân Việt Nam, không phải là người có 2 quốc tịch, cũng không phải là người Việt Nam định cư sinh sống, học tập, làm việc tại nước ngoài thì chỉ có một sổ hộ chiếu do Việt Nam cấp.
Còn trường hợp nếu là người có 2 quốc tịch hoặc công dân Việt Nam học tập, lao động, sinh sống dài hạn ở nước ngoài thì có thể có hai hộ chiếu, đặc biệt là trong khối các nước châu Âu (Liên minh Châu âu)", luật sư Cường nói.
Bởi vậy, cơ quan chức năng cần làm rõ cuốn hộ chiếu của Anh có phải do cơ quan có thẩm quyền cấp hay không, có được phép sử dụng khi nhập cảnh vào Việt Nam hay không. Trong trường hợp đây là hộ chiếu giả thì cần làm rõ hành vi làm giả và sử dụng tài liệu con dấu giả.
Theo luật sư Cường, nếu có căn cứ cho thấy có hành vi làm giả hoặc sử dụng tài liệu con dấu giả thì người vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 304 Bộ luật Hình sự năm 2015. Mức phạt từ 30-100 triệu đồng và có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.
"Trong trường hợp bệnh nhân thứ 17 này nhập cảnh vào Việt Nam sử dụng 2 hộ chiếu, tuy nhiên cơ quan An ninh Cửa khẩu Hàng không Nội Bài chỉ kiểm tra một hộ chiếu nên bỏ lọt hành trình của cô gái này thì đây cũng là sai sót cần phải rút kinh nghiệm.
Nếu vi phạm quy trình kiểm tra thì phải xem xét trách nhiệm pháp lý với cán bộ, nhân viên an ninh hàng không theo quy định pháp luật", luật sư Cường nhấn mạnh.
N.H.N là ca nhiễm Covid-19 thứ 17 tại Việt Nam và là trường hợp dương tính đầu tiên ở Hà Nội. Cô gái này có hành trình di chuyển phức tạp khi từ Việt Nam đi qua các ổ dịch Ý, Pháp, Anh và trở về nước. Cụ thể, ngày 15/2, N. xuất cảnh ở sân bay Nội Bài đi thăm người nhà sống tại thành phố London (Anh), nhập cảnh vào London ngày 16/2. Đến 18/2, bệnh nhân du lịch sang thành phố Milan, vùng Lombardy (Italy). Ngày 20/2, nữ bệnh nhân quay lại London. Ngày 25/2, cô đi du lịch một ngày sang thành phố Paris (Pháp) và gặp chị gái (người được xác định bị nhiễm Covid-19), sau đó quay lại London ngày 26/2. Ngày 29/2, bệnh nhân này có biểu hiện ho nhưng không đi khám. Đến ngày 1/3, triệu chứng đau mỏi người xuất hiện. Trong ngày này, bệnh nhân đáp chuyến bay VN0054 của hãng hàng không Vietnam Airlines về nước, đáp xuống sân bay Nội Bài lúc 4h30 ngày 2/3. Thời điểm này bệnh nhân không sốt. |
Sóng ngầm sau gói kích thích kinh tế của Trump |
Nhiều nước châu Mỹ ngừng các hoạt động đi lại với châu Âu vì Covid-19 |
Australia lập phòng khám nhanh đối phó dịch Covid-19 |