Mỗi tuần TP HCM ghi nhận 300-400 bệnh nhân sởi, dự báo vẫn tiếp tục tăng.

Ngày 21/1, bác sĩ Lê Hồng Nga, Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, cho biết từ đầu 2018 đến nay thành phố ghi nhận hơn 1.800 ca bệnh sởi. Mỗi tuần đều có bệnh nhân mới và đang tăng rất nhanh. Đến tháng 12 mỗi tuần có khoảng 300-400 ca.

"Bệnh sởi tại TP HCM còn đang tiếp tục tăng, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt", bác sĩ Nga nhận định. Bệnh sởi thường xuất hiện ở trẻ dưới 10 tuổi nhưng hiện nay bệnh nhân tuổi 26-34 tăng nhiều. Những quận có nhiều khu công nghiệp, dân nhập cư đông như Bình Tân, Tân Phú, Thủ Đức có nhiều bệnh nhân.

Những năm gần đây số phụ huynh cho con tiêm ngừa sởi mũi đầu tiên ngày càng tăng. Tuy nhiên việc tiêm mũi nhắc lại lúc trẻ 18 tháng vẫn còn rất ít khiến miễn dịch chưa đảm bảo.

benh soi tai tp hcm tiep tuc tang cao
Phó giáo sư Trần Đắc Phu thăm bệnh nhân sởi tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM ngày 21/1. Ảnh: Lê Phương.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Trường, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, cho biết từ đầu mùa dịch đến nay bệnh viện tiếp nhận 1.125 bệnh nhân khám sởi, 645 trường hợp phải nhập viện điều trị.

Bệnh nhân tại TP HCM chiếm 66%, còn lại đến từ các tỉnh. 27% bệnh nhân nội trú có biến chứng viêm phổi, không có trường hợp tử vong. Bệnh viện chưa ghi nhận trường hợp lây nhiễm chéo tại bệnh viện.

"Bệnh sởi tăng nhanh từ tháng 12, bệnh viện tổ chức phân luồng tại khoa khám bệnh, mở rộng khoa điều trị nội trú, người lớn điều trị tại khoa Nội A, trẻ em tiếp nhận tại khoa Nhi C", bác sĩ Trường cho biết.

Phó giáo sư Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết tình hình sởi năm 2018 thế giới diễn biến phức tạp, nguyên nhân vẫn là do chưa tiêm phòng sởi.

Dịch sởi thường theo chu kỳ 5 năm bùng phát một lần nữa. Năm 2009 bệnh nhân sởi tăng cao, sau đó rải rác đến năm 2013-2014 bùng lên thành dịch lớn, khiến nhiều bệnh viện trở tay không kịp. Do chưa có kinh nghiệm trong phân luồng, phân tuyến điều trị nên nhiều bệnh nhân lây nhiễm chéo.

Việt Nam sau đó mở chiến dịch tiêm ngừa sởi cho trẻ trên quy mô lớn. "Cần vào cuộc chủ động, cố gắng không để lặp lại kịch bản 5 năm trước, tổ chức tiêm chủng tốt hơn ở cộng đồng", ông Phu phân tích.

benh soi tai tp hcm tiep tuc tang cao
Thai phụ 18 tuần mắc sởi điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM. Ảnh: Lê Phương.

Cục trưởng Y tế dự phòng khuyến cáo các bệnh viện cần có kế hoạch, phân luồng điều trị, không để bệnh nhân nằm chen chúc. Không để sởi lây cho bệnh nhân khác trong viện, cũng như không để bệnh nhân sởi bị lây bệnh khác. Nhân viên y tế cần chú ý tránh lây nhiễm.

Ở trẻ em, bệnh sởi có thể gây biến chứng viêm phổi nguy hiểm. Thai phụ mắc bệnh có nguy cơ thai chết lưu, sinh non. Phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ nên chích ngừa trước khi mang thai. Bà bầu có dấu hiệu bệnh sởi nên đến cơ sở y tế khám, theo dõi dấu hiệu của thai để có hỗ trợ y tế kịp thời.

Bệnh sởi do siêu vi của đường hô hấp trên nên thường có triệu chứng ban đầu là sốt, ho, sổ mũi, mắt đỏ, sưng. Khoảng 3-4 ngày xuất hiện những ban đặc trưng của sởi, thường ở mặt, tai, ngực, bụng rồi đến tay chân. Bệnh lây qua đường hô hấp, có thể điều trị cách ly tại nhà hoặc nhập viện theo chỉ định của bác sĩ.

Lê Phương

benh soi tai tp hcm tiep tuc tang cao Hơn 80% trường hợp bệnh nhân sởi không tiêm chủng

Cách phòng ngừa bệnh sởi tốt nhất là tiêm vắc xin sởi. Tuy nhiên, 86,4% bệnh nhân mắc sởi đều không tiêm vắc xin phòng ...

/ VnExpress