Bệnh viện Bạch Mai mong muốn Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ Bệnh viện xây dựng một tòa nhà 9 tầng mới thành Trung tâm Cấp cứu đa năng mang tầm khu vực và quốc tế, có đủ năng lực thực hiện cấp cứu mọi người bệnh khi được chuyển tới Bệnh viện Bạch Mai
- Đột quỵ ở người trẻ tăng nhanh, Bệnh viện Bạch Mai khuyên 6 điều cần làm, 3 điều nên tránh
- Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: 4 tuần tới sẽ đủ vật tư y tế phục vụ khám chữa bệnh
Đây là chia sẻ của PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai tại buổi tiếp Đoàn Nghị sĩ của Thượng viện Nhật Bản đến kiểm tra, khảo sát liên quan đến các dự án viện trợ phát triển của Chính phủ Nhật Bản (ODA) tại Bệnh viện Bạch Mai, đánh giá hiệu quả và đề xuất tiếp tục hỗ trợ Bệnh viện cải tạo Trung tâm Cấp cứu A9 vào chiều 26/8.
Hiện nay, mỗi ngày Trung tâm Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 300-400 bệnh nhân chủ yếu từ tuyến dưới chuyển lên trong tình trạng nặng và rất nặng. Với mặt bằng hiện nay, lượng bệnh nhân vào cấp cứu đang quá tải.
“Con số 300-400 bệnh nhân chỉ tương đương với các bệnh viện lớn trên thế giới, nhưng ở Bạch Mai số lượng công việc phải xử lý lớn hơn rất nhiều, bởi bệnh nhân hầu hết đều nặng. Trong khi các bệnh viện lớn trên thế giới, 300-400 bệnh nhân vào cấp cứu một ngày thì có tới 100 bệnh nhân là nhẹ”, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cho biết.
Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, Trung tâm Cấp cứu đa năng nếu được xây dựng sẽ có quy mô đáp ứng 600-800 lượt khám/ngày (200.000 ca/năm). Đây sẽ là Trung tâm của hệ thống y tế miền Bắc, tiếp nhận điều phối mạng lưới cấp cứu từ các cơ sở y tế tuyến dưới đưa lên, sau đó xử trí ban đầu theo chuyên khoa và điều phối về các khoa trong Bệnh viện Bạch Mai và điều phối về các tuyến.
Mạng lưới kết nối chuyên môn tới 35 bệnh viện tỉnh, 200 bệnh viện quận/ huyện, mạng lưới bệnh viện tư nhân/ chuyên khoa, hệ thống cấp cứu ngoại viện Hà Nội (115 Hà Nội), đơn vị ngoại viện khác…Và để ứng phó với thảm họa y tế, rất cần mô hình cấp cứu đa năng.
Theo PGS Cơ, Bệnh viện Bạch Mai là tuyến cuối, điều trị người bệnh nặng, là bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh, việc xây dựng Trung tâm cấp cứu đa năng là phù hợp, nhằm hỗ trợ chất lượng dịch vụ tại Bệnh viện Bạch Mai và trên toàn hệ thống. Trung tâm Cấp cứu đa năng sẽ đảm nhiệm chức năng là tuyến kỹ thuật cao nhất và có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác chỉ đạo tuyến và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành y tế.
Chia sẻ thêm, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn cho biết, nếu Chính phủ Nhật Bản viện trợ xây dựng Trung tâm cấp cứu đa năng thì đây là Trung tâm cấp cứu có đầy đủ tất cả các chuyên khoa (nội, ngoại, sản, nhi) với các phòng mổ, phòng can thiệp tim mạch, can thiệp đột quỵ, can thiệp mạch máu não…và bác sĩ có thể xử lý cấp cứu và can thiệp ngay tại chỗ, bệnh nhân không phải di chuyển đi quá xa để chụp chiếu, can thiệp hay mổ, nhất là trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, mà thực hiện ngay trong Trung tâm cấp cứu. "Với mô hình như trên, kỳ vọng sẽ đáp ứng mọi nhu cầu cấp cứu của người bệnh", Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9 chia sẻ.
Tại buổi làm việc, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thành tựu đạt được từ các dự án ODA của Chính phủ Nhật Bản viện trợ cho Bệnh viện Bạch Mai hơn 20 năm qua đã giúp nâng cấp được cả thế và lực cho Bệnh viện Bạch Mai. Điều này thể hiện bằng cơ sở vật chất được nâng cấp, trang thiết bị được hỗ trợ, các kỹ thuật tiên tiến được chuyển giao, giúp Bệnh viện Bạch Mai khẳng định được là bệnh viện tuyến cuối, trở thành trung tâm y tế chuyên sâu hàng đầu Việt Nam.
PGS.TS Đào Xuân Cơ cũng khẳng định, trong 20 năm qua, hàng trăm lượt chuyên gia thuộc các lĩnh vực của Nhật Bản sang Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật; hơn 70 bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai sang Nhật Bản đào tạo; hàng chục nghiên cứu khoa học được thực hiện giữa chuyên gia Nhật Bản và Bệnh viện Bạch Mai về các lĩnh vực: Hồi sức tích cực, truyền nhiễm, hô hấp, nội tiết…Nhờ đó, năng lực của Bệnh viện Bạch Mai được cải thiện trên nhiều mặt, trở thành trung tâm đào tạo y tế lớn nhất của Việt Nam, từ đó, chuyển giao kỹ thuật cho các tỉnh và hàng trăm triệu người bệnh đã được hưởng lợi từ Dự án Jica của Chính phủ Nhật Bản.
Từ các kỹ thuật rất sâu như kỹ thuật cắt gan hạ phân thuỳ 1, tim phổi nhân tạo, cắt tách niêm mạc qua nội soi nhằm phát hiện ung thư sớm đường tiêu hoá mà các chuyên gia Nhật Bản chuyển giao, đến nay, các kỹ thuật này thực hiện rất thành công ở Bệnh viện Bạch Mai.
Vì vậy, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai mong muốn, Chính phủ Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ Bệnh viện Bạch Mai để Bệnh viện thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc và nâng cao sức khoẻ cho người dân Việt Nam.