Chiều 26-9, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang thông tin về việc thực hiện thành công 3 ca ghép thận đầu tiên.

Đây là bệnh viện thứ hai trực thuộc Sở Y tế Hà Nội ghi tên trên bản đồ ghép tạng của Việt Nam.

bnhan-ghep-than-duoc-ra-vien(1).jpg
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội và Bệnh viện Đa khoa Đức Giang chúc mừng bệnh nhân ghép thận được xuất viện. Ảnh: Thu Trang

Theo đó, bệnh viện đã thực hiện thành công 3 ca ghép thận và làm chủ kỹ thuật ghép thận được đào tạo, chuyển giao từ các chuyên gia của Bệnh viện Quân y 103.

Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân N.T.B.H (26 tuổi, ở Tuyên Quang) được phát hiện suy thận mạn giai đoạn cuối từ đầu năm 2022 và phải chạy thận chu kỳ 3 lần/tuần. Bệnh nhân này được mẹ đẻ hiến tặng thận.

Điều đặc biệt ở cặp ghép này là người mẹ đã nhiều tuổi và cơ thể lại nhỏ hơn so với con nên nguy cơ chức năng thận ghép khó đạt như kỳ vọng.

Tuy nhiên, với sự chuẩn bị chu đáo về nhân lực, trang thiết bị, ca ghép diễn ra ngày 8-9 đã thành công tốt đẹp. Sau ghép, sức khỏe cả người cho và người nhận hoàn toàn ổn định.

ghep-tang-tai-bv-duc-giang.jpg
Ê kíp ghép thận tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Trường hợp thứ hai là anh L.B.C (19 tuổi, ở Thanh Hóa) vào tháng 4-2024 phải nhập viện sau khi biểu hiện mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, thường xuyên mẩn ngứa. Kết quả thăm khám và chẩn đoán cho thấy, anh C bị suy thận giai đoạn cuối, phải lọc máu chu kỳ 3 lần/tuần.

May mắn, qua xét nghiệm sàng lọc các thành viên trong gia đình, thận của mẹ đẻ phù hợp để ghép cho nam bệnh nhân.

Ngày 11-9, ê kíp ghép thận của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã phẫu thuật ghép thận cho cặp ghép của 2 mẹ con. Sau hơn 6 giờ phẫu thuật, ca ghép đã thành công ngoài mong đợi. Sau ghép, sức khỏe của hai mẹ con anh C đều tiến triển tốt.

Trường hợp thứ ba là chàng trai 24 tuổi tên là P.T. H (ở Nam Định) phát hiện bị viêm cầu thận từ lớp 11. Từ đó trở đi, để duy trì sức khỏe, H luôn tuân thủ uống thuốc đều đặn theo đơn của bác sĩ. Khi dịch Covid-19 ập đến, một thời gian dài, H không đi khám định kỳ, dẫn đến bị suy thận giai đoạn cuối.

Tháng 8-2024, biết Bệnh viện Đa khoa Đức Giang có chương trình ghép tạng, mẹ của H đã đăng ký cho con. Sau khi xét nghiệm có kết quả tương thích cao giữa mẹ và con, ca ghép đã được tiến hành vào ngày 13-9.

Biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình H, ngoài sự chăm sóc tận tình về mặt chuyên môn, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã hỗ trợ kinh phí cho trường hợp này. Hiện, sức khỏe của hai mẹ con H đều tiến triển tốt.

cham-soc-bnhan-ghep-than.jpg
Chăm sóc bệnh nhân ghép thận tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng khoa Nội thận - Tiết niệu (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) cho biết, bệnh nhân suy thận để có thể duy trì sự sống thì cứ cách một ngày phải đến bệnh viện lọc máu một lần. Hiện tại, khoa có gần 170 bệnh nhân, mỗi ngày có 80 bệnh nhân chạy thận nhân tạo chia làm 3 ca.

“Việc chạy thận nhân tạo khiến người bệnh và người nhà bệnh nhân mệt mỏi, đi lại nhiều lần và chi phí tốn kém. Khi được lọc máu thường xuyên, sức khỏe những người bệnh cũng chỉ có thể làm được những việc nhẹ nhàng, cố gắng tự chăm sóc cho bản thân. Đối với những bệnh nhân này, nếu được ghép thận, họ sẽ có cơ hội sống khỏe mạnh, sinh hoạt và làm việc bình thường”, bác sĩ Nguyễn Văn Tuyên nói.

Trước Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn là đơn vị đầu tiên của Sở Y tế Hà Nội triển khai kỹ thuật ghép thận.

Thống kê tại Việt Nam cho thấy, tỷ lệ sống sau ghép 5 năm đạt trên 98,9%, còn 10 năm là 95,7%. Tính đến đầu 2024, sau 31 năm ghép tạng và 13 năm lấy tạng từ người cho chết não, cả nước thực hiện được hơn 8.000 ca ghép. Hiện, 4.000 người trong danh sách chờ ghép, chủ yếu là bệnh nhân chờ ghép thận và gan. Cả nước có 26 trung tâm ghép tạng.

https://hanoimoi.vn/benh-vien-thu-hai-cua-thu-do-ghi-ten-vao-ban-do-ghep-tang-679401.html

Thu Trang / HNM.com.vn