Cục 121 được xem là lực lượng tinh túy của quân đội Triều Tiên, gồm khoảng 1.800 chiến binh mạng - có số liệu lên đến 6.000. Với họ, vũ khí đắc lực nhất là internet

bi an cuc 121
Sinh viên Triều Tiên thực hành máy tính tại một trường ĐH ở Bình Nhưỡng. Ảnh: AP

Bất chấp nghèo đói và bị cô lập, Triều Tiên đã đổ nguồn lực vào một lực lượng tác chiến mạng tinh vi được gọi là Cục 121, theo tiết lộ của những người đào thoát khỏi quốc gia bí ẩn nhất thế giới này. Họ khẳng định Cục 121 quy tụ các chuyên gia máy tính tài năng nhất của Triều Tiên, thuộc Tổng cục Do thám (RGB) - cơ quan tình báo do quân đội điều hành.

Chiến tranh Bí mật

Nhóm tin tặc Lazarus, được các hãng an ninh mạng Symantec và Kaspersky Lab chỉ ra là tác giả vụ tấn công bằng mã độc tống tiền lớn chưa từng thấy trên toàn cầu hồi tháng 5-2017 khiến hơn 300.000 máy tính ở 150 nước tê liệt, được cho là thuộc lực lượng tinh nhuệ và đào tạo bài bản của Cục 121.

Ba năm trước, Lazarus cũng từng gây chấn động với vụ tấn công mạng nhằm vào Sony Pictures (Nhật Bản) và bộ phim "The interview" nói về cuộc ám sát nhà lãnh đạo Kim Jong-un, đánh cắp hàng ngàn tài liệu, phá hủy trung tâm dữ liệu nội bộ và hủy hoại 75% máy chủ của hãng này. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) chỉ đích danh Triều Tiên gây ra vụ tấn công này, trong khi Nhà Trắng đã phải tuyên bố đây là "vấn đề nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia".

Theo báo Business Insider, tại một cuộc họp báo về an ninh mạng vào tháng 1-2015, Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ James Clapper đã bày tỏ nghi ngờ lãnh đạo RGB, tướng Kim Yong-chol, đã "đạo diễn" vụ tấn công mang sắc thái mới này.

Hồi tháng 4-2016, lần đầu tiên một vị quan chức cấp cao Lầu Năm Góc đã phải thốt lên sửng sốt về năng lực tác chiến mạng mạnh mẽ ngoài sức tưởng tượng của Bình Nhưỡng. Phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, tướng lục quân Vincent K. Brooks, hiện là chỉ huy lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, nhấn mạnh mối đe dọa từ đội quân trên thế giới ảo của Triều Tiên trong số những nước mạnh nhất và có tổ chức tốt nhất trên thế giới. Một báo cáo do đài CNBC đăng tải năm 2014 cho biết Triều Tiên theo đuổi chiến tranh mạng từ những năm 1980 với mục tiêu ban đầu là những ngân hàng, trường ĐH và các tổ chức khác, chủ yếu ở Hàn Quốc chứ chưa vươn ra toàn cầu như hiện nay.

Các hacker quân đội là những người tài giỏi nhất, được trọng vọng nhất tại Triều Tiên. Họ được tuyển chọn và đào tạo từ khi mới 17 tuổi, theo ông Jang Se-yul - người từng học chung với các nhân vật của Cục 121 tại Học viện Quân sự về khoa học máy tính (còn gọi là Trường ĐH Tự động hóa). Ông này đã đào tẩu sang Hàn Quốc từ năm 2008.

Trả lời hãng tin Reuters tại Seoul - Hàn Quốc năm 2014, ông Jang cho biết Cục 121 được xem là lực lượng tinh túy của quân đội Triều Tiên, gồm khoảng 1.800 chiến binh mạng. "Với họ, vũ khí đắc lực nhất là internet. Ở Triều Tiên, nó được gọi là Chiến tranh Bí mật" - ông tiết lộ.

Tuyển chọn nghiêm ngặt

Một trong những người bạn của ông Jang là nhân viên Cục 121, từng hoạt động ở nước ngoài với vỏ bọc nhân viên một công ty thương mại. "Khi anh ta về nước, người thân và gia đình được cấp một căn hộ lớn tại khu thượng lưu ở Bình Nhưỡng. Không ai hay biết nhiệm vụ bí mật của anh ta. Công ty của anh ta vẫn hoạt động như bình thường. Biệt đãi dành cho các chuyên gia mạng của Triều Tiên là rất lớn, họ có thể sống giàu sang tại Bình Nhưỡng" - ông Jang cho biết.

Về quân số của Cục 121, phía Hàn Quốc khẳng định tới hơn 6.000 thành viên. Con số này từng được giáo sư khoa học máy tính Kim Heung-kwang từ Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc xác nhận trong cuộc trả lời phỏng vấn đài BBC năm 2015. Tuy nhiên, con số mới nhất do ông Fergus Hanson, người đứng đầu Trung tâm Chính sánh mạng Quốc tế - Viện Chính sách Chiến lược Úc, cung cấp và được trang Bloomberg đăng tải hôm 18-10 cho biết có thể lên đến 1.700 hacker với lực lượng trợ giúp phía sau khoảng 5.000 người.

Mỗi năm, Cục 121 chỉ lựa chọn đúng 100 sinh viên tốt nghiệp Trường ĐH Tự động hóa, sau khi đã trải qua 5 năm đào tạo. Trường ĐH nằm sau lớp rào thép gai ở Bình Nhưỡng này hằng năm nhận được hơn 2.500 đơn ứng tuyển. "Chiến binh mạng được tuyển chọn cẩn thận. Được nhận vào lực lượng này là một niềm tự hào lớn với sinh viên Triều Tiên. Đây là một công việc được xem là trí tuệ và mọi người đều coi trọng" - ông Kim cho hay, đồng thời tiết lộ một số sinh viên của ông cũng ao ước trở thành chiến binh mạng.

Theo GS Kim, đội chiến binh mạng Triều Tiên đầu tiên được thành lập từ nhiều thập kỷ trước, bắt đầu ở Trung Quốc. Đài Fox News (Mỹ) dẫn lời giới chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục tiến hành các hoạt động ngầm ở Trung Quốc nhưng hiện đã thu hẹp đáng kể. Suốt nhiều năm, Triều Tiên chỉ có một đường kết nối với internet toàn cầu thông qua Công ty China United Network Communications Ltd. của Trung Quốc. Đến đầu tháng 10 vừa qua, Triều Tiên có thêm đường kết nối thứ hai qua một công ty viễn thông của Nga.

bi an cuc 121 Nghĩ về Triều Tiên: Rùng mình lời tiên tri của bà Vanga về năm 2017

Nhà tiên tri mù lừng danh thế giới người Bulgaria đã từng có những tiên đoán rợn người về thế giới và trong số những ...

bi an cuc 121 Ông Trump tiếp tục gây sức ép lên Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên

Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thúc giục Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thực hiện đủ các nghị quyết chống Triều Tiên của ...

bi an cuc 121 Vấn đề sống còn của Triều Tiên

Một quan chức ngoại giao cấp cao của Triều Tiên hôm 20-10 tuyên bố việc sở hữu vũ khí hạt nhân là vấn đề sống ...

bi an cuc 121 Điều gì xảy ra một khi Triều Tiên xây dựng xong kho vũ khí hạt nhân?

Nữ Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha mạnh mẽ cảnh báo, một khi Triều Tiên xây dựng xong kho vũ khí hạt nhân, nước này ...

http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/bi-an-cuc-121-20171023215405008.htm

/ Người lao động