Những báu vật trong ngôi mộ này khiến bao người, trong đó gồm cả Tần Thủy Hoàng thèm muốn mà không có cách nào chạm tới.
- Lối sống xa hoa và bí ẩn khủng khiếp giấu trong móng tay của Từ Hi Thái hậu
- Lộ bí ẩn bên trong nắp đèn hậu xe máy
Ngôi mộ cổ dưới nước này nằm ở Giang Tô, Trung Quốc. Nó được xây dựng từ hơn 2.500 năm trước.
Ngôi mộ dưới nước
Theo những lời đồn truyền miệng trước đây, bên trong ngôi mộ giấu hơn 3.000 thanh kiếm quý hiếm. Mặc dù ngôi mộ có rất nhiều kho báu bên trong nhưng nhiều kẻ tìm cách đột nhập đều bó tay. Vậy ngôi mộ này là của ai?
Ngôi mộ đặc biệt này là của vị vua thứ 24 của nước Ngô - Hạp Lư. Theo lịch sử Trung Quốc, nước Ngô là một trong những chư hầu của nhà Chu thuộc thời Xuân Thu.
Hạp Lư (514 TCN – 496 TCN) là vị quốc vương vô nổi tiếng trong lịch sử, ông tại vị 18 năm. Hai việc mà ông làm được nhiều người biết đến là phái thích khách Chuyên Chư ám sát Ngô Liêu và sau đó lên làm vua. Hai là bổ nhiệm Ngũ Tử Tư làm tể tướng, Tôn Vũ làm tướng quân, đánh bại nước Sở.
Ngôi mộ của vua Hạp Lư nằm dưới đáy hồ Kiếm với hơn 3.000 thanh bảo kiếm. (Ảnh: Sohu)
Hạp Lư là cha của Phù Sai, người đánh thắng Câu Tiễn và sau đó cũng đại bại trước Câu Tiễn. Phù Sai kế thừa vương vị của cha, nhưng sau đó lại chết cùng với sự diệt vong của đất nước.
Phù Sai rất hiếu thuận với cha. Sau khi Hạp Lư qua đời, Phù Sai đã xây dựng ngôi mộ huyệt dưới đáy một hồ nước lớn ở chân núi Hổ Khẩu (Tô Châu, Giang Tô, Trung Quốc). Hồ nước này sau được người dân gọi là hồ Kiếm. Ngôi mộ này đã tiêu tốn rất nhiều nhân lực, tiền tài và vật liệu. Nghe nói, Phù Sai tuyển hơn 10 triệu dân phu trên khắp cả nước để xây dựng.
Vì Hạp Lư lúc còn sống rất thích võ thuật và chiến thuật, nên ngoài kim ngân châu báu, Phù Sai còn chuẩn bị thêm rất nhiều bảo kiếm để bồi táng theo cha. Mà thời kỳ đó lại là giai đoạn phát triển mạnh nhất của lịch sử đúc kiếm. Thế nên ngôi mộ của Hạp Lư cất giữ vô số danh kiếm truyền kỳ, số lượng nhiều đến nỗi không thể đếm xuể.
Ngôi mộ khiến bao kẻ thèm muốn
Sách Việt Tuyệt thư chép: “Mộ Hạp Lư dưới lòng hồ Kiếm, chân núi Hổ Khâu. Nước sâu 1 trượng 5 thước (khoảng 5 mét). Huyệt mộ nằm rất sâu dưới đáy hồ. Lăng mộ Hạp Lư xây suốt 3 năm, phải dùng cả voi để vận đá”.
Theo Đông Chu liệt quốc, sau khi Hạp Lư chết đi, thi thể ông được chôn dưới lăng mộ cùng 3.000 thanh bảo kiếm, trong đó còn có một số thanh được mệnh danh là “thần kiếm” có một không hai. Hai thanh nổi tiếng bậc nhất lịch sử là Ngư Trường và Mặc Tà. Chúng giúp Hạp Lư giành nhiều chiến thắng trên con đường trở thành bá chủ. Vì những thanh kiếm báu này nhiều người có ý định đào mộ Hạp Lư tìm kiếm, gồm cả nhiều người nổi tiếng như Tần Thủy Hoàng, Hạng Vũ, Việt Vương Câu Tiễn hay Đường Bá Hổ nhưng đều phải ra về tay trắng.
Những thanh kiếm từ thời Xuân Thu được tìm thấy vẫn sắc bén như mới. (Ảnh: Sohu)
Việt Vương Câu Tiễn là người đầu tiên muốn tìm kiếm mộ của Hạp Lư. Từ Sơn Đông, ông đã khai quật tổ mộ của kẻ địch cả đời của mình là Phù Sai. Nhưng không biết vì nguyên nhân gì mà Câu Tiễn lại không thể tìm thấy mộ Hạp Lư nên chỉ đành quay về.
Sách “Nguyên hòa quận huyện chí” của nhà sử học, tể tướng thời Đường tên Lý Cát Phủ chép, năm 219 TCN, Tần Thủy Hoàng đến Tô Châu (thuộc tỉnh Giang Tô ngày nay) lệnh cho quân lính ra sức đào mộ của Ngô Hạp Lư để tìm bảo kiếm. Theo ghi chép của Lý Cát Phủ , “Thủy Hoàng sai người đào núi tìm mộ Hạp Lư, nhưng đào mãi không thấy đành phải quay về”.
Về sau, Hạng Vũ nghe nói trong mộ Hạp Lư chứa càn khôn nên cũng muốn vào cướp để lập thành đại nghiệp. Cũng giống Tần Thủy Hoàng, Hạng Vũ không thể đột nhập vào cửa mộ.
Mãi đến những năm Minh Vũ Tông Chu Hậu Chiếu của thời Minh (1491 – 1521), một trong “Giang Nam Tứ Đại Tài Tử” là Đường Bá Hổ suýt đột nhập được vào mộ của Hạp Lư. Thời điểm đó, Tô Châu gặp phải nạn hạn hán, khiến hồ nước xung quanh mộ Hạp Lư khô thấy đáy, lộ ra dấu hiệu của mộ thất. Đường Bá Hổ lập tức gọi người chuẩn bị khai quật, nhưng không ngờ đến thời khắc quan trọng lại bị quan phủ ngăn cản. Thế là mộ Hạp Lư một lần nữa thoát khỏi tay của những kẻ muốn đột nhập.
Bảo tháp Hổ Khổ - biểu tượng của Tô Châu. (Ảnh: Sohu)
Năm 1955, một nhóm chuyên gia dùng máy bơm hút cạn nước trong hồ. Họ tìm thấy nhiều chữ viết của Đường Bá Hổ và danh nhân khác để lại. Chuyên gia cho rằng nên bảo vệ văn vật và không thực hiện bước khai quật tiếp theo.
Năm 1978, một nhóm các nhà khảo cổ quyết định khai quật mộ Hạp Lư một lần nữa. Đến khi phát hiện cửa động hình tam giác thì chuyện bất ngờ xảy ra. Sau khi phá cửa vào động, họ phát hiện 3 phiến đá cực lớn chắn giữa lối đi. Bên trên những phiến đá này lại chính là tháp Hổ Khẩu - biểu tượng của Tô Châu.
Sau khi suy xét kỹ càng, phá 3 phiến đá này sẽ ảnh hưởng đến tháp Hổ Khẩu nên các chuyên gia buộc phải dừng lại kế hoạch khai quật mộ Hạp Lư. Đến nay, chuyên gia vẫn chưa thể tìm được cách thích hợp để vào được ngôi mộ của Hạp Lư. Đây chính là nỗi tiếc nuối lớn của các nhà khảo cổ Trung Quốc.