Doanh nghiệp của bà Đặng Thị Hoàng Yến cho biết đang chờ chính phủ đưa dự án tỷ USD vào quy hoạch và qua đó có thể xử lý khoản đầu tư và công nợ ngàn tỷ vừa được kiểm toán lưu ý về khả năng thu hồi.
CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo - Itaco (ITA) do nữ đại gia Đặng Thị Hoàng Yến (nguyên đại biểu Quốc hội khóa 13) làm chủ tịch vừa công bố giải trình về nhiều thông tin trong báo cáo soát xét bán niên, trong đó có phản hồi về việc kiểm toán đưa ra ý kiến nhấn mạnh khả năng khó thu hồi hơn 3,5 ngàn tỷ đồng liên quan đến Nhiệt điện Kiên Lương.
Theo đó, Itaco của bà Đặng Thị Hoàng Yến đang làm việc với cơ quan chức năng kiến nghị đưa dự án Kiên Lương vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
Cụ thể, Tân Tạo giải thích đây là khoản đầu tư và công nợ của công ty liên quan đên dự án nhà máy nhiệt điện Kiên Lương. Hiện Itaco vẫn tiếp tục “bám sát” làm việc với cơ quan ban, ngành để kiến nghị Chính phủ đưa dự án này vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia vì Việt Nam vẫn thiếu điện, đặc biệt là khu vực phía Nam.
Vì vậy, theo đánh giá của Ban Tổng giám đốc, khoản công nợ phải thu và giá trị khoản đầu tư được đảm bảo bằng tài sản là cơ sở hạ tầng đã được đầu tư và giá trị diện tích đất của dự án tại ngày lập báo cáo tài chính hợp nhất.
Tân Tạo của bà Hoàng Yến đang thúc đẩy đưa dự án Kiên Lương vào quy hoạch phát triển điện quốc gia. |
Trước đó, trong báo cáo soát xét bán niên, một điểm mà kiểm toán đặc biệt lưu ý là về khả năng thu hồi khoản đầu tư và phải thu từ 2 công ty có liên quan với tổng trị giá hơn 3,5 ngàn tỷ đồng. Kiểm toán nghi ngờ khả năng thu hồi khoản tiền khổng lồ liên quan đến Nhiệt điện Kiên Lương.
Theo báo cáo của kiểm toán, ITA chưa đánh giá được chắc chắn khả năng thu hồi của các khoản đầu tư và khoản phải thu nói trên do việc này phụ thuộc vào khả năng tiếp tục thực hiện dự án Nhiệt điện Kiên Lương.
Cụ thể, tới ngày 30/06/2019, ITA ghi nhận khoản đầu tư vào CTCP Đầu tư và Phát triển Năng lượng Tân Tạo (TDEC) và CTCP Năng lượng Tân Tạo 2 (TEC 2) với giá trị lần lượt là gần 1,753 tỷ đồng và 418 tỷ đồng. Ngoài ra, ITA còn có khoản phải thu từ TEDC với số tiền gần 1,343 tỷ đồng. Như vậy, khoản đầu tư và phải thu từ 2 công ty có liên quan của ITA với tổng trị giá hơn 3,5 ngàn tỷ đồng.
Tại BCTC bán niên soát xét 2019, Tân Tạo cho biết doanh nghiệp đang trong quá trình kiến nghị lên các cơ quan nhà nước để làm rõ vấn đề dự án Nhiệt điện Kiên Lương không được phê duyệt như kế hoạch ban đầu. Doanh nghiệp này cũng đang xin tiếp tục triển khai vào dự án điện Quốc gia theo kế hoạch dự kiến được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2021.
Nhiệt điện Kiên Lương từng là một dự án lớn nằm trong sơ đồ phát triển nguồn điện của Chính phủ. Tuy nhiên, dự án này đã chân tại chỗ sau hơn 10 năm qua, gây nhiều búc xúc trong xã hội. Nó khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về năng lực tài chính của Tân Tạo.
Bà Đặng Thị Hoàng Yến, chủ tịch ITA. |
Doanh nghiệp của bà Hoàng Yến được cho là đã chưa có sự chuẩn bị tốt về nguồn vốn dù theo báo cáo Tân Tạo đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào dự án và “đắp chiếu” từ đó cho tới nay.
Sự đắp chiếu này cũng gắn liền với sự 'bí ẩn' của chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến trong nhiều năm qua. Bà Yến không xuất hiện trong 6 đại hội cổ đông liên tiếp của doanh nghiệp này. Sáu năm liên tục, ông Đặng Thành Tâm (nguyên đại biểu Quốc hội khóa 13) thế vai người chị.
Về khoản nợ tiềm tàng liên quan đến 2 KCN, Tân Tạo cho hay công ty đã ghi nhận doanh thu một lần cho toàn bộ thời gian cho thuê đất tại KCN Tân Tạo mở rộng trên diên tích 904.047 m2 và KCN Tân Đức trên diện tịch gần 1,9 triệu m2.
Theo giải trình, Ban Tổng giám đốc của doanh nghiệp đang trong quá trình làm việc với các cơ quan Nhà nước để xác định và nộp tiền thuê đất một lần cho phần diện tích đất đã được cho thuê lại. Ban TGĐ đang chờ phản hồi của các cơ quan về vấn đề này.
Thị trường chứng khoán (TTCK), VN-Index giảm phiên thứ 4 liên tiếp với thanh khoản xuống thấp bất chấp một số cổ phiếu blue-chips tầm trung như Thế Giới Di Động, FPT, Đất Xanh, CII,... bứt phá.
Nhóm cổ phiếu diễn biến tiêu cực gồm: ngân hàng, dầu khí, chứng khoán, dệt may.
Một số cổ phiếu trụ cột quay đầu giảm điểm như: Vingroup, Vinhomes, Petrlimex, Masan, Vietcombank,...
Các CTCK tiếp tục đưa ra những dự báo thận trọng.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/9, VN-Index giảm 2,71 điểm xuống 974,08 điểm; HNX-Index giảm 0,05 điểm xuống 100,92 điểm và Upcom-Index giảm 0,04 điểm xuống 56,76 điểm. Thanh khoản đạt 185 triệu đơn vị, trị giá 4,1 ngàn tỷ đồng.
V. Hà