Khi nghi phạm cướp ngân hàng vừa bị cảnh sát bắt, quả bom hắn đeo trên cổ lập tức được kích nổ từ xa.

Một buổi chiều mùa hè năm 2003, người đàn ông trung niên hói đầu đi vào ngân hàng ở thành phố Erie, bang Pennsylvania, Mỹ. Tới quầy giao dịch, ông ta đưa tờ giấy có dòng chữ: "Mau cho 250.000 USD vào trong chiếc túi này, các người chỉ có 15 phút". Nhân viên ngân hàng nhanh chóng ý thức được đây không phải trò đùa, bởi vì người đàn ông đã kéo cổ áo phông xuống, lộ ra một chiếc hộp trên cổ có dòng chữ: "Đây là một quả bom".

bi an vu cuop ngan hang no bom thu tieu dong pham tai my

Hình ảnh người đàn ông vào ngân hàng trích xuất qua camera.

Nhân viên ngân hàng vội vã nhét tiền vào túi cho hắn, nói bây giờ không vào được kho chứa tiền nên chỉ có chừng này. Tiền kém xa con số 250.000 USD nhưng hắn không bắt đưa thêm mà lập tức cầm túi rời đi, nghênh ngang lái xe đi.

Trong lúc kẻ này chạy trốn, cảnh sát xác định hắn là Brian Douglas Wells, nhân viên giao hàng của một quầy pizza. Tất cả các ngả đường đã bị chặn, nhưng nghĩ đến quả bom trên cổ hắn, cảnh sát quyết định chặn bắt ở một khu vực ít người. 15 phút sau Brian vào một bãi đỗ xe và lập tức bị bao vây. Nhìn thấy cảnh sát chĩa súng vào người mình, Brian không chống cự mà lập tức giơ tay lên, đi ra khỏi xe.

Sau khi bị khống chế, Brian giải thích đang đi giao pizza thì bị một nhóm người khóa một quả bom lên cổ, ép hắn phải đi cướp ngân hàng. Bọn chúng nói sẽ theo dõi sát sao, nếu hắn không làm theo thì sẽ cho quả bom phát nổ.

bi an vu cuop ngan hang no bom thu tieu dong pham tai my

Chiếc khóa dùng để khóa quả bom vào cổ Brian.

Cảnh sát không hoàn toàn tin Brian nhưng vẫn yều cầu đội gỡ bom tới hỗ trợ. Để tránh xảy ra thương vong không cần thiết, họ quyết định tản ra xung quanh, để lại một mình Brian ngồi trước mũi xe cảnh sát. Brian lúc này vẫn rất bình tĩnh, còn nói đùa với một cảnh sát gần đó. Bỗng nhiên quả bom trên cổ hắn bắt đầu phát ra âm thanh tít tít. Dường như ý thức được điều gì đó, Brian cực kì kinh hãi, cố gắng tìm cách gỡ quả bom trên cổ ra, nhưng tất cả đều đã muộn. Brian chết tại chỗ.

Nhà chức trách xác định đây là một quả bom tự chế hoàn hảo, được thiết kế tỉ mỉ để khóa vào cổ người khác. Quả bom có thể hẹn giờ hoặc kích nổ từ xa. Trên xe của Brian, cảnh sát phát hiện một tờ giấy kì lạ viết đầy các mệnh lệnh thoạt nhìn giống như trò chơi đi tìm kho báu.

Dựa theo các gợi ý trên tờ giấy, cảnh sát tìm đến một địa điểm, phát hiện một chiếc bình bên trong trống rỗng, không có mật khẩu mở khóa, cũng không có hướng dẫn bước tiếp theo. Cảnh sát cho rằng có thể hung thủ đã lấy đi thứ trong bình sau khi Brian bị giết, hoặc trò chơi này là một âm mưu giết người. Việc điều tra rơi vào bế tắc.

bi an vu cuop ngan hang no bom thu tieu dong pham tai my

William Rothstein.

Một tháng sau, cảnh sát địa phương nhận được điện thoại của William Rothstein nói mình có thể bị giết, yêu cầu cảnh sát giúp đỡ. Khi cảnh sát đến nơi, William nói thời gian trước bạn gái cũ của hắn là Marjorie Diehl-Armstrong gọi điện nhờ giúp đỡ. Khi hắn lái xe đến nơi thấy bạn trai mới là James Roden nằm giữa vũng máu.

Marjorie nói khi cãi nhau đã lỡ tay bắn chết bạn trai, nhờ William đến giải quyết hậu sự. William giúp Marjorie dọn dẹp hiện trường, mang xác James về nhà mình. Bỗng cảm thấy sợ hãi vì có thể Marjorie sẽ giết mình để bịt đầu mối, William quyết định báo cảnh sát.

Cảnh sát tiến hành điều tra, phát hiện William không nói dối. Marjorie 54 tuổi bị bắt. Tháng 1/2005, Marjorie ra tòa, thừa nhận đã giết chết James, nhưng nói mình có bệnh tâm thần. Bà ta bị tuyên án 20 năm tù.

Hai vụ án tưởng như không liên quan gì đến nhau, nhưng lời khai của William lại khiến cảnh sát nghi ngờ. Trong lúc trả lời câu hỏi của cảnh sát, hắn vô tình nói một câu đại ý rằng việc Marjorie giết chết bạn trai không liên quan gì với vụ cướp ngân hàng. Trong khi trước đó, cảnh sát không nhắc đến chuyện cướp ngân hàng.

Hai vụ án này liên quan đến nhau, tại sao William nói như vậy? Cảnh sát tiếp tục vặn hỏi nhưng hắn biết đã lỡ lời nên không chịu nói thêm câu nào. Cảnh sát quyết định thăm dò Marjorie xem bà ta có phản ứng gì. Tháng 4/2005, cảnh sát vào gặp Marjorie trong tù, chủ động nhắc tới vụ cướp ngân hàng. Lúc này đã là hai năm sau vụ án. Không ngờ Marjorie lại chủ động yêu cầu chuyển đến một nhà tù điều kiện tốt hơn thì mới chịu khai rõ mọi việc.

Thấy Marjorie thật sự liên quan đến vụ cướp, cảnh sát lập tức đồng ý chuyển Marjorie đến nhà tù khác. Marjorie cũng không nuốt lời, thừa nhận có tham dự vụ cướp ngân hàng nhưng không phải chủ mưu, chủ mưu là bạn trai cũ của bà ta, cũng chính là William - người đã đưa bà ta vào tù. Đáng tiếc William đã qua đời từ tháng 7/2004 vì bệnh ung thư nên việc này không được làm rõ.

Trước vụ cướp ngân hàng, Marjorie có liên quan đến hai vụ án mạng. Vụ đầu tiên xảy ra năm 1984, khi 35 tuổi, cô mưu sát chồng chưa cưới. Khi hầu toà, Marjorie nói bị đánh đập nên phải dùng súng tự vệ và được bồi thẩm đoàn tuyên vô tội. Vụ thứ hai xảy ra năm 1988, khi đó Marjorie đã kết hôn, chồng lại chết vì xuất huyết não. Cảnh sát nghi ngờ Marjorie giết chồng nhưng không tìm được bằng chứng.

bi an vu cuop ngan hang no bom thu tieu dong pham tai my

Marjorie Diehl-Armstrong.

Nhà chức trách nhận ra chồng chưa cưới, chồng đã cưới, bạn trai hiện tại của Marjorie đều đã chết khi đang ở bên cạnh bà ta. Bạn trai cũ William cũng chết vì ung thư. Ai trong số này có thể có liên quan đến vụ cướp ngân hàng?

Việc điều tra có thêm manh mối khi cảnh sát nhận được cuộc điện thoại tố giác rằng thợ sửa chữa tivi tên Barnes rất có thể đã tham gia vụ cướp ngân hàng. Barnes là bạn của Marjorie, cũng có tiếp xúc với Brian. Cảnh sát lập tức mời Barnes đến làm việc. Khi nghe nói phối hợp điều tra có thể được khoan hồng, Barnes lập tức thừa nhận liên quan vụ cướp ngân hàng với nhiệm vụ phụ trách chế tạo bom, khai rõ chủ mưu là Marjorie.

Khi Barnes nói ra động cơ của Marjorie, các điều tra viên đang hỏi cung đều cực kì kinh ngạc. Barnes nói cha của Marjorie rất giàu nhưng không chịu cho con tiền. Marjorie nghĩ đến việc cướp ngân hàng, dùng tiền cướp ngân hàng thuê sát thủ nhằm được hưởng thừa kế nếu cha qua đời.

Tiếp tục bị cáo buộc là chủ mưu của vụ cướp, Marjorie nhất định không nhận tội. Cảnh sát tiếp tục điều tra và phát hiện nạn nhân Brian dường như cũng không chỉ là bị hại.

Theo người chế tạo bom Barnes, Marjorie muốn cướp ngân hàng nhưng không đủ người nên được giới thiệu với Brian. Brian khi đó cực kì túng quẫn, nghe Marjorie nói cướp ngân hàng có thể kiếm không ít tiền, Brian vui vẻ nhận lời. Brian đồng ý đeo bom lên cổ là vì Marjorie nói dối đó là bom giả... Nếu bị cảnh sát bắt được, Brian được dặn nói mình bị đe dọa đi cướp ngân hàng thì có thể thoát tội. Khi bị cảnh sát bao vây, Brian vẫn rất thản nhiên, cho đến khi nghe thấy tiếng tít tít mới biết quả bom là thật.

Năm 2010, Marjorie bị bồi thẩm đoàn nhận định có tội, kết án chung thân. Năm 2017, Marjorie chết trong tù vì ung thư vú song vẫn không nói ra động cơ thật sự của vụ cướp ngân hàng là gì.

Khang Diệp (Theo Allthatsinteresting)

bi an vu cuop ngan hang no bom thu tieu dong pham tai my Cuộc đấu trí bảo vệ tiền giữa ngân hàng Mỹ và những tên cướp

Sau khi loại két sắt to cỡ căn hầm được đưa vào sử dụng rộng rãi, số vụ trộm ngân hàng tại Mỹ giảm đi ...

bi an vu cuop ngan hang no bom thu tieu dong pham tai my Nghi can cướp ngân hàng ở Sài Gòn bị bắt

Bỏ chạy khi chuông báo động của Ngân hàng Bắc Á (TP HCM) hú inh ỏi, Nguyễn Văn Din về quê Bình Định trốn một ...

/ https://vnexpress.net