Đầu năm học, dư luận nhức nhối với tình trạng lạm thu trong trường phổ thông. Một hình thức thu lợi khác, hết sức tinh vi, có thể coi là “BOT” trong giáo dục, đang lan truyền với tốc độ chóng mặt.

Sao lại dẹp, Ban đại diện cha mẹ học sinh vui mà!
Phụ huynh và lạm thu
Trong trường phổ thông, tồn tại nhiều khoản thu độc quyền gắn mác “xã hội hóa“. Ảnh: QĐ

“BOT” trong giáo dục, khái niệm được giới truyền thông nêu ra gần đây, nhằm chỉ hiện tượng các nhà trường lợi dụng hoặc vận dụng lợi thế độc quyền để thu lợi, với những cách thức phụ huynh chỉ có nước “đầu hàng”.

Đầu tiên là đồng phục, không chỉ áo quần, mà cả vở viết, sách giáo khoa, nhà trường sẽ hợp đồng với nhà cung cấp, đề nghị phụ huynh mua. Phụ huynh thấy giá cao hơn thị trường cũng đành tặc lưỡi chấp nhận vì “làm ra mang tiếng con người nhỏ nhen”.

Nhà trường sẽ lấy lí do tạo nề nếp, giáo dục truyền thống…, nhưng nhìn ở góc độ khác thì đây là việc làm thiên về hình thức. Nếu cần đồng phục, nhà trường chỉ cần cung cấp mẫu, phụ huynh có thể tự may và gắn logo trường.

Trường THCS Hưng Dũng (TP Vinh, Nghệ An) rất đàng hoàng. Phụ huynh tự may quần áo cho con theo mẫu và mua logo của trường, giá 5 nghìn đồng/cái, gắn vào.

Nhưng nhiều trường khác, ngầm hiểu với nhau, coi đồng phục là một cơ hội làm ăn. Ngay cả trường hợp may đúng giá thị trường thì cũng vẫn có quà, vì doanh nghiệp có hợp đồng số lượng lớn.

“Đồng phục” SGK, nghĩa là nhà trường vận động phụ huynh đăng ký mua SGK, sách bài tập tại trường, đúng giá bìa. Với số lượng lớn thì hoa hồng cho trường (hay Phòng GD) không hề nhỏ, đặc biệt là đối với sách bài tập, tham khảo, từ 10-30%.

Rồi tiền mua nước uống cho học sinh, tiền học phí buổi 2 (tự nguyện), tiền chăm sóc bán trú, tiền ăn…, phụ huynh không thể chối từ và nhà trường đều có phần “lời” trong đó.

Tệ nhất, một số trường còn nỡ bớt xén khẩu phần học sinh.

Các trường mầm non rỉ tai phụ huynh đăng ký cho con học ngoại ngữ và đương nhiên phải nộp tiền, thế là trường có “lời” trong đó.

Quỹ Hội phụ huynh, xã hội hóa…, danh nghĩa là tự nguyện, nhưng phụ huynh rơi vào thế không thể lắc đầu. Và đương nhiên, nhà trường hưởng lợi trong việc chi tiêu các khoản tiền đó. Tại trường Tiểu học Cửa Nam 1 (TP Vinh, Nghệ An), quỹ hội phụ huynh trường, thu bình quân 150 nghìn đồng/em, dự trù được 132 triệu đồng. Trong đó, tiền chi khen thưởng, hỗ trợ, lễ lạt hết hơn 120 triệu đồng, còn tiền để hỗ trợ cho học sinh nghèo chỉ 6,6 triệu đồng.

Tiền xã hội hóa, dù được chi tiêu đúng mục đích, thì phần “hoa hồng” dành cho hiệu trưởng là không hề nhỏ. Thực tế, cùng một số tiền, nhưng nếu dân tự làm sẽ được công trình to gấp rưỡi hoặc gấp đôi so với công trình của tập thể.

Dẫn chứng là chuyện nhà vệ sinh học sinh tiền tỷ, “dát vàng”.

Sức dân ngày càng hao mòn đi, một số cán bộ ngày càng giàu, còn giáo dục đang bị biến tướng.

Làm gì để “trảm” BOT học đường đang là bài toán nan giải, vì nó có cái barie “thu hộ - tự nguyện”.

https://laodong.vn/dien-dan/bi-hai-chuyen-bot-hoc-duong-566880.ldo

/ Quang Đại/Báo Lao động