Nộp 600 triệu để được đưa vào Anh, người đàn ông Việt đối mặt với cảnh thất nghiệp, bị đồng hương bóc lột, đỉnh điểm là vào tù nhiều tháng rồi bị trục xuất.

Quá khứ bị bỏ đói nhiều ngày, suýt mất mạng tại rừng Serbia và trong conntainer gà đông lạnh vào Anh luôn ám ảnh anh. Thiên đường đâu chẳng thấy, chỉ thấy nhà tù, trại giam và đống nợ khổng lồ trả chưa biết bao giờ mới hết...

 Điểm chấm hết giấc mơ thiên đường Anh quốc của nhân vật. (Ảnh: Internet)

Cảnh sát đột kích vườn cần sa 

Sau khi tôi đến làm tại thành phố Portsmouth phía Nam nước Anh được gần 2 tháng thì tai họa ập đến. Vào khoảng 20h30, lúc này tôi vừa nghỉ làm, đang chờ cơm chín để ăn tối, bỗng nhiên nghe tiếng gõ cửa ở phía trước.

Linh tính có điều chẳng lành, tôi tiến ra vén hé rèm cửa thì phát hiện 3 viên cảnh sát đứng cạnh cửa ra vào đang nói chuyện với nhau. Lập tức, tôi quay lại định rút ra cửa sau thì thấy loáng thoáng mấy viên cảnh sát đã ém sẵn.

Biết không thể thoát ra bằng lối cửa, tôi chạy lên tầng 2 với hy vọng trèo lên trần nhà theo cửa nóc để trốn sang nhà khác, khi có dịp sẽ thoát ra ngoài. Tuy nhiên, khi vừa bê được thang thì nghe một tiếng rầm, cửa bung ra, cả đoàn cảnh sát lao vào.

Tôi chưa kịp leo lên thang thì đã bị họ khống chế.

Tối đó, họ đưa tôi về đồn cảnh sát để lấy lời khai. Tuy nhiên, do bất đồng ngôn ngữ nên họ phải liên hệ để tìm người phiên dịch. Chờ mãi đến khoảng gần 23h họ cho tôi gặp phiên dịch viên qua điện thoại.

Người này hỏi đủ thứ: “Ai là người làm việc đó (việc trồng cỏ)? Có mặt ở đấy để làm gì? Có tham gia vào trồng hay chăm sóc không? Có lên xem người ta làm không?...”

Trước sau tôi đều trả lời: “Tôi vừa đến Anh quốc được 1 tuần, vì không có việc làm nên người ta thuê tôi đến đây để phục vụ cơm nước, giặt giũ. Tôi không tham gia và không biết gì về việc đó”. Một lúc sau, họ đưa tôi về buồng giam để nghỉ.

Sáng hôm sau, cảnh sát đưa tôi lên gặp phiên dịch viên. Vẫn là câu hỏi như cũ, và đương nhiên, tôi vẫn chỉ trả lời như vậy. Đến gần trưa, sau khi trao đổi, bàn bạc với nhau hồi lâu, phiên dịch viên bảo tôi: “Nếu anh có người quen ở England thì cung cấp địa chỉ cho cảnh sát, họ sẽ cho về”.

Lúc này, tôi xin họ điện thoại (bị thu từ tối qua) để gọi cho bạn bè. Ở Anh quốc, việc cung cấp địa chỉ nhà ở của dân tị nạn cho cảnh sát mà liên quan đến người đi trồng cỏ là một điều tối kị. Rất may bạn tôi đã năn nỉ được chị T. người Hải Phòng cho địa chỉ nên được thả về.

Về London, tôi lại tiếp tục tìm công việc mới nhưng các công việc lao động chân chính khác cho thu nhập bấp bênh. Trồng rau sạch tiền công 100 bảng/tuần. Được một thời gian, rau ế ẩm, tôi xin chuyển qua nuôi giun để bán làm mồi câu cá. Cũng không khả quan, tôi lại quay về London chờ cơ hội.

 Nhà tù Druham, nơi tôi bị giữ gần 3 tháng (Ảnh: Internet)

Người Việt bóc lột nhau

Sau đó, người nhà gửi cho số điện thoại của một đồng hương là Th. Anh này mời tôi cùng bạn đến ăn cơm. Tối hôm đó Th. đề nghị tôi ở lại làm vì chuẩn bị mở bãi mới.

 Như người chết đuối vớ được cọc, tôi vui vẻ nhận lời.

Lần này Th. đầu tư chung với một người Quảng Bình, họ cho con trai vừa từ Việt Nam sang vào làm cùng tôi. Có hai anh em hỗ trợ nhau, công việc nhẹ nhàng hơn nhiều. Đặc biệt là có người chuyện trò đỡ buồn nên 3 tháng cũng trôi qua rất nhanh.

Đến mùa thu hoạch, với trọng lượng hàng hóa thu được, tôi ước tính trừ chi phí, cũng được hai nghìn bảng tiền công. Tuy nhiên, Th. chỉ chia cho mỗi người 750 bảng (tương đương 24 triệu đồng - PV).

Cảm thấy bị bóc lột quá mức thậm tệ, tôi gọi điện cho chủ nhà ở London nơi tôi thường tá túc. Qua trao đổi, ông cho biết với mức đầu tư như thế, tiền công mỗi người phải được trên hai nghìn bảng Anh.

Cầm 750 bảng tiền công lao động suốt 3 tháng trời mà lòng xót xa. Tôi tự hỏi thiên đường là đây ư? Vay gần 600 triệu đồng phiêu bạt từ Việt Nam sang để mỗi tháng lăn lộn lấy 8 triệu đồng ư? Bỗng nhiên tôi thấy vỡ mộng về miền đất hứa.

Bị đi tù, trục xuất khỏi nước Anh 

Trong khi đang chán nản đến tột độ thì B. (người Kỳ Anh, Hà Tĩnh) gọi điện động viên chia sẻ và bảo tôi về làm cùng. Chúng tôi xuống South Shields, phía Bắc Vương quốc Anh để trồng cần sa.

 Chiếc container chở 39 thi thể được cảnh sát Anh phát hiện tại khu công nghiệp Waterglade, quận Essex, phía Đông Bắc London, Vương quốc Anh. (Ảnh: Internet)

Kết thúc vụ thứ nhất, trừ tất cả chi phí ban đầu, B. chia cho tôi 2 nghìn bảng tiền công, đồng thời cho vay 1 nghìn để thêm vào gửi cho gia đình trả nợ.

Do gối vụ nên chỉ sau 4 tuần là thu hoạch vụ tiếp theo. Chiều ngày 9/1/2015, sau khi hoàn tất công việc, tôi tắm rửa sạch sẽ, mang quần áo chỉnh tề ngồi chờ B. đến lấy hàng rồi cùng nhau về London. Vụ này những tưởng sẽ có thu nhập không đến nỗi nào.

Đang ngồi nhấm nháp ly cà phê thì nghe tiếng gõ cửa.

Biết không phải là B. vì B. vừa gọi điện thông báo sau 1 tiếng nữa mới có mặt. Tôi rón rén lại nhìn qua khe cửa thì thấy một tốp cảnh sát bao vây phía trước, chạy ra cửa sau cũng thấy một tốp khác cùng chó nghiệp vụ bao vây.

Biết không còn cách nào khác, tôi bèn gọi điện thông báo cho B., đồng thời nhặt những thứ cần thiết nhét vào người rồi ngồi chờ họ phá cửa vào dẫn đi.

Sau nhiều lần gặp gỡ luật sư xã hội, trải qua nhiều phiên tòa, tôi bị xử phạt 6 tháng tù giam. Tuy nhiên, khi gần được 3 tháng, họ đã chuyển tôi đến trại tị nạn gần sân bay Heathrow ở London để trục xuất về nước.

Hoang mang chán nản, tôi bước chân lên máy bay mà lòng trĩu nặng.

Thời gian đầu về Việt Nam, tôi dường như không ra khỏi nhà. Bạn bè đồng nghiệp hỏi thăm, mời mọc tôi đều từ chối. Câu chuyện ở Anh có chết cũng không thể cho ai biết. Chả nhẽ mang tiếng đi Anh mà để bạn bè trả tiền rượu, trong khi tiền lãi vay gõ đầu hàng ngày.

Nợ nần đeo đẳng, bên gia đình vợ tôi phải dứt ruột bán đất đai được 450 triệu đồng để cho vợ chồng tôi trả nợ, tuy nhiên chừng ấy vẫn chưa đủ. Còn gần 120 triệu đồng vay ngân hàng nữa, tôi vẫn chưa thể trả!

Nợ nần, không có nghề nghiệp, quá khứ ám ảnh dày vò sống dậy trong tôi khi nghe về sự cố 39 người tử nạn trong container tuần qua. Dù sao, tôi thấy mình vẫn còn may mắn vì còn giữ được mạng sống về với gia đình, cái mà không có loại tiền nào mua được.

/ vtc.vn