Các quan chức quốc phòng Mỹ thừa nhận, bom thông minh JDAM mà nước này cấp cho Ukraine nhiều lần đánh trượt mục tiêu do bị lực lượng Nga gây nhiễu.
Tờ Politico ngày 13/4 trích dẫn tài liệu mật của Lầu Năm Góc bị rò rỉ trên mạng vài tuần gần đây có đoạn bày tỏ lo ngại, các loại vũ khí dẫn đường chính xác mà Washington viện trợ Kiev không đạt hiệu quả tác chiến như trông đợi trên chiến trường do chiến thuật gây nhiễu của Nga.
Trong số những loại vũ khí đó, mẫu bom dẫn đường JDAM có tỷ lệ trượt mục tiêu cao. Trong một vài trường hợp, các quả bom không thể phát nổ do trục trặc kĩ thuật, dù các lực lượng Ukraine đã thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện hiệu quả.
Một số quan chức Mỹ đã xác nhận thông tin bị rò rỉ nêu trên, theo Politico. Nguồn tin cho biết thêm phần lớn vấn đề phát sinh với bom JDAM và các loại vũ khí dẫn đường khác bắt nguồn từ hoạt động áp chế tín hiệu định vị GPS do lực lượng Nga tiến hành.
"Tôi nghĩ có những lo ngại thật sự về khả năng Nga vô hiệu hóa tín hiệu dẫn đường của bom JDAM. Điều đó có thể giải thích lý do chúng không đạt hiệu quả như thiết kế hay từng thể hiện ở nhiều chiến trường khác", Mick Mulroy, cựu quan chức Lầu Năm Góc và Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), nhận định.
JDAM là tên gọi chung của những loại bom thông thường được hoán cải thành bom thông minh, bằng cách gắn thêm thiết bị dẫn đường, gồm hệ thống định vị GPS và hệ thống điều khiển. Đây là phương án giúp tận dụng kho dự trữ bom thông thường được chế tạo từ Chiến tranh Lạnh.
Trong số các phiên bản được gửi tới Ukraine, mẫu JDAM-ER đạt tầm bay tối đa 72 km khi được thả ở độ cao và tốc độ lớn, so với 24 km của những quả JDAM thông thường.
Chưa rõ số lượng JDAM-ER được Mỹ chuyển giao cho Ukraine, nhưng dường như chúng rất hạn chế, trong bối cảnh Ukraine cũng chỉ còn lại khá ít tiêm kích có thể mang theo bom.
Thông tin xung quanh hoạt động của JDAM ở Ukraine được loan báo hai tuần sau khi phát ngôn viên Không quân Ukraine Yuriy Ignat khẳng định, quân đội nước này đã sử dụng bom JDAM "tấn công thành công các mục tiêu quan trọng" của Nga trên chiến trường, nhưng không nêu chi tiết về các cuộc tập kích.
Ở chiều ngược lại. Nga được đánh giá là sở hữu năng lực tác chiến điện tử vượt trội so với Ukraine. Khác với giai đoạn đầu chiến sự, khi tiền tuyến ổn định, Moscow có thời gian để bố trí các hệ thống gây nhiễu, phòng thủ gần căn cứ quan trọng để ứng phó các tình huống bị tập kích.
Trong một bài đăng cách đây không lâu, tờ Forbes đánh giá lực lượng tác chiến điện tử của Nga đã hạ gục tới 90% máy bay không người lái (UAV) các loại của Ukraine trên chiến trường.