Ông Pompeo không vui khi bị hỏi về Ukraine. Vị Ngoại trưởng Mỹ bị tố đã chửi thề trước mặt phóng viên.

Theo văn bản ghi chép lại cuộc phỏng vấn trên, ông Pompeo đã né tránh câu hỏi về Ukraine và tỏ ra giận dữ khi người phỏng vấn Mary Louise Kelly hỏi câu: "Ông có nợ Đại sứ Marie Yovanovitch một lời xin lỗi không?".

Đáp lại câu hỏi của phóng viên Kelly, Ngoại trưởng Pompeo khẳng định mình đã bảo vệ mọi quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ. Khi bị hỏi tiếp về việc có công khai bảo vệ bà Yovanovitch hay không, ông Pompeo kết thúc cuộc phỏng vấn bằng lời đáp: "Tôi đã nói tất cả những gì tôi sẽ nói hôm nay. Cảm ơn".


Theo lời kể, một nhân viên sau đó mời bà Kelly tới phòng khách của ông Pompeo và yêu cầu không sử dụng máy ghi âm. Phóng viên đài NPR này kể lại, ông Pompeo "đã đợi ở đó và… ông ta hét vào mặt tôi" một lúc lâu, dài tương đương thời lượng của cuộc phỏng vấn trước đó vậy.Chuyện vẫn chưa kết thúc khi bà Kelly sau đó thuật lại rằng, ông Pompeo đã cúi người và lườm bà trước lúc ra khỏi phòng.

Cũng theo lời bà Kelly, ông Pompeo không vui khi bị hỏi về Ukraine. Vị Ngoại trưởng Mỹ bị tố đã chửi thề và hỏi Kelly rằng "cô có nghĩ người Mỹ quan tâm tới Ukraine hay không?".

Để chứng minh cho việc người Mỹ không quan tâm Ukraine, ông Pompeo cầm tấm bản đồ không ghi tên quốc gia, và hỏi bà Kelly với ngụ ý ngay cả phóng viên này cũng chẳng biết Ukraine nằm ở đâu.

Ukraine đang là tâm điểm liên quan tới cuộc luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đảng Dân chủ cáo buộc ông Trump lạm dụng quyền lực, dùng viện trợ tác động lên Tổng thống Ukraine Volodymir Zelenskiy để điều tra cha con nhà ông Joe Biden.

Cựu phó Tổng thống Joe Biden, là ứng viên tranh cử Tổng thống nổi bật của Đảng Dân chủ năm 2020, vì vậy ông Trump bị cáo buộc đã tìm cách triệt hạ đối thủ chính trị.

Ông Pompeo cũng bị cho là đã không bảo vệ cấp dưới của mình là bà Marie Yovanovitch, cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine. Phe phản đối ông Trump cho rằng, bà Yovanovitch năm ngoái bất ngờ bị ông Trump rút khỏi nhiệm vụ ở Ukraine vì cản trở các toan tính của Tổng thống.

Trước đó, trong ngày đầu phiên xử luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump (22/1) đã chứng kiến những tranh cãi gay gắt kéo dài giữa hai phe Dân chủ và Cộng hòa nhưng kết quả rốt cộc được cho là sẽ "an bài".

Theo CNN, dù những lời lẽ và lý luận được cả hai bên đưa ra rất gay gắt nhưng khó có thể làm thay đổi thực tế rằng sẽ đạt đủ đa số 2/3 số phiếu ở Thượng viện - vốn do đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump kiểm soát - không đồng ý kết tội và phế truất ông.

Với thế mạnh kiểm soát Thượng viện, các thành viên Cộng hòa liên tiếp bác bỏ các kiến nghị của lãnh đạo phe thiểu số về việc thu thập tài liệu và ghi chép từ Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và phòng Quản lý và Ngân sách, liên quan tới cách thức ông Trump làm việc với Ukraina. Họ cũng phủ quyết các yêu cầu gọi thêm nhân chứng của đảng Dân chủ

Tổng cộng trong ngày xử luận tội đầu tiên, phe Dân chủ 11 lần đề xuất sửa đổi các quy định xét xử nhưng đều bị các thành viên Cộng hòa phản đối.

"Kết luận duy nhất sẽ là Tổng thống hoàn toàn không làm gì sai, và những điều khoản luận tội đó không đạt đến tiêu chuẩn mà Hiến pháp yêu cầu", cố vấn Nhà Trắng Pat Cipollone khẳng định.

Trường An
Tướng Soleimani - "cái gai" trong mắt Pompeo

4h sáng 31/12, một cuộc gọi đánh thức Ngoại trưởng Mỹ Pompeo, thông báo về cuộc biểu tình lớn bên ngoài sứ quán Mỹ ở ...

Ngoại trưởng Mỹ tiếp tục chỉ trích Trung Quốc ở Biển Đông

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo cho rằng Trung Quốc không thực hiện cam kết của mình và tuân thủ chuẩn mực quốc tế trong nhiều vấn ...

Cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Russel: Trung Quốc áp "luật rừng"

Trung Quốc đang đòi hỏi những điều mình muốn bằng cách đe dọa các nước khác, nhưng điều đó không được chấp nhận.

/ baodatviet.vn