Sức mạnh quân sự và sự cứng rắn ngày càng tăng của Trung Quốc được cho là thách thức lớn mà Biden cần ứng phó sau khi vào Nhà Trắng.
"Chúng ta là một cường quốc Thái Bình Dương", Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden viết trong một bài xã luận tháng trước, ám chỉ ưu tiên đối ngoại của ông với châu Á sau 4 năm Tổng thống Donald Trump thực thi chính sách "Nước Mỹ trên hết".
Tuy nhiên, Trung Quốc được cho là có thể đặt ra thách thức với tuyên bố này, trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh bị đẩy lên cao trào và hai bên ngày càng coi nhau là đối thủ.
Trong báo cáo về sức mạnh quân sự Trung Quốc trình lên quốc hội Mỹ hồi tháng 9, Lầu Năm Góc thừa nhận Bắc Kinh đã soán ngôi Washington, sở hữu lực lượng hải quân lớn nhất thế giới với khoảng 350 tàu chiến và tàu ngầm, trong đó gồm hơn 130 chiến hạm mặt nước cỡ lớn.
Trung Quốc dường như cũng không ngần ngại thể hiện sức mạnh quân sự ngày càng lớn của mình, thông qua những động thái trên eo biển Đài Loan và Biển Đông, thêm vào đó là tình trạng đối đầu với Ấn Độ ở khu vực biên giới tranh chấp giữa hai nước.
"Trung Quốc là đối thủ không biết khoan nhượng. Chúng ta phải rất cẩn thẩn và ý thức rõ ràng về điều đó", Paul Heer, nhà phân tích tình báo kỳ cựu của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), nhận định.
Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden phát biểu tại thành phố Wilmington, bang Delaware, hôm 25/11. Ảnh: Reuters. |
Trên thực tế, một số ý kiến từ cả hai bên cho rằng chính phủ và quân đội hai nước vẫn có thể tìm cách hợp tác trong các vấn đề như Triều Tiên, Iran hay biến đổi khí hậu. "Trung Quốc muốn thiết lập nhiều kênh liên lạc nhất có thể với quân đội Mỹ", Zhou Chenming, chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh, cho hay.
Giới quan sát cho biết Mỹ vốn từng thử hướng đi này. 12 năm trước, vào cuối nhiệm kỳ của cựu tổng thống George W. Bush, Trung Quốc lần đầu tiên đưa hải quân tới tham gia các cuộc tuần tra chống hải tặc toàn cầu tại vịnh Aden ở rìa phía tây của Ấn Độ Dương, cách bờ biển nước này hàng nghìn km. Mỹ và các đối tác đã hoan nghênh "cú bắt tay", được nhìn nhận là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang nổi lên như một cường quốc có trách nhiệm.
Tuy nhiên, chỉ ba tháng sau, khi Biden và cựu tổng thống Barack Obama mới bước chân vào Nhà Trắng, tình hình đã đảo chiều nhanh chóng. Một nhóm tàu Trung Quốc bị cáo buộc quấy rối tàu giám sát USNS Impeccable không vũ trang của Mỹ trên Biển Đông vào tháng 3/2009, động thái bị Lầu Năm Góc lên án là "hành vi khiêu khích nguy hiểm".
Phản ứng của Obama với sự việc là kêu gọi đối thoại nhiều hơn giữa quân đội hai nước. Trong những năm sau đó, Trung Quốc đã tăng cường hiện diện hải quân, với căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên được xây dựng vào năm 2017 tại Djibouti, bên rìa phía tây Ấn Độ Dương, nơi Mỹ cũng đặt căn cứ.
"Trung Quốc đang nhanh chóng nổi lên như một cường quốc hải quân đáng gờm. Cùng với căn cứ thường trực ở Djibouti, nước này giờ đây rõ ràng đóng vai trò cố định trên Ấn Độ Dương. Ai có thể tưởng tượng ra viễn cảnh này vào 10 năm trước chứ?", Toshi Yoshihara, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách của Mỹ, nhận định.
Do đó, tại Washington hiện nay có lẽ rất ít người nghĩ đến mối quan hệ nồng ấm và đối thoại nhiều hơn với Trung Quốc dưới thời Biden, khi lưỡng đảng đều thường xuyên lên án những động thái của nước này, tạo nên áp lực chính trị buộc tổng thống thứ 46 của Mỹ phải cứng rắn với Trung Quốc.
Trong bài xã luận trên Foreign Affairs hồi tháng 6, Michele Flournoy, người được dự đoán sẽ trở thành nữ bộ trưởng quốc phòng đầu tiên của Mỹ, viết rằng nếu Trung Quốc biết Mỹ có thể đánh chìm mọi tàu chiến, tàu ngầm của nước này trên Biển Đông trong 72 giờ, có lẽ họ sẽ phải cân nhắc rất kỹ trước khi có ý định tiến hành hoạt động quân sự nhắm vào Đài Loan.
Trước mối đe dọa quân sự ngày càng tăng từ Trung Quốc đại lục, Đài Loan đã bắt đầu xây dựng hạm đội tàu ngầm riêng, cùng với sự hỗ trợ vũ khí từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Biden cũng cam kết "phát triển sâu sắc mối quan hệ với Đài Loan" trong bài xã luận hồi tháng 10.
Tuy nhiên, Biden và các cố vấn được cho là sẽ phải làm rõ họ sẵn sàng đi xa tới đâu trong việc bảo vệ Đài Loan. Chuyên gia quân sự Zhou đánh giá Washington "chưa bao giờ coi trọng đúng mức" quyết tâm thu hồi Đài Loan của Bắc Kinh.
"So với trước đây, quân đội Trung Quốc đã tự tin, mạnh mẽ và khao khát được thế giới công nhận hơn. Sự bôi nhọ từ bên ngoài sẽ chạm vào giới hạn cuối cùng của họ", chuyên gia nói.
Trung Quốc còn thể hiện thái độ quyết liệt và bất chấp luật pháp quốc tế trên Biển Đông bằng cách bồi đắp, quân sự hóa các đảo nhân tạo trái phép và đưa ra những yêu sách chủ quyền phi lý. Hồi tháng 7, Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố bác bỏ hầu hết yêu sách của Trung Quốc về Biển Đông. Đây được coi là bước ngoặt chính sách lớn, đặt nền móng cho những hành động cứng rắn trong tương lai. "Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế trên biển của mình", tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ có đoạn.
Ngoài eo biển Đài Loan và Biển Đông, Biden cùng đội ngũ cố vấn quốc phòng của ông còn phải theo dõi tình hình ở biên giới Trung Quốc - Ấn Độ. Căng thẳng leo thang nghiêm trọng sau vụ ẩu đả của binh sĩ hai nước tại khu vực biên giới tranh chấp hồi tháng 6, khiến 20 lính Ấn Độ thiệt mạng, trong khi Trung Quốc không báo cáo số thương vong.
Manjari Chatterjee Miller, giáo sư chuyên nghiên cứu quan hệ Ấn - Trung tại Đại học Boston của Mỹ, cho rằng cuộc đụng độ này đã đẩy New Delhi vào quan hệ khăng khít hơn với Washington và sẽ tiếp tục được duy trì dưới thời Biden. Tuy nhiên, chưa rõ Washington có thể chuyển hóa sự gắn bó này thành thái độ quyết liệt hơn với Bắc Kinh hay không.
"Ý tưởng đưa Ấn Độ trở thành đối trọng với Trung Quốc đã tồn tại khoảng hai thập kỷ. Tuy nhiên, vấn đề gây băn khoăn nhiều hơn là liệu Ấn Độ có sẵn sàng trở thành bên đối trọng với Trung Quốc hay không lại chưa được làm rõ", Miller cho biết.
Một vấn đề đáng lo ngại khác là chính quyền Biden tương lai còn phải đối phó với sức mạnh hạt nhân ngày càng tăng của Trung Quốc. Dù là một trong 5 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân được công nhận, Trung Quốc gần đây hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân theo hướng gây hoài nghi về động cơ của họ. Chính quyền Trump đã nỗ lực thúc đẩy Trung Quốc tham gia đàm phán một thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân cùng Mỹ và Nga, nhưng Bắc Kinh cho rằng điều này không cần thiết bởi quy mô kho vũ khí của họ nhỏ hơn.
Biden khẳng định dù bất cứ thử thách nào đang chờ đợi sau khi nhậm chức, ông và đội ngũ của mình vẫn dự định sát cánh cùng các đồng minh, trái ngược với chính sách "một mình một ngựa" của người tiền nhiệm. Hôm 24/11, Biden tuyên bố Mỹ "sẵn sàng đối đầu với đối thủ và không khước từ đồng minh".
Drew Thompson, cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách quan hệ song phương với Trung Quốc, đánh giá thách thức của Biden hiện nay là thuyết phục các đồng minh ủng hộ Mỹ, chiến lược từng giúp họ chống lại những thực thể phi nhà nước như các nhóm khủng bố.
"Tuy nhiên, các đối tác và đồng minh sẽ miễn cưỡng hơn nhiều trong việc ủng hộ nỗ lực đối đầu với Trung Quốc hay Nga, đặt ra câu hỏi về hiệu quả tổng thể của chiến lược", Thompson nói thêm.
Mặc dù vậy, chuyên gia Yoshihara chỉ ra rằng các đồng minh của Mỹ giờ đây lại có tầm quan trọng mới, trong bối cảnh Trung Quốc sở hữu lực lượng hải quân lớn nhất thế giới.
"Khi xem xét cán cân sức mạnh hải quân, nếu chỉ nhìn vào tương quan số lượng tàu chiến của Trung Quốc và Mỹ, bạn sẽ không thể đánh giá chính xác tình hình. Bởi nếu tính thêm cả tàu chiến của các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Australia và Ấn Độ, cán cân sẽ thay đổi khá đáng kể", Yoshihara cho hay.
Ánh Ngọc (Theo SCMP)
Biden công bố nhóm phụ trách lễ nhậm chức |
NATO mời Biden dự hội nghị thượng đỉnh 2021 |
Biden quyết không đi vào "vết xe" của Trump |
Wisconsin, Arizona chứng nhận Biden thắng |