Tuyết lở nhiều hơn và sông băng tan chảy nhanh chưa từng có, đỉnh Everest gồng mình chịu đựng các hiện tượng cực đoan do biến đổi khí hậu. Theo một số chuyên gia, chẳng hề quá sớm để nói “nóc nhà thế giới” đang kêu cứu.
- Xóa một “điểm mù” trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu
- Tạo xung lực cho các mục tiêu chống biến đổi khí hậu
- Giải quyết biến đổi khí hậu và đói nghèo
Năm chết chóc với các nhà leo núi
Theo báo Kathmandu Post cuối tháng 8 vừa qua đưa tin, 2023 là một trong những năm có chết chóc nhất được ghi nhận trên đỉnh Everest, với 12 người đã tử vong và 5 người mất tích trên đường lên ngọn núi cao nhất dãy Himalaya. Số người chết hiện tại cao thứ tư trong lịch sử Everest, (chỉ năm 2015, 1996 và 2014 có nhiều hơn, với lần lượt 13, 15 và 16 người chết). Nếu 5 người mất tích được tuyên bố là đã chết, thì năm 2023 sẽ được coi là năm đau buồn nhất đối với những người leo núi tại “nóc nhà thế giới”.
Các chuyên gia về khí hậu nhận định, trong khi hoạt động leo núi ở độ cao đi kèm với nguy cơ tuyết lở cố hữu, thì hiện tượng nóng lên toàn cầu đang làm trầm trọng thêm mối nguy hiểm trong mùa leo núi ở dãy Himalaya.
Theo một phân tích gần đây, ít nhất 564 người đã thiệt mạng do tuyết lở khi leo lên những đỉnh núi cao trên 4.500 mét ở dãy Himalaya trong 5 thập kỷ qua. Thu hẹp dữ liệu xuống còn 14 đỉnh núi cao trên 8.000 mét và một số đỉnh cao nổi bật khác trên 6.000 mét ở dãy Himalaya, đã có ít nhất 1.400 người chết khi leo núi từ năm 1895 đến năm 2022, và 33% trong số đó là do tuyết lở.
Alan Arnette, một nhà leo núi và người ghi chép về các mùa leo núi ở Nepal, cho biết những trận tuyết lở chết người trên các đỉnh núi nổi tiếng bao gồm Everest, Ama Dablam, Manaslu và Dhaulagiri không phải là diễn biến mới. Nhưng tần suất và thời gian của những trận tuyết lở gần đây có thể là điềm báo bi quan về tương lai của hoạt động leo núi trên dãy Himalaya trong một thế giới đang nóng lên.
Mùa leo núi ở trung tâm dãy Himalaya, nơi tập trung phần lớn các đỉnh cao hấp dẫn người leo núi, theo truyền thống diễn ra khi thời tiết trong lành từ tháng 3 đến tháng 5, trước mùa gió mùa và sau đó là từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm. Điều này trùng với mùa lốc xoáy ở Ấn Độ Dương và cho đến gần đây vẫn chưa phải là vấn đề đáng lo ngại.
Arun Bhakta Shrestha, nhà khoa học khí hậu tại Trung tâm Quốc tế về Phát triển Miền núi Tích hợp (ICIMOD) cho biết: “Các vùng cao nguyên của dãy Himalaya thường được bảo vệ khỏi tác động của lốc xoáy bắt nguồn từ Ấn Độ Dương vì lốc xoáy mất năng lượng khi chúng di chuyển qua đất liền. Tuy nhiên, đôi khi lốc xoáy tác động đến vùng cao nguyên Himalaya gây ra tuyết rơi dày đặc và thậm chí gây tử vong”.
Roxy Mathew Koll, nhà khoa học khí hậu tại Viện Khí tượng Nhiệt đới Ấn Độ (IITM), cho biết: “Để đối phó với sự nóng lên nhanh chóng ở Ấn Độ Dương, gió mùa đã trở nên thất thường hơn, với những đợt mưa lớn ngắn, thời gian khô hạn kéo dài và lốc xoáy gia tăng về tần suất, cường độ và thời gian - và chúng đang tăng cường nhanh chóng ở cả biển Ảrập và Vịnh Bengal”.
Với những thay đổi rõ rệt trong mô hình lượng mưa gió mùa và lốc xoáy hình thành thường xuyên hơn và với cường độ lớn hơn ở Ấn Độ Dương đang nóng lên nhanh chóng, mùa leo núi từng có thể dự đoán được đang bị gián đoạn bởi các hệ thống bão siêu tăng áp này thường xuyên hơn.
Dữ liệu cho thấy các đỉnh núi phổ biến ở trung tâm dãy Himalaya bao gồm Annapurna và Everest, và những đỉnh núi nằm trong phạm vi ảnh hưởng kéo dài của gió mùa như Nanga Parbat ở phía tây dãy Himalaya, đã gây ra nguy cơ tuyết lở rất cao cho những người leo núi. Tuyết rơi dày và mới là một trong những nguyên nhân chính gây ra tuyết lở, và khi những cơn bão trái mùa xảy ra ở những ngọn núi này thì nguy cơ và khả năng xảy ra tử vong cũng tăng lên.
Sông băng tan nhanh chưa từng có
Báo cáo mới nhất của Trung tâm Quốc tế về Phát triển Miền núi Tích hợp (ICIMOD) chỉ ra, Himalaya đang nóng lên nhanh gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu. Và các chuyên gia tại đây cho rằng sự mất ổn định của lớp tuyết do nhiệt độ, dẫn đến sự gia tăng hoạt động tuyết lở, có thể sẽ tiếp tục trong tương lai.
Nhưng bên cạnh đó, ICIMOD còn cung cấp một dữ liệu khác cũng hết sức đáng lo. Đó là các sông băng ở vùng Hindu Kush Himalaya tan chảy nhanh hơn 65% từ năm 2010 đến năm 2019 so với thập kỷ trước. Cụ thể hơn, 79 sông băng xung quanh đỉnh Everest đã mỏng đi hơn 100 mét chỉ sau 6 thập kỷ và tốc độ mỏng đi đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 2009. Trong số đó có sông băng Khumbu mang tính biểu tượng, điểm khởi đầu cho hầu hết các cuộc thám hiểm Himalaya từ cách đây hàng chục năm, cũng đang trên đà biến mất và thu hẹp lại.
Philippus Wester, nhà khoa học trưởng của ICIMOD về Quản lý tài nguyên nước và là người biên tập chính của báo cáo, nói với CBS News: “Con số này này thật đáng báo động… Trên thang thời gian của con người, chúng ta chưa bao giờ thấy băng tan nhanh như vậy”.
Vùng Hindu Kush Himalaya, trải dài gần 4.000 km từ Afghanistan ở phía tây đến Myanmar ở phía đông, và có những ngọn núi cao nhất thế giới, bao gồm cả đỉnh Everest. Nó chứa khối lượng băng lớn nhất trên Trái đất bên ngoài hai cực. Hindu Kush Himalaya cung cấp nước cho 12 con sông chảy qua 16 quốc gia châu Á, đảm bảo nước ngọt cho gần 2 tỷ người. Sông băng tan chảy sẽ là thảm họa đối với họ, gây ra lũ lụt, lở đất, tuyết lở và mất mùa, làm mất ổn định cảnh quan sinh thái.
Những thay đổi nhanh chóng này cũng đang ép phần lớn động vật hoang dã của khu vực vào những môi trường sống nhỏ hơn và bấp bênh hơn. Đối với một số loài không may mắn thì đã quá muộn.
Sunita Chaudhary, nhà nghiên cứu hệ sinh thái tại ICIMOD, nhận định rằng đến năm 2100, một phần tư số thực vật, động vật và các dạng sống khác chỉ tìm thấy trong khu vực có thể bị “xóa sổ”. Còn Miriam Jackson, nhà nghiên cứu băng quyển tại ICIMOD dự đoán rằng cả trong trường hợp lạc quan nhất là sự nóng lên toàn cầu trung bình được giới hạn ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, thì Hindu Kush Himalaya vẫn sẽ mất ít nhất một phần ba diện tích sông băng.
Và sự tiếp tay của con người
Theo các nhà khoa học tại Cục Khí tượng Ấn Độ, lở đất và lũ lụt vốn thường xuyên xảy ra ở phía Bắc dãy Himalaya của Ấn Độ trong mùa gió mùa từ tháng 6 đến tháng 9. Nhưng các thiên tai này đang trở nên thường xuyên hơn do hiện tượng nóng lên toàn cầu góp phần làm tan chảy các sông băng ở khu vực.
Theo ghi nhận, chỉ trong tháng 7 năm nay, những trận mưa rào kỷ lục đã giết chết hơn 100 người ở các vùng phía bắc Ấn Độ, bao gồm cả Himachal Pradesh, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Còn giữa tháng 8 vừa qua, những trận mưa như trút nước kéo dài nhiều ngày đã cuốn trôi xe cộ, phá hủy các tòa nhà và các cây cầu ở 2 bang Himachal Pradesh và Uttarakhand phía bắc dãy Himalaya, làm chết 72 người.
Theo Viện nghiên Cứu chính sách và Tác động (IMPRI) có trụ sở tại New Delhi (Ấn Độ), bên cạnh biến đổi khí hậu, nhiều hoạt động nhân tạo khác cũng là nguyên nhân làm suy giảm sự cân bằng tự nhiên của dãy Himalaya, chẳng hạn như bùng nổ du lịch, xây dựng khách sạn quy mô lớn dẫn đến bê tông hóa, suy thoái và phân mảnh môi trường sống, khai thác quá mức tài nguyên, săn bắn trái phép, thâm canh nông nghiệp hay xây dựng thủy điện tràn lan…
Anand Sharma, nhà khí tượng học đã nghỉ hưu của Cục Khí tượng Ấn Độ, khi nói về trận lũ lụt và lở đất hồi giữa tháng 8 cho rằng, quy hoạch và quản lý xây dựng kém là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại lớn về người và của. Sharma - người sinh ra tại vùng Himalaya và đã quan sát chặt chẽ các kiểu thời tiết ở vùng này trong hơn ba thập kỷ - nói với hãng tin AP: “Tất cả các tòa nhà bị đổ đều là mới được xây dựng gần đây, các tòa nhà được xây dựng cách đây 100 năm hầu như không thiệt hại. Bây giờ, người ta xây nhà ở bất cứ nơi nào họ thích nên khi có mưa lớn, những thảm họa như vậy chắc chắn sẽ xảy ra”.
Người dân xây dựng tràn lan. Chính quyền cũng xây dựng ồ ạt mà bỏ qua tác động môi trường. Theo báo The Hindu, vào năm 2016, Chardham Mahamarg Vikas Pariyojna, một dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ dài 900 km mở rộng đường thành làn đường đôi với thiết kế lề đường trải nhựa (DLPS) dài 12m đã được triển khai ở vùng Garhwal và một đoạn ngắn ở Kumaon, bang Uttarakhand. Dự án đã làm mất đi hàng trăm ha cây rừng và lớp đất mặt màu mỡ của dãy Himalaya.
Theo luật, dự án dài hơn 100km cần phải thông qua báo cáo tác động môi trường. Tuy nhiên, trong trường hợp này, dự án lớn Chardham Mahamarg Vikas Pariyojna được chia thành 53 dự án nhỏ, mỗi dự án dài dưới 100km, do đó đã né được các yêu cầu đánh giá tác động môi trường.
Những công trình xây dựng hạ tầng đồ sộ như thế, dù đem lại lợi ích kinh tế, nhưng cũng khiến môi trường mong manh của Himalaya bị ảnh hưởng không nhỏ. Nishant Saxena, nhà bình luận xã hội của tờ Times of India nhận định, Uttarakhand và Himachal Pradesh đã trở thành “những thước đo về thất bại về chính sách, cả trong quá trình đô thị hóa không được kiểm soát và ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Trong khi đó, Izabella Koziell, phó tổng giám đốc ICIMOD, cho biết một cách gián tiếp, sự tan chảy của nguồn dự trữ nước ngọt khổng lồ như vậy sẽ “được cảm nhận trên khắp thế giới”. Bởi nước từ các sông băng tan góp phần làm mực nước biển dâng cao, nên sự mất băng ở dãy Himalaya cũng làm tăng thêm mối đe dọa ngập lụt và các vấn đề liên quan cho các cộng đồng ven biển trên khắp thế giới.