Việt Nam đang chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, nắng nóng kỷ lục nhiều nơi, mưa lớn gây ngập lụt khủng khiếp, thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Theo lịch Vạn niên, còn hơn 1 tuần nữa mới lập Hạ (ngày 5/5/2024), tuy nhiên, nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng gay gắt, dông lốc, mưa đá... liên tục xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước trong gần 1 tháng qua, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Tần suất xuất hiện những hiện tượng thời tiết cực đoan do tác động của biến đổi khí hậu như này đang nhiều hơn. 

Biến đổi khí hậu đã hiện hữu trước mắt mỗi người Việt, diễn ra hàng ngày hàng giờ, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, hoạt động sản xuất của nhiều gia đình, người dân, ảnh hưởng đến các vấn đề nông nghiệp, nguồn nước, môi trường và sinh thái hệ, kinh tế, xã hội.

Biến đổi khí hậu: Không phải tận đẩu đâu, ở ngay trước mặt mỗi người Việt rồi - 1
 

Báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Tuyên Quang, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Sơn La, Phú Thọ và Quảng Ninh, thiệt hại do mưa kèm theo dông, lốc xảy ra từ đêm 19/4 đến ngày 22/4 rất nặng nề.

Mưa đá, dông lốc khiến bé gái 5 tuổi ở huyện Đồng Văn (Hà Giang) tử vong do sập nhà và hàng chục người bị thương ở Yên Bái, Phú Thọ, Cao Bằng.

Biến đổi khí hậu: Không phải tận đẩu đâu, ở ngay trước mặt mỗi người Việt rồi - 2

Trận mưa đá xảy ra vào chiều 24/4 tại huyện Vân Hồ (Sơn La) gây thiệt hại tài sản cho người dân.

Bên cạnh đó, trận dông lốc trên khu vực biển ở Quảng Ninh lúc 1h ngày 21/4 khiến tàu đánh cá của ngư dân bị chìm, 4 người may mắn được lực lượng chức năng cứu và đưa vào bờ an toàn, 4 người mất tích. Đến chiều 23/4, thi thể 3 ngư dân được tìm thấy.

Trong khi đó, Ninh Thuận, Bình Thuận đang cao điểm hạn hán, nhiều hồ cạn trơ đáy, cá chết khô, người dân khó khăn trong cuộc sống và sản xuất nông nghiệp. 

Ngày 17/4, đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ thông tin về tình hình xâm nhập mặn tại khu vực Tây Nam Bộ trong những ngày tới. Theo đó, do nắng nóng vẫn gay gắt cộng thêm việc nguồn nước từ thượng nguồn thấp nên xâm nhập mặn vẫn tiếp tục xảy ra ở Tây Nam Bộ.

Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ đánh giá từ đầu năm tới nay, trên toàn khu vực Nam Bộ nói chung và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói riêng rất ít mưa, nhiệt độ tăng, nắng nóng xuất hiện sớm và kéo dài, bốc hơi mạnh, khô hạn xảy ra trên diện rộng. Đồng thời, nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông chảy về sông Cửu Long thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Tình trạng này khiến cho nhiều tỉnh thành đang thiếu nước cho sinh hoạt, sản xuất. Ở Cà Mau, các sông kênh, rạch khô kiệt, kèm theo là hiện tượng sụt lún, sạt lở đất. Tình hình xâm nhập mặn diễn ra gay gắt, vào sâu nội đồng.

Biến đổi khí hậu: Không phải tận đẩu đâu, ở ngay trước mặt mỗi người Việt rồi - 3

Những hồ nuôi của người dân huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận cạn nước, cá chết la liệt. (Ảnh: Nguyễn Gia)

Nắng nóng gay gắt trên 40 độ C cũng xảy ra tại hàng loạt địa phương trong những ngày qua. Có thể kể đến ngày 14/4, nhiều nơi ở Bắc Bộ và Trung Bộ quan trắc được nhiệt độ cao nhất trên 40 độ C như: Sông Mã (Sơn La) 41 độ C, Mường Lay (Điện Biên) 40 độ C, Tương Dương (Nghệ An) 40,3 độ C... Trong đó, Yên Châu (Sơn La) ghi nhận nhiệt độ cao nhất ngày là 42,2 độ C. 

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, thời kỳ từ 21/3-20/4, nhiệt độ trung bình tại Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ phổ biến cao hơn 2-3 độ C, có nơi cao hơn 3-4 độ C, các khu vực còn lại phổ biến cao hơn 1-2 độ C so với trung bình nhiều năm.

Trong các đợt nắng nóng xảy ra thời gian này, một số trạm khí tượng ghi nhận được nhiệt độ cao nhất tuyệt đối ngày vượt giá trị lịch sử và thiết lập giá trị nhiệt độ cao nhất trong chuỗi số liệu quan trắc được.

Từ 1-20/4, nhiệt độ cao nhất ngày 3/4 ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) ghi nhận 40,5 độ C, vượt lịch sử 40,4 độ C vào năm 2016. Biên Hoà (Đồng Nai) ngày 9/4, nhiệt độ cao nhất ngày là 40 độ C, cao hơn 1 độ C so với giá trị lịch sử quan trắc được tháng 4/2020...

Biến đổi khí hậu: Không phải tận đẩu đâu, ở ngay trước mặt mỗi người Việt rồi - 4
 

Bình luận về những hiện tượng thời tiết dị thường, ông Nguyễn Hồng Sinh - Phó Giám đốc Đài khí tượng thuỷ văn Hải Phòng lấy ví dụ cụ thể về biến đổi khí hậu tại Hải Phòng.

Ông Sinh cho biết Hải Phòng là thành phố ven biển thuộc khu vực Đông Bắc Bộ, trong những năm gần đây, thành phố này chịu ảnh hưởng rõ rệt của biến đổi khí hậu.

Điều này thể hiện qua những đợt rét đậm, rét hại kéo dài và bất thường, cùng với đó là nền nhiệt độ mùa hè ghi nhận cao lịch sử. Bão và áp thấp nhiệt đới cùng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm tần suất xuất hiện nhiều hơn và cường độ mạnh hơn.

Ông Sinh dẫn ra một số trường hợp điển hình như tháng 1/2016, Hải Phòng ghi nhận đợt rét hại lịch sử kéo dài trong 6 ngày từ 23-28/1. Giá trị nhiệt độ thấp nhất trong lịch sử quan trắc được vào ngày 24/1 tại trạm Khí tượng Phù Liễn là 4,5 độ C.

Ngày 3/6/2017, Hải Phòng ghi nhận nắng nóng đặc biệt gay gắt với giá trị nhiệt độ cao nhất đạt ngưỡng lịch sử lên tới 39,5 độ C.

Đêm giao thừa năm 2020 (24/1/2020), mưa đá xuất hiện ở vùng núi phía Bắc từ trưa chiều, đến đêm cùng ngày và sang sáng sớm 25/1, trung du và ven biển (trong đó có Hải Phòng) xuất hiện mưa đá. Sang ngày 25/1 (mùng 1 Tết Nguyên đán), Hải Phòng mưa to đến rất to.

"Đây là hiện tượng hiếm gặp trong ngày đầu năm mới", ông Nguyễn Hồng Sinh đánh giá.

Biến đổi khí hậu: Không phải tận đẩu đâu, ở ngay trước mặt mỗi người Việt rồi - 5
Biến đổi khí hậu: Không phải tận đẩu đâu, ở ngay trước mặt mỗi người Việt rồi - 6

Rét đậm rét hại kéo dài và bất thường, nhiệt độ mùa hè ghi nhận cao lịch sử... là những biểu hiện rõ rệt của biến đổi khí hậu. (Ảnh minh họa: Khổng Chí - Ngô Nhung)

Biến đổi khí hậu: Không phải tận đẩu đâu, ở ngay trước mặt mỗi người Việt rồi - 7
 

Theo phân tích của TS Vũ Văn Thăng (Giám đốc Trung tâm Khí tượng Khí hậu - Viện Khoa học Khí tượng thuỷ văn và biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường), Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. 

Thời gian qua, dưới tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng khốc liệt hơn, gia tăng cả về cường độ lẫn tần suất. Nắng nóng kỷ lục nhiều nơi ở miền Bắc, mưa lớn gây trượt lở đất nhiều nơi ở Bắc Bộ, Tây Nguyên, sạt lở bờ sông, bờ biển ở khu vực Nam Bộ.

Biến đổi khí hậu tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội như nông nghiệp, nguồn nước, môi trường và sinh thái hệ, kinh tế, xã hội.

Theo thống kê, trong năm 2020, cả nước có 16/22 loại hình thiên tai, với 14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ); 120 trận lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất; 265 trận dông, lốc, sét... làm 357 người chết và mất tích, tổng thiệt hại trên 39.962 tỷ đồng.

Năm 2021, cả nước có 18/22 loại hình thiên tai với 12 cơn bão và ATNĐ trên Biển Đông; 258 trận dông, lốc, mưa lớn; 310 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; 191 vụ sạt lở bờ sông, bờ biển; 14 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển và 2 đợt nắng nóng diện rộng. Thiên tai năm 2021 làm 108 người chết, mất tích, 95 người bị thương; ước tính thiệt hại hơn 5.200 tỷ đồng.

Biến đổi khí hậu: Không phải tận đẩu đâu, ở ngay trước mặt mỗi người Việt rồi - 8
 

Năm 2022, cả nước xảy ra 21/22 loại hình thiên tai (trừ sóng thần), với 9 cơn bão và ATNĐ trên Biển Đông. Mưa lớn kéo dài ở miền Bắc gây sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, ngập lụt đô thị, khu công nghiệp (tháng 4,5,6).

Cũng trong năm này, tại miền Trung, liên tiếp 3 cơn bão đổ bộ và mưa lũ sau bão gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Trong đó, bão số 4 (Noru) đạt cường độ mạnh nhất, cấp 14-15, giật cấp 17, gần đạt cấp siêu bão trên Biển Đông, ngày 28/9 đã gây mưa rất lớn tại các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ và từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi, riêng Nghệ An mưa rất lớn đạt 300-500mm.

Cùng với đó, mưa lớn sau bão số 5 gây lũ trên báo động 3 trên các sông từ Quảng Bình – Thừa Thiên Huế; ngập lụt đặc biệt nghiêm trọng, có nơi tới 1,5-2m tại Đà Nẵng. Triều cường, kết hợp gió mạnh trên biển gây sóng lớn 1,5-2m tại khu vực biển Tây gây tràn và sạt lở đê biển Tây, tỉnh Cà Mau. Nhiều trận động đất xảy ra liên tiếp trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum…

Thiên tai năm 2022 làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng.

Trong năm 2023, cả nước xảy ra 21/22 loại hình thiên tai với 5 cơn bão và 3 ATNĐ trên Biển Đông; 179 trận mưa lớn, ngập lụt, lũ, lũ quét, sạt lở đất; 87 trận dông lốc, sét, mưa đá; 342 vụ sạt lở bờ sông, bờ biển; 334 trận động đất; 20 đợt nắng nóng diện rộng, nhiều nơi có nhiệt độ vượt lịch sử, trong đó nhiệt độ 44,2 độ C tại Tương Dương (Nghệ An) vào 7/5/2023 thiết lập kỷ lục mới cho Việt Nam. Thiên tai làm 169 người chết và mất tích, thiệt hại khoảng 8.236 tỷ đồng.

Còn theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, những năm qua ở nước ta, các hiện tượng khí hậu cực đoan tiếp tục được ghi nhận với cường độ mạnh hơn và tần suất cao hơn.

Số liệu quan trắc trong 60 năm (1958 - 2018) cho thấy, nhiệt độ trung bình năm trên cả nước tăng khoảng 0,89 độ C, lượng mưa giảm ở các khu vực phía Bắc từ 1-7% và tăng ở các khu vực phía Nam từ 6-21%, số lượng các cơn bão mạnh tăng, nhiệt độ ngày cao nhất và thấp nhất tăng.

Số liệu quan trắc cũng chỉ ra số ngày nóng tăng ở hầu hết các khu vực; hạn hán gia tăng trên phạm vi toàn quốc; số ngày rét đậm, rét hại giảm; mưa cực đoan tăng; mực nước biển trung bình của các trạm ven biển và hải đảo tăng 2,74 mm/năm, trong đó giai đoạn 1993 - 2018 tăng 3,0 mm/năm.

Biến đổi khí hậu: Không phải tận đẩu đâu, ở ngay trước mặt mỗi người Việt rồi - 9
 

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, năm 2024, nắng nóng đến sớm, số đợt nắng nóng có thể nhiều và gay gắt hơn trung bình nhiều năm. Mùa hè năm nay, các tỉnh, thành trên toàn quốc xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt. Trọng tâm nắng nóng ở Bắc Bộ rơi vào tháng 5, tháng 6, Trung Bộ nắng nóng có thể kéo dài sang tháng 7, tháng 8.

Tại Tây Nguyên và Nam Bộ khả năng kéo dài đến khoảng nửa đầu tháng 5/2024. 

Khô hạn ở Tây Nguyên và Nam Bộ dự báo kéo dài đến khoảng nửa đầu tháng 5/2024. Trung Bộ, khô hạn khả năng xuất hiện và kéo dài trong thời kỳ từ nửa cuối tháng 4-7/2024. Trong đó, khô hạn tại Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ có thể còn duy trì trong tháng 8/2024.

Bình luận về vấn đề này, ông Hoàng Phúc Lâm – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, diễn biến của ENSO sẽ khiến tình hình thiên tai trong năm 2024 chịu ảnh hưởng của cả hiện tượng El Nino nửa đầu năm và hiện tượng La Nina nửa cuối năm.

Theo ông Lâm, từ khoảng cuối tháng 6/2024, mùa bão trên Biển Đông có thể bắt đầu. Mùa bão năm nay sẽ chịu ảnh hưởng chính của pha La Nina. Do đó, bão sẽ tập trung nhiều hơn vào các tháng cuối năm (từ khoảng tháng 9 đến tháng 11).

Cùng với việc bão tập trung vào cuối năm thì mưa lớn cũng sẽ xảy ra nhiều ở Trung Bộ, đặc biệt Trung và Nam Trung Bộ.

Với kịch bản La Nina xuất hiện, phát triển như dự báo và bắt đầu tác động đến nước ta vào đúng thời kỳ mưa, bão tập trung ở Trung Bộ nên có thể mùa bão, mưa, lũ trong nửa cuối năm 2024 sẽ có nhiều diễn biến phức tạp cần phải lưu ý ứng phó.

https://vtcnews.vn/bien-doi-khi-hau-khong-phai-tan-dau-dau-o-ngay-truoc-mat-moi-nguoi-viet-roi-ar867002.html

Nguyễn Huệ / VTC News