Biến đổi khí hậu xảy ra trên phạm vi toàn cầu, ngày càng phức tạp, gây tác động mạnh mẽ đến sự sống trên trái đất. Biến đổi khí hậu làm tăng thiên tai, thảm họa, bão, lũ lụt, hạn hán, động đất, sóng thần… Việt Nam đứng thứ 5 trong các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Trong những năm gần đây, bão lũ liên tục xảy ra với tần suất dày hơn, thậm chí còn xuất hiện “lũ chồng lũ”, “bão chồng bão” gây những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
- Hậu quả của biến đổi khí hậu: Các nước đang phát triển ''tổn thương'' nhiều nhất
- Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu: Trở ngại hiện hữu
Vậy làm thế nào để thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước quan tâm. Để hiểu rõ thêm về vấn đề này, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Quang - Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
PV: Trong những năm gần đây, cụm từ “biến đổi khí hậu” không còn mang ý nghĩa cảnh báo mà đã hiện hữu trong đời sống. Xin ông cho biết, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến nước ta thế nào, gây ra những hậu quả gì?
Ông Nguyễn Đức Quang: Chúng ta đều biết, biến đổi khí hậu xảy ra trong những năm gần đây đã gây rất nhiều thiệt hại trên toàn cầu. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu do có bờ biển dài. Nếu nước biển dâng 1m, 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 10% diện tích đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập, ảnh hưởng trực tiếp đến 20-30 triệu người dân.
Tác động của biến đổi khí hậu đến Việt Nam rất nghiêm trọng, là nguy cơ hiện hữu đối với mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Theo số liệu cập nhật mới nhất, chỉ tính riêng từ đầu năm tới nay, thiên tai đã khiến 148 người chết, mất tích. Tổng thiệt hại ước tính trên 11.500 tỷ đồng. Diễn biến thiên tai năm nay có những dấu hiệu bất thường, không theo chu kỳ, là thể hiện rõ ràng nhất của biến đổi khí hậu. Mưa đặc biệt lớn, trong đó có mưa cục bộ ở nhiều khu vực vượt giá trị lịch sử; mưa trái mùa một số khu vực như mưa sớm hơn và mưa muộn cuối vụ (sau khi các hồ chứa đã tích đầy nước).
Bão lớn trên cấp 11-12 thường xuyên xảy ra và trái quy luật, kể cả về thời gian hình thành và khu vực đổ bộ. Lũ lớn cũng xảy ra thường xuyên, thời gian có thể xảy ra ngay từ đầu năm và kéo dài đến cuối năm ở các vùng miền. Hạn hán trên diện rộng, kéo dài tại các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Trong thời gian tới, theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia có 3 đến 5 cơn bão trên biển Đông, trong đó có 2 đến 3 cơn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền và tình hình mưa lũ ở miền Trung còn diễn biến phức tạp.
PV: Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai 13/10 năm nay được Đại hội đồng Liên hợp quốc lấy chủ đề: “Cảnh báo sớm và hành động sớm cho mọi người”. Với một quốc gia như Việt Nam, nhiều năm nay chúng ta cũng đã thực hiện việc “cảnh báo và hành động sớm” để chủ động giảm nhẹ những thiệt hại do thiên tai gây ra. Xin ông cho biết cụ thể những biện pháp đó là gì?
Ông Nguyễn Đức Quang: Kinh nghiệm thực tiễn ứng phó thiên tai những năm qua tại Việt Nam cho thấy, hoạt động cảnh báo sớm để có những phản ứng nhanh đã góp phần chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời và hiệu quả khi thiên tai xảy ra, bất cứ ở vùng địa lý nào và đối với loại hình thiên tai nào. Chính phủ đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống thiên tai.
Trong ứng phó với cơn bão số 4 cuối tháng 9/2022 (tên quốc tế là NORU), Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường 24h/24h, các địa phương chủ động tuyên truyền, sơ tán dân khỏi những khu vực nguy cơ cao và thực hiện các giải pháp hành động quyết liệt phòng ngừa, thậm chí đã thử nghiệm cứu trợ sớm dựa trên dự báo cho nhân dân ở một số địa điểm dự kiến chịu ảnh hưởng của bão (tại Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế). Do vậy, cho dù bão số 4 được dự báo là bão lớn, nhưng thiệt hại đã được giảm thiểu ở mức tối đa (đặc biệt là không có người chết khi bão đổ bộ vào đất liền).
Từ kinh nghiệm trên cho thấy, hoạt động cảnh báo sớm để có những hành động sớm đã góp phần chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời và hiệu quả khi thiên tai xảy ra, bất cứ ở vùng địa lý nào và đối với loại hình thiên tai nào. Chúng ta cũng đã tăng thời hạn dự báo thiên tai sớm hơn như bão được tăng lên đến 120 giờ (5 ngày), áp thấp nhiệt đới tăng lên 72 giờ (3 ngày); ban hành bản tin sớm hơn từ 30 phút đến 1 giờ để các cơ quan phòng chống thiên tai và người dân có thêm thời gian ứng phó thiên tai.
Các địa phương đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ theo hướng sản xuất thích ứng với thiên tai, nhất là giảm diện tích trồng lúa tại đồng bằng sông Cửu Long hoặc thu hẹp diện tích lúa vụ 3 tại các tỉnh miền Trung, nhờ đó đã hạn chế ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn và lũ lụt. 200 trọng điểm đê, kè từ cấp III đến cấp đặc biệt và gần 7.000 hồ chứa thủy lợi, thủy điện cũng đã được đảm bảo an toàn; bàn giao 4.000 căn nhà an toàn chống chịu bão, lũ thông qua dự án Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu…
PV: Tuyên tuyền là biện pháp mà rất nhiều năm nay chúng ta đã thực hiện. Tuy nhiên, năm nào cũng vẫn có những trường hợp đáng tiếc xảy ra do chủ quan. Thậm chí có những nơi, trước giờ bão đổ bộ, bà con kéo ra bờ biển xem bão đông như trảy hội. Vậy theo ông, cần có những biện pháp cụ thể nào và hiệu quả hơn cho công tác tuyên truyền để người dân hiểu mà chủ động phòng, tránh rủi ro thiên tai?
Ông Nguyễn Đức Quang: Tôi muốn gửi tới bà con, những người dân đang sinh sống tại vùng thường xuyên xảy ra thiên tai thông điệp: Đó là bà con phải thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin cảnh báo về thiên tai… để biết tình hình thiên tai xảy ra như thế nào để kịp thời phòng tránh. Bà con cần tích lũy, dự trữ những nhu yếu phẩm cần thiết để khi xảy ra thiên tai sẽ có sẵn, chủ động sử dụng, không phải chờ đợi; không được chủ quan, lơ là, không đi qua những ngầm tràn, nước sâu, chảy xiết, câu cá, vớt củi hoặc không lưu thông ngoài đường khi bão đổ bộ.
Đặc biệt, cần chấp hành nghiêm sự hướng dẫn, chỉ đạo của chính quyền cũng như cơ quan chuyên môn khi ứng phó với thiên tai. Ví dụ như việc phải sơ tán đến nơi an toàn để bảo đảm tính mạng. Bên cạnh đó, bà con cũng phải nâng cao năng lực của bản thân về nhận thức, kỹ năng phòng chống thiên tai. Cụ thể như sinh sống ở vùng thường xảy ra loại hình thiên tai nào thì bà con phải hiểu được và có kỹ năng phòng tránh thiên tai đó. Ví dụ ở vùng xảy ra ngập lụt thì phải trang bị tàu thuyền hoặc tập bơi, đây là những kỹ năng cần thiết để ứng phó với thiên tai.
Cần phải đẩy mạnh tuyên truyền để người dân chủ động ứng phó như chằng chống nhà cửa trước khi bão đổ bộ (một số bà con đến sát giờ mới chằng chống thì rất dễ xảy ra tai nạn). Do đó, bây giờ chúng ta phải chủ động hơn nữa trong những việc này để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Tuyên truyền cần đồng bộ ở các cấp, các địa phương nhưng nên chú trọng đến nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng trong phòng chống thiên tai, vì người dân địa phương hiểu rõ nhất về cộng đồng của họ, biết các thuận lợi, khó khăn, thách thức và nhu cầu của mình khi thiên tai xảy ra cũng như biết cách huy động và gắn kết các thành viên trong cộng đồng với nhau.
Các địa phương cần tuyên truyền, tập huấn cho người dân về công tác phòng chống thiên tai. Tổ chức thường xuyên các lớp đào tạo, tập huấn, giúp cộng đồng hiểu rõ bản chất rủi ro thiên tai. Điều này sẽ giúp hộ gia đình chủ động chuẩn bị phòng ngừa, ứng phó khi có thiên tai xảy ra nhằm bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản, các đối tượng dễ bị tổn thương. Chính quyền địa phương cần theo sát, nắm bắt nhu cầu của người dân để có chỉ đạo sâu sát, cụ thể hơn. Qua đó, người dân sẽ có thái độ, hành vi tích cực hơn trong việc hợp tác, thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn của chính quyền như chủ động các biện pháp phòng tránh ngay từ khi nhận được tin cảnh báo; sẵn sàng di dời đến nơi an toàn theo lệnh của chính quyền, không ở lại trên lồng bè khi bão đổ bộ …
Việc nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng cũng giúp phát huy hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống thiên tai. Tuy vậy, phương châm này ở mỗi một giai đoạn, mỗi cấp, mỗi vùng, đòi hỏi có những đặc điểm khác nhau thì mới đáp ứng được yêu cầu. Sau mỗi trận thiên tai xảy ra, cần tổng kết, xây dựng các bài học kinh nghiệm; phổ biến, tuyên truyền kịp thời tới cộng đồng để không bị lặp lại thiệt hại khi xảy ra các thiên tai tương tự. Đặc biệt, các đơn vị cần đưa kiến thức phòng chống thiên tai vào giảng dạy tại cấp học trong nhà trường để các em học sinh nâng cao nhận thức và ứng phó kịp thời khi xảy ra thiên tai.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!