"CPTPP sẽ có tác động lớn đối với hồ sơ Biển Đông vì khi lợi ích chung của 11 nước thành viên và các đồng minh của họ bị đe doạ thì họ sẽ có những quyết định..."
Sau những diễn biến đàm phán khá kịch tính, bộ trưởng các nước thành viên Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong cuộc gặp mặt tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) ở Đà Nẵng đã đồng ý đổi tên TPP thành tên gọi mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Về cấu trúc, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản - Toshimitsu Motegi cho biết hiệp định mới sẽ tích hợp TPP, đình chỉ thực hiện 20 điều khoản trong hiệp định ban đầu, bổ sung các quy định về tính hiệu lực, quy trình rút lui, gia nhập, rà soát lại CPTPP trong tương lai. Thỏa thuận có giá trị tương đương TPP 12 và sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi được ít nhất sáu nước thông qua.
Đây được coi là một bước tiến lớn sau khi hiệp định này đối mặt nguy cơ tan vỡ với sự rút lui của Mỹ.
Trao đổi với Chuyên trang Tuần Việt Nam/ Báo VietNamNet, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, chuyên gia quan hệ quốc tế, Khoa Lịch sử, Đại học Maine (Mỹ), nhận định CPTPP có vai trò rất quan trọng đối với an ninh, không những cho các nước thành viên mà còn cho nhiều nước khác trong khu vực và trên thế giới.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long, chuyên gia quan hệ quốc tế, Khoa Lịch sử, Đại học Maine (Mỹ). |
Quyết tâm “đi đến cùng” của thành viên TPP-11
Theo quan điểm của giáo sư, việc CPTPP được thông qua vào phút cuối tại APEC Đà Nẵng sau khi Mỹ rút lui từ trước và Canada cũng suýt “bỏ cuộc” cho thấy hàm ý gì khi soi chiếu vào vai trò của Hiệp định này?
Giáo sư Ngô Vĩnh Long: Tôi không nghĩ là CPTPP chỉ được thông qua ở phút cuối cùng. Sau khi Mỹ rút khỏi TPP thì các nước còn lại vẫn quyết tâm tiếp tục đàm phán và sửa đổi cho thích hợp hơn vì lợi ích chung. Mỹ là nước lớn nhất và mạnh nhất trong 12 nước đã đồng ý ký TPP, cho nên Mỹ đã đặt rất nhiều điều kiện cho các nước còn lại trên một loạt các vấn đề kinh tế, thương mại, xã hội, quyền lao động và quyền con người, v.v…
Chúng ta nên chú ý là ngoài các vấn đề mới vừa nêu ở trên, TPP (tên mới là CPTPP) còn có vai trò rất quan trọng đối với an ninh, không những cho các nước thành viên mà còn cho nhiều nước khác trong khu vực và trên thế giới nữa. Người ta không đề cao trước công chúng vấn đề này vì nhiều lý do, trong đó có lý do Trung Quốc đã cho rằng TPP là một hình thức Mỹ vận động các nước thành viên để bao vây mình.
Còn việc đồn đại Canada suýt bỏ cuộc có thể do họ muốn thể hiện chần chừ để chứng tỏ cho dân chúng trong nước là chính phủ đã làm tất cả những việc có thể được cho đến phút chót để bảo vệ quyền lợi cho công dân họ.
Việc đổi tên Hiệp định có ý nghĩa như thế nào đối với tinh thần, nội dung của Hiệp định?
Việc đổi tên thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cho thấy rất rõ ràng rằng 11 nước còn lại (khi không có sự tham gia của Mỹ - PV) muốn chứng tỏ quyết tâm của họ để đi xa hơn TPP trong một số lĩnh vực, đặc biệt là trong việc giúp cho các nước đang đuối hơn có thêm thời gian để chuẩn bị.
Ảnh hưởng mạnh mẽ đến vấn đề an ninh
TPP không chỉ đổi tên thành CPTPP mà còn “treo 20 điều từ TPP”, thêm một vài nội dung mới để “phù hợp hơn”. Như vậy theo Giáo sư, hiệu quả của CPTPP đối với các quốc gia thành viên, đặc biệt là Việt Nam sẽ thay đổi ra sao?
Như tôi đã đề cập, việc “treo 20 điều từ TPP” cũng như thêm một vài nội dung mới là để cho cân bằng và công bằng hơn. Khi còn TPP thì người ta cho rằng Việt Nam là nước hưởng lợi nhất vì được Mỹ ưu ái. Nhưng tôi nghĩ quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đã có những bước tiến rất quan trọng những năm qua thì không có lý do gì CPTPP sẽ có ảnh hưởng bất lợi cho Việt Nam trong quan hệ song phương. Mặt khác Mỹ cần có vai trò của Việt Nam trong tổ chức này để giúp bảo vệ quyền lợi và an ninh chung.
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Motegi trong buổi họp báo sáng 11/11 thông báo việc đạt được thỏa thuận cơ bản cho TPP-11. Ảnh: Tiến Tuấn/ Zing.vn |
Có thể thấy vai trò của Nhật Bản, Úc và cả Việt Nam là nổi bật trong các cuộc đàm phán, nhất là Nhật Bản và Úc với vai trò vận động hành lang rất tích cực và hiệu quả. Theo ông, tại sao cả Nhật Bản và cả Việt Nam lại rất quyết tâm trong việc tìm kiếm một thỏa thuận chung về CPTPP?
Đối với Nhật Bản và Việt Nam thì một thoả thuận chung về CPTPP có ảnh hưởng rất lớn trong vấn đề an ninh, đặc biệt là trong khu vực Tây Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng. Hiện nay các tổ chức khu vực như APEC hay ASEAN không phải là những nơi có thể dễ dàng đem những vấn đề an ninh ra bàn để đi đến những quyết định chung.
Vì APEC là một tổ chức quá rộng và có quá nhiều lợi ích khác nhau. Còn ASEAN với phương thức “đồng thuận” thì khó có thể đi đến đồng thuận, đặc biệt là nếu một vài nước thành viên bị nước ngoài làm áp lực hay bị mua chuộc.
Một tổ chức như CPTPP với 11 nước thành viên có những lợi ích chung trên bình diện kinh tế và an ninh thì có thể đàm phán và quyết định các vấn đề dễ dàng hơn. Nhật Bản là nước đồng minh lớn nhất và mạnh nhất trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Còn Việt Nam là nước có lãnh thổ và lãnh hải dài nhất trong khu vực Biển Đông. Cho nên hai nước này có vai trò nhất định trong các lĩnh vực kinh tế và an ninh đối với tất cả các nước cần trao đổi kinh tế và lưu thông hàng hải trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Việc CPTPP được thông qua ảnh hưởng thế nào đến kiến trúc quyền lực của khu vực, đặc biệt khi thiếu vắng Mỹ và đại dự án "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc khởi xướng đang vận hành rầm rộ?
Mỹ đã là một nước mạnh trong hơn một thế kỷ qua phần lớn là do mạnh trên biển. Để duy trì sức mạnh, Mỹ không thể thiếu vắng trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Đặc biệt là vì Mỹ đã bỏ ra rất nhiều sức người và sức của để tham gia bốn cuộc chiến tranh lớn trong khu vực để bảo vệ lợi ích của Mỹ.
“Một vành đai, một con đường” là một thách thức đối với Mỹ cũng như với một số đồng minh của nước này trong khu vực. Một số nước nhỏ trong khu vực thấy một số lợi ích trước mắt từ Trung Quốc, nhưng về lâu về dài những nước này có thể sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực trên bình diện xã hội, kinh tế và an ninh và không chắc gì họ sẽ vẫn hồ hởi như hiện nay.
Đối với Trung Quốc thì những con đường trên bộ có những lợi ích về chính trị nhất thời, nhưng thật ra trong lĩnh vực kinh tế thì lợi ích rất nhỏ so với vận chuyển hàng hoá trên biển và trên không. Do đó, nếu Trung Quốc thách thức Mỹ trên biển - từ Thái Bình Dương qua đến Ấn Độ Dương - và đe doạ các nước khác trong và ngoài khu vực thì không những Mỹ sẽ phản ứng mà các nước khác cũng sẽ có những thái độ khác hơn đối với Trung Quốc.
CPTPP có tác động như thế nào đến vấn đề tranh chấp Biển Đông, thưa giáo sư?
CPTPP sẽ có tác động lớn đối với hồ sơ Biển Đông vì khi lợi ích chung của 11 nước thành viên và các đồng minh của họ bị đe doạ thì họ sẽ có những quyết định tích cực hơn so với những tổ chức khu vực như APEC và ASEAN từ trước đến nay. Có thể lúc đó Mỹ cũng sẽ phải xin gia nhập CPTPP để dùng số đông bảo vệ lợi ích của chính mình.
Hiện nay không có sự hiện diện của Mỹ như là một thành viên chưa chắc đã là một bất lợi chính trị. Vì như đã đề cập ở trên, Trung Quốc đã quảng bá rầm rộ khi Mỹ chưa rút khỏi TPP là Mỹ sử dụng các nước thành viên bao vây Trung Quốc. Không có “cái cớ” nước Mỹ, Trung Quốc sẽ khó chống lại CPTPP hơn.
Xin cảm ơn Giáo sư đã dành thời gian cho Tuần Việt Nam/báo VietnamNet.
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh tiết lộ chuyện hậu trường APEC Phó thủ tướng Phạm Bình Minh chia sẻ những khó khăn Việt Nam phải đối mặt và vượt qua để tổ chức thành công tuần ... |
Phóng viên quốc tế tại APEC: \'TPP kịch tính như phim dài tập\' Hiệp định tự do thương mại TPP 11 trở thành vấn đề nóng với nhiều kịch tính đối với các phóng viên có mặt tại ... |
\'TPP không có Mỹ\': Việt Nam mong đợi điều gì? 11 nước đã thống nhất tên gọi mới cho Hiệp định TPP sau khi Mỹ rút lui là Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện ... |
(http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/bien-dong-an-ninh-khu-vuc-sau-kich-tinh-tpp-410894.html)