Sự lây lan chóng mặt của biến thể Delta có thể sẽ đẩy ngưỡng đạt miễn dịch cộng đồng lên trên 80% và thậm chí là gần 90%.

Kết luận này được đưa ra trong cuộc họp báo của Hiệp hội các bệnh truyền nhiễm Mỹ hôm 3/8.

Richard Franco, giáo sư tại Đại học Alabama cho biết con số này cao hơn nhiều so với ước tính trước đây là 60% đến 70% bởi biến thể Delta có khả năng lan truyền gấp đôi.

"Rõ ràng đây là một loại virus rất nguy hiểm, nguy hiểm hơn cả chủng ban đầu", ông Franco cho hay.

Dữ liệu mới cho thấy biến thể Delta có mức độ lây lan cao, nguyên nhân chủ yếu là do người nhiễm mang tải lượng virus ở khoang mũi lớn gấp 1.000 lần so với người nhiễm chủng SARS-CoV-2 ban đầu.

Biến thể Delta đẩy ngưỡng đạt miễn dịch cộng đồng lên 80-90% - 1
Biến thể Delta đẩy ngưỡng đạt miễn dịch cộng đồng lên cao. (Ảnh: Bloomberg)

Tài liệu nội bộ của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ chỉ ra rằng biến thể Delta lây lan dễ dàng như bệnh thủy đậu và gây bệnh nặng hơn. Theo đó, trung bình mỗi người nhiễm biến thể Delta sẽ lây nhiễm cho 8 tới 9 người. Trong khi đó, chủng SARS-CoV đời đầu chỉ lây lan tương đương với bệnh cúm thông thường khi trung bình một người nhiễm sẽ lây lan virus cho khoảng 2 người khác.

Miễn dịch cộng đồng dựa trên khái niệm một tỷ lệ dân số nhất định được tiêm vaccine ngừa bệnh hoặc đạt được miễn dịch sau khi khỏi bệnh sẽ giúp bảo vệ cộng đồng dân số rộng lớn hơn và giảm lây nhiễm.

Hồi cuối tháng 6, giới chức y tế Trung Quốc cho biết họ có thể phải tiêm phòng 80-85% dân số để đủ khả năng tạo miễn dịch cộng đồng, thay vì mục tiêu ban đầu là 70%.

Theo Shao Yiming, chuyên gia dịch tễ của Trung Quốc, việc nâng cao các con số xuất phát từ các yếu tố như khả năng lây truyền của virus và tỷ lệ bảo vệ của vaccine.

"Vì vaccine không bảo vệ được người tiêm 100% nên cần tăng từ con số 66% lên 80-85%. Với dân số của Trung Quốc là 1,4 tỷ dân, hơn 1 tỷ người cần được tiêm chủng để đạt được miễn dịch cộng đồng", ông Shao nói.

/ vtc.vn