Có biết bao câu chuyện “dở khóc dở cười” mỗi dịp Halloween đến. Có thể nói, lễ hội có nguồn gốc phương Tây này ngày càng trở nên biến tướng và lai căng tại Việt Nam. Nhiều người tham gia lễ hội nhưng hoàn toàn không hiểu bản chất, ý nghĩa mà chỉ đơn giản là “đú trend”. Và họ sẵn sàng chi ra cả chục triệu đồng để hóa trang theo phong trào sao cho nổi bật nhất, rùng rợn nhất có thể.
Vay mượn và biến tướng
Theo thống kê, nước ta một năm có khoảng 8.000 lễ hội, trung bình mỗi ngày trải dài từ Bắc vào Nam có hơn 20 lễ hội, các lễ hội đều thể hiện đậm nét văn hóa đặc trưng của từng địa phương, vùng miền. Các lễ hội ấy đề cao tính nhân văn, hướng thiện, khơi dậy lòng trắc ẩn, hướng tới cuộc sống tốt đẹp. Và ngay chính với những lễ hội của ta, theo thời gian, mặc dù mang ý nghĩa tốt đẹp nhưng còn nặng tính hủ tục cũng đã được thay đổi để phù hợp hơn.
Thế nhưng hiện nay, có những lễ hội như Halloween được vay mượn từ phương Tây với những biến tướng thiếu hiểu biết, đã và đang khiến dư luận bức xúc. Lễ hội ma quỷ này được du nhập để rồi nhồi nhét vào đầu tất cả những người tham gia ám ảnh về linh hồn người chết quay trở lại người thân để xin ăn, nước uống? Lễ hội Halloween ngày càng rầm rộ, được “chính thống hóa” trong đời sống người dân. Không chỉ giới trẻ, lễ hội này phổ biến tới mức nhiều trường mầm non, cấp 1 đã đưa vào như một hoạt động ngoại khóa vui chơi được duy trì hàng năm.
Những cái tên gợi sự liên tưởng chết chóc như “Quỷ dữ đội mồ”; “Oan hồn sống lại”; “Xác sống báo thù”… được quảng cáo ở khắp mọi nơi. Những món đồ phục vụ cho việc hóa trang thành những xác chết, linh hồn bày la liệt trên phố. Tràn ngập mạng xã hội là hình ảnh người trẻ, các ông bố bà mẹ hóa trang cho con thành những nhân vật rùng rợn, ma quái. Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao phải ám ảnh về cái chết đội mồ sống dậy đến thế, trong khi những đối tượng tham gia lễ hội này, lẽ ra phải có cái nhìn lạc quan và tươi sáng nhất về cuộc đời?
Ngày 31/10, trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (P.Bến Nghé, Q.1 - TP. Hồ Chí Minh), xảy ra vụ việc một người lái xe chạy quanh khu vực, mở tung cửa xe để những người trên xe dọa ma người đi đường. Nhóm người này đi trên xe mai táng, có trang bị hòm phúng điếu, người dân hiếu kỳ đến xem rất đông. Tuy nhiên, khi đến gần, nhiều người không giấu được sự tức tối vì phát hiện ra đây chỉ là một kiểu hóa trang Halloween.
Trước phản ứng dữ dội của dư luận, Cơ quan công an đã vào cuộc và xác minh lái xe là anh P.D.T làm việc tại một cơ sở dịch vụ mai táng ở quận 7. Tối ngày 31/10, chủ cơ sở đề nghị anh dùng xe tang lễ chở nhóm người cùng chỗ làm đi chơi lễ Halloween. Đội CSGT - Trật tự Công an Q.1 (Công an TP Hồ Chí Minh) cho biết đã lập biên bản xử phạt đối với anh P.D.T về hành vi không đóng cửa lên xuống khi xe đang chạy. Đội CSGT - Trật tự Công an quận 1 cũng đã bàn giao hồ sơ liên quan cho CAP Bến Nghé tiếp tục làm rõ vụ việc.
Đã có những đứa trẻ phải khóc thét khi nhìn thấy bạn bè được hóa trang thành những nhân vật quá kinh dị. Thậm chí có bé còn sốc tâm lý khi những người xung quanh họ chính là những “hồn ma”. Vậy lễ hội này có thể nuôi dưỡng những điều gì trong tâm hồn con trẻ? Rõ ràng việc du nhập lễ hội mà không truyền tải ý nghĩa và hình thức thể hiện lâu nay đã biến Halloween thành một thứ lai căng không hơn không kém.
Chi bộn tiền chỉ để… xấu như ma!
Mong muốn sự khác biệt, phải nổi bật nhất nhiều bạn trẻ không ngại đầu tư lên đến cả chục triệu đồng đề mua đồ hóa trang Halloween. Tại một trung tâm thương mại ở Hà Nội tối ngày 29/10, trước thềm lễ hội Halloween có hàng trăm bạn trẻ chờ tham gia. Đa số các bạn trẻ lựa chọn cách hóa trang khá cầu kỳ, thông thường sẽ theo một nhân vật trong games hoặc một bộ phim nổi tiếng nào đó. Nhưng bên cạnh đó cũng có không ít những bạn trẻ khoác lên người những trang phục rùng rợn, kinh dị để thu hút mọi người đến chụp ảnh, chiêm ngưỡng.
Nổi bật trong đám đông là bạn Nguyễn Quang Huy (sinh năm 2000, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) hóa thành nhân vật Thor với búa lớn vác trên vai. Huy cho hay, bản thân mình rất thích nhân vật Thor vì đại diện cho phẩm chất anh hùng, luôn giúp đỡ mọi người. Tuy nhiên để có trang phục này Huy đã phải móc hầu bao lên đến 3 triệu đồng. “Biết là tốn kém nhưng em vẫn quyết đầu tư để tham gia lễ hội cho vui. Bộ trang phục của em còn không cầu kỳ, đắt đỏ bằng nhiều bạn khác ở đây”, Huy chia sẻ.
Giữa dòng người tấp nập đủ nhân vật, đủ màu sắc, nổi bật lên là bạn Nguyễn Thùy Trang (sinh năm 1999, Ba Đình, Hà Nội). Trang đã “biến hóa” mình thành công chúa với toàn thể đồ màu hồng, với đôi cánh nổi bật. Tuy nhiên để có được hình ảnh này cô nàng đã phải chi ra 19 triệu đồng, chưa tính tiền trang điểm. “Em không thấy tiếc tiền để có trang phục như thế này, quan trọng là mình phải nổi bật”.
Đó là những “cậu ấm cô chiêu” có điều kiện, còn với những người khác lại lựa chọn thuê trang phục để chụp ảnh Halloween. Chính vì thế, dịch vụ nhộn nhịp nhất chính là cho thuê trang phục. Đại diện của cửa hàng cho thuê trang phục Yuncos (phố Hào Nam, Hà Nội) chia sẻ, một số bộ trang phục được nhiều người chọn thuê là: Trang phục ác quỷ ma sơ Valak, trang phục chú hề ma, trang phục ma cương thi, trang phục bá tước ma cà rồng Dracula, trang phục búp bê Annabelle, trang phục ma nữ tóc dài, trang phục cô dâu ma, trang phục thần chết, trang phục bác sĩ quỷ, y tá quỷ, thây ma, xác sống, zombie…
Những bộ trang phục kinh dị cũng là mặt hàng chủ lực của nhiều cửa hàng cho thuê trang phục trên phố Kim Mã, Hàng Mã (Hà Nội). Giá thuê trang phục dao động từ 80.000 - 300.000 đồng (đối với trang phục trẻ em), từ 150.000 - 400.000 đồng (đối với trang phục người lớn). Ngoài trang phục cho thuê, một số cửa hàng thời trang cũng cho ra mắt những bộ sưu tập dành riêng cho lễ Halloween, để người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn.
Không kém phần sôi động, vẽ mặt Halloween cũng là dịch vụ rất ăn khách trong dịp này. Dịch vụ này thường do các sinh viên trường mỹ thuật, thợ trang điểm, các studio cung cấp. Khách hàng có thể lựa chọn các mẫu vẽ có sẵn tại cửa hàng hoặc đưa yêu cầu, để người thợ hóa trang cho khuôn mặt của mình.
Giá dịch vụ vẽ mặt, trang điểm cho lễ Halloween dao động từ 150.000 - 350.000 đồng, tùy theo mức độ của hình vẽ đơn giản hay phức tạp. Những hình thù độc lạ thường được các bạn trẻ lựa chọn là hóa trang mặt sói, mặt quỷ Dracula, công chúa…
Lê My (sinh năm 1995, Thanh xuân, Hà Nội) đã có hơn 7 năm kinh nghiệm trong nghề trang điểm chia sẻ, do làm nghề trang điểm hơn nữa lại có chút năng khiếu về hội họa nên vào dịp Halloween chị mở dịch vụ nhận vẽ, hóa trang ở một số địa điểm, thậm chí nhận đến tận nhà. “Trong các bar thì người ta thuê vẽ theo tiếng chứ không tính theo đầu người, mỗi tiếng dao động từ 300 - 500 nghìn đồng, với hóa trang cá nhân thì số tiền thấp nhất mỗi người là 700.000 đồng”, chị My chia sẻ.
Hay như chị Ngô Thu Hòa (Hai Bà Trưng, Hà Nội) - một chủ quán nail tại Hà Nội cũng tận dụng mùa lễ hội Halloween để kiếm thêm thu nhập. Chị Hòa cho biết, cứ mỗi mùa Halloween đến chị lại tạm gác nghề làm nail để đi vẽ mặt, hóa trang cho khách. “Như năm nay em chạy khoảng 50 chỗ, đa số là các sự kiện tại trường học, công ty, quán bar, club và một số bạn trẻ có nhu cầu hóa trang riêng đi để đi chơi lễ. Thường thì mỗi sự kiện hóa trang sẽ có từ 20-30 người, tùy vào hình thù vẽ thì thời gian sẽ khác nhau. Những hình vẽ cầu kỳ, tốn nhiều thời gian, màu vẽ, phụ kiện thì đương nhiên sẽ đắt hơn”, chị Hòa cho biết.
Không chỉ các bạn trẻ không tiếc tay xuống cả chục triệu đồng cho trang phục, hay cả vài trăm nghìn thậm chí cả triệu để vẽ mặt để tham gia lễ hội Halloween, nhiều người cũng rất mạnh tay để mua những đồ trang trí. Tại các cửa hàng chuyên bán đồ trang trí lễ hội, bí ngô là vật phẩm được bày bán nhiều nhất. Những quả bí ngô cỡ khủng có giá từ 1,3 - 1,5 triệu đồng. Chủ một cửa hàng trên phố Nguyễn Thái Học cho hay: “Những đồ trang trí Halloween bắt đầu được chúng tôi bày bán từ đầu tháng 10. Giá cả cũng khá đa dạng, giá bí ngô khoảng hơn 1 triệu đồng/quả, khách rất thích, sức mua tốt, vì cận lễ nên cửa hàng không nhập về thêm nữa. Có nhiều khách chịu chơi còn đặt quả bí ngô cực khủng có giá cả chục triệu đồng”.
Hay tại cửa hàng trên phố Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng bày bán rất nhiều loại đồ trang trí lễ Halloween. Anh Nguyễn Văn Hùng (chủ cửa hàng) chia sẻ, bí ngô cỡ khủng thường được nhập khẩu từ Hà Lan có giá khoảng 300.000 đồng/kg, tuy nhiên mặt hàng này đã “cháy” từ tuần trước. Bí Hà Lan có mẫu mã đa dạng hơn, to hơn và cứng hơn bí Đà Lạt.
Theo TS. Vũ Thu Hương - Chuyên gia tâm lý giáo dục, việc tổ chức một lễ hội có nguồn gốc nước ngoài, điều quan trọng là phải hiểu rõ về lễ hội đó. Nếu tổ chức không đúng sẽ có những biến tướng gây hậu quả lâu dài không dễ khắc phục.
Chuyên gia giáo dục này cũng bày tỏ quan điểm: “Việt Nam có rất nhiều những lễ hội dân gian thú vị, chúng ta không nhất thiết phải tổ chức những lễ hội của nước ngoài. Nếu không hiểu rõ về lễ hội của người ta thì không nên làm, chỉ khi hiểu rõ về văn hóa, ý nghĩa giáo dục về lễ hội đó mới nên tổ chức. Có rất nhiều hoạt động để xả năng lượng dư thừa, bức xúc cho học sinh không nhất thiết phải tổ chức lễ hội theo phong trào như vậy”.
https://antg.cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/bien-tuong-halloween-lai-cang-va-di-hom--i712913/