Theo Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, bởi vướng đến mối quan hệ trên-dưới nên hai vụ việc trên rất khó xử lý.
Ngày 12/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các ĐBQH thuộc đơn vị bầu cử số 1 TP. Hà Nội đã tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Tây Hồ trước kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Quốc Thước (Ba Đình), nguyên Tư lệnh Quân khu IV, nguyên ĐBQH các khóa VIII, IX, X đề nghị Trung ương vào cuộc vụ "biệt phủ" của Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Yên Bái, vụ bổ nhiệm thần tốc nữ trưởng phòng ở Thanh Hóa.
Cử tri Nguyễn Quốc Thước đề nghị T.Ư vào cuộc vụ Thanh Hóa, Yên Bái. Ảnh: Tiền phong
Trao đổi thêm với Đất Việt về đề xuất này, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho biết, vụ Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh mới ồn ào 2-3 tháng mà Trung ương đã làm rõ một cách nhanh chóng và có kết luận đúng đắn.
Đó là nhờ sự vào cuộc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, rất khách quan và không bị vướng đâu cả.
Trong khi đó, vụ bổ nhiệm thần tốc nữ trưởng phòng ở Thanh Hóa và vụ biệt phủ ở Yên Bái đã lùm xùm hơn nửa năm nay và cơ quan chức năng không phải không biết nhưng vẫn không thể làm ra được.
"Những vụ việc này ít nhiều đều có liên quan đến lãnh đạo của các tỉnh, lại giao cho ủy ban kiểm tra và thanh tra của tỉnh thì rất khó làm bởi vướng quan hệ cấp trên- cấp dưới.
Do đó, tôi đề nghị trước Tổng Bí thư và các ĐBQH rằng Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải vào cuộc. Việc này còn dễ hơn nhiều so với vụ ông Nguyễn Xuân Anh bởi vụ ông Nguyễn Xuân Anh dư luận cả nước chưa nói gì nhiều, trong khi đó hai vụ kia đâu đâu người ta cũng nói, cũng thắc mắc tại sao mãi không làm ra được vì rõ như ban ngày?
Tôi đề nghị những việc gì liên quan đến các lãnh đạo cấp tỉnh thì Trung ương phải vào cuộc, đừng giao cho bên dưới kiểm điểm. Một anh tiêu cực mà đi kiểm tra, thanh tra một anh tiêu cực khác thì làm sao làm được? Tuyên bố của Thanh Hóa người ta khóchấp nhận.
Người dân không thỏa mãn với những kết luận và cách xử lý trong vụ bổ nhiệm thần tốc nữ trưởng phòng ở Thanh Hóa. Tương tự, vụ biệt phủ ở Yên Bái cũng phải làm đến nơi đến chốn, không thể cứ đưa ra những lý do không thể chấp nhận được", Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nói.
Cũng theo vị nguyên Tư lệnh Quân khu IV, một khi Trung ương đã vào cuộc quyết liệt chống tham nhũng, tiêu cực thì cấp dưới dù trước đó không làm đến nơi đến chốn cũng phải xử lý.
"Không phải chỉ để giải quyết vụ việc ấy mà quan trọng là để chấn chỉnh hoạt động, dũng khí của các cơ quan đang làm việc đó. Tại sao cấp dưới không dám mạnh dạn lôi cấp trên ra? Rất khó, bởi trước nay chưa có dũng khí làm việc này", ông Thước nhấn mạnh.
Ông chỉ rõ, vấn đề tiêu cực, tham nhũng rất nặng nề, là cuộc đấu tranh dai dẳng và nặng nề, không phải một lúc mà làm được ngay. Chính vì thế, trên phải làm trước, dưới làm sau, nếu trên làm mà dưới không làm thì sẽ bị gõ đầu, cứ như thế đến cấp dưới thứ hai, thứ ba... Có như vậy mới lấy lại niềm tin cho nhân dân.
Ghi nhận ý kiến của các cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, không có cuộc tiếp xúc cử tri nào không đề cập đến vấn đề đấu tranh phòng chống tham nhũng. Không chỉ nước ta, tại nhiều nước khác, vấn đề này cũng được quan tâm.
“Làm được việc này lại xảy ra việc khác. Có vụ án mấy năm giời không xử được vì liên quan đến nhiều thứ khác, cần có thời gian. Nhiều vụ làm nhanh lắm, nhưng cũng có những vụ phải làm sao cho tâm phục khẩu phục, chứng cứ rành rành không thể chối được nữa thì mới nhận tội.
Thông thường anh nào cũng kêu oan, anh nào cũng kêu nặng quá, nhưng dân thì bảo vẫn còn nhẹ, phải làm quyết liệt hơn nữa”, Tổng Bí thư nói.
Dẫn chứng thêm, Tổng Bí thư cho biết những vụ việc được xử lý thời gian qua, cuối cùng tất cả đều tâm phục khẩu phục.
“Thậm chí, người bị kỷ luật còn cảm ơn các đồng chí thi hành kỷ luật tôi rất đúng. Những vụ việc cụ thể có nguyên nhân của nó, do vậy, phải xem xét toàn diện và phải xem xu hướng vận động phát triển nhìn về tương lai chứ không phải đánh cho một đòn chết tươi, dập cho người ta không ngóc đầu dậy được”, Tổng Bí thư lưu ý.
Theo Tổng Bí thư, việc xử lý cán bộ cốt để sửa, cốt để tiến bộ, để trưởng thành và tốt nhất là tự giác thấy mà sửa đi.
Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng tuy đang làm nhưng còn phức tạp lắm, còn gian nan.
“Đấu tranh là để là để giữ ổn định, phát triển, đấu tranh để đoàn kết tốt hơn chứ không phải để làm đổ vỡ đi. Xử lý sao cho người ta giác ngộ, để thu hồi tài sản không để mất mát. Để tất cả mọi người thấy được vết xe đổ ấy. Thế mới là thành công, không để gây bất mãn cho xã hội”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Bổ nhiệm thần tốc bà Quỳnh Anh: Đề xuất UB Kiểm tra TƯ vào cuộc Nguyên Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Thanh Hóa Lê Khắc Biểu đề nghị UB Kiểm tra TƯ vào cuộc để kỷ luật nghiêm những ... |
Lý do chậm kết luận thanh tra tài sản Giám đốc Sở TN&MT Yên Bái Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 chiều tối nay, báo chí tiếp tục truy lý do vì sao chậm công bố kết ... |
Đường \'thăng tiến thần tốc\' của nữ trưởng phòng ở Thanh Hoá Bà Quỳnh Anh từng làm tạp vụ tại Liên đoàn Lao động tỉnh và ít năm sau đó được quy hoạch phó giám đốc Sở ... |
NÓI THẲNG: "Ngâm" thanh tra biệt phủ như "ngâm giấm" Các ông lần lữa không công bố kết luận thanh tra thì dư luận càng thêm bức xúc, thiên hạ lại có dịp vẽ rồng ... |
http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/biet-phu-yen-bai-bo-nhiem-o-thanh-hoa-vuong-o-dau-3344976/