Sau khi nhận đất từ phía tỉnh, công ty TNHH Kim Long đi bán lại cho những người khác, hiện phường Liên Bảo chưa xác định được chủ nhân thực sự.
Đất giao doanh nghiệp nhưng bán cho nhiều cá nhân
Liên quan đến thông tin 7 ngôi biệt thự xây dựng trên khu đất giao cho công ty TNHH Kim Long trồng cây ăn quả, UBND phường Liên Bảo đã có báo cáo vào ngày 20/4 về sự việc trên.
Theo đó, diện tích đất giao cho công ty ngày 30/1/1997 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc tại phường Liên Bảo là 26,012 ha, với mục đích trồng mía.
Trên khu đất này đã mọc lên 7 ngôi biệt thự 2 tầng với tổng diện tích khoảng 2.200m2, trong đó có 4 ngôi nhà đã hoàn thiện, các nhà khác đang hoàn thiện và tiếp tục xây dựng.
Báo cáo cũng cho biết, khu đất này là của ông Dương Ngọc Khuyến trú tại phường, mua lại của ông Tính vào tháng 6/2010. Đến năm 2015, ông Khuyến bán cho 5 người khác, chưa xác định được thông tin từng người. Những người này xây 5 ngôi biệt thự 2 tầng, diện tích khoảng 150m2/căn; còn 2 căn cách đó không xa, chưa xác định được chủ nhân.
Báo cáo của UBND phường Liên Bảo về việc 7 ngôi biệt thự xây dựng trái phép. Ảnh Vietnamnet
Ngoài ra, ông Dương Ngọc Khuyến sử dụng phần đất của ông Dương Ngọc Mỹ (bố đẻ) là 2.700m2. Đến năm 2016, ông Khuyến xây 1 căn nhà 240m2, cao 8m và các công trình phụ trợ trên diện tích đất này.
Về thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 21/8, ông Hoàng Quang Dũng - Nguyên Chủ tịch UBND phường Liên Bảo (TP Vĩnh Yên) cho biết: "Như tôi được biết, nhà ông Mỹ có một người con trai cao lớn, đẹp trai, nhưng cách đây vài năm đã chuyển sang bên Đức định cư, đưa cả mẹ đi cùng. Hiện tại ở lại phường Liên Bảo chỉ có một mình ông Mỹ cùng với mẹ đẻ của ông sinh sống.
Ông Mỹ thì tôi quen biết từ ngày xưa, từ lúc tôi công tác, ông Mỹ có xe riêng chạy dưới dạng taxi, nhà cũng có ô tô".
Nói về khu đất đang được xây biệt thự, theo ông Dũng, khu đất trên phải hỏi ông Đường Ngọc Sơn - Giám đốc Công ty TNHH Kim Long, họ thống soái cả mấy chục năm nay.
"Ngày xưa khu đất trên của phường Liên Bảo hết, nhưng khi đo lại bản đồ hành chính, thành phố cắt hết cho vài doanh nghiệp. Còn ông Đường Ngọc Sơn lấy quỹ đất từ năm 1997, rồi bán cho người này, người kia.
Thời tôi còn công tác một số khu đất của ông Đường Ngọc Sơn không đủ điều kiện để thu hồi lại, không biết hiện nay ông ấy bán lại cho ai, vì rất nhiều người, không nhầm ông Sơn còn dự tính làm sân golf.
Về công ty Kim Long, năm 1995 tôi ngồi tại Hội thẩm tòa án tỉnh, lúc đó ông Đường Ngọc Sơn vay của nhà nước 20 tỷ đồng nhưng không trả nợ được. Đến năm 1996, đưa ra Tòa án là ông Sơn được xử lý xóa nợ, nói vậy đủ hiểu tầm mạnh của công ty trên", ông Dũng nói thêm.
Chia sẻ với Đất Việt về sự việc trên, TS Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: "Dù được UBND tỉnh đồng ý hay cấp nào cho sử dụng đất, thì vẫn phải trình qua địa phương mới được xây dựng, địa phương sẽ giám sát, kiểm tra, xây dựng mà không trình giấy phép thì phải ngăn chặn, phạt xử lý hành chính.
Ở đây không biết miếng đất đó ở chỗ khuất không mà địa phương nói không biết, nếu không rất có thể địa phương làm ngơ vì đã được họ "bôi trơn". Cho nên, chính quyền địa phương phải giải trình vì sao không biết, không ngăn chặn.
Chúng ta lâu nay cứ đi tìm thủ phạm, trong khi chính quyền ở đó mà không hỏi trách nhiệm, đây không phải ăn cắp vặt, xây dựng một ngôi biệt thự không thể trong 1 đêm. Nếu nói không biết, không ngăn chặn được là không có hiệu lực, như vậy thì cần gì đến cơ quan quản lý.
Còn nếu phường nói không rõ chủ nhân của các biệt thự của ai thì tiến hành tịch thu xem như nhà vô chủ, còn xuất hiện thì xử lý tiếp bằng cách giải trình, nộp phạt. Ở đây có 2 loại phạt, phạt hành chính do xây dựng không phép và phạt gây thiệt hại tài sản đất cho nhà nước.
Ở đây, phải phạt làm sao cho mọi người sợ không dám vi phạm nữa thì mới không tạo ra tiền lệ xấu".
Cũng theo ông Liêm, trách nhiệm chính quyền ở đâu, việc lâu nay ít được coi trọng, nếu muốn xử lý trường hợp này cứ truy bên chính quyền trước. Đặc biệt, bây giờ phải làm rõ cấp chính quyền nào xử lý, không được nói chung chung là chờ tỉnh xử lý.
"Nói UBND tỉnh là một khái niệm rất trừu tượng, cần xác định lại, ai giải quyết, cấp nào chịu trách nhiệm, cách xử lý ra sao. Theo tôi, niêm phong các ngôi biệt thự, nếu không ai nhận của mình thì tịch thu.
Và người chịu trách nhiệm chính là công ty TNHH Kim Long, có 2 sai phạm lớn, một là, dùng đất sai mục đích; hai là, xây nhà không phép. Không cần quan tâm ai xây, nhưng đất giao cho công ty Kim Long nên công ty này phải chịu trách nhiệm nộp phạt, giải trình.
Còn xử lý phạt cho tồn tại hay bắt buộc tháo dỡ thì cần có sự vào cuộc của các cơ quan có thẩm quyền", ông Liêm phân tích thêm.
Dãy biệt thự mọc trên đất rừng ở Vĩnh Phúc: Chủ nhân là ai? Nhiều ngôi biệt thự ngang nhiên mọc lên trên đất rừng trồng cây ăn quả tại phường Liên Bảo (Vĩnh Phúc), dù ngành chức năng đã vào cuộc. |
7 biệt thự mọc trên đất rừng: Chờ quyết định của tỉnh (Tin tức thời sự) - Tại khu đất phường Liên Bảo (TP Vĩnh Yên-Vĩnh Phúc) được giao cho công ty Kim Long trồng cây ăn ... |