Năm 2023, tỉnh Bình Dương cùng lúc triển khai nhiều công trình hạ tầng trọng điểm quy mô cấp tỉnh và vùng. Chính quyền tỉnh cùng các địa phương và sở, ngành, đơn vị liên quan đang nỗ lực đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án đúng tiến độ.
- 13.362 tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng, tái định cư đường Vành đai 4 qua Hà Nội
- Sắp về đích, vẫn loay hoay giải phóng mặt bằng
- Hoàn thành cắm mốc giới giải phóng mặt bằng Vành đai 4 qua Hà Nội trong tháng 11-2022
Thi công dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Ảnh: Quốc Chiến
Là công trình trọng điểm của tỉnh Bình Dương, dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 đang được đơn vị thi công triển khai quyết liệt. Theo ghi nhận tại công trường, đơn vị thi công đang triển khai những đoạn đã giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, hiện đường dây điện chưa được ngầm hóa, một số đoạn chưa được giải phóng mặt bằng đã ảnh hưởng đến quá trình thi công.
Theo Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Bình Dương, dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 dài gần 13km, nâng từ 6 làn xe lên 8 làn xe. Đến nay, đoạn qua thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh đã phê duyệt phương án bồi thường cho 23 hộ dân và 1 tổ chức, với số tiền hơn 103 tỷ đồng; trong đó, đã chi trả tiền bồi thường 20 hộ dân và 1 tổ chức, với số tiền gần 99 tỷ đồng. 16 hộ và 1 tổ chức đã bàn giao mặt bằng, đạt 71% kế hoạch.
Chủ tịch UBND thành phố Thuận An Nguyễn Thanh Tâm cho biết, dự án quốc lộ 13, đoạn qua thành phố Thuận An có 464 hộ và 52 tổ chức thuộc phạm vi giải tỏa. Đến nay đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đối với 293 hộ và 24 tổ chức/1.765,9 tỷ đồng (đạt 61%); đã chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ đối với 235 hộ và 8 tổ chức/1412,2 tỷ đồng (đạt 77%). Trong đó, 92 hộ và 15 tổ chức đã bàn giao mặt bằng, đạt 34% so với hộ, tổ chức đã phê duyệt.
Về phía địa phương, huyện Bàu Bàng có dự án trọng điểm là tuyến đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng. Tuyến đường dài 48km, được chia thành 4 dự án thành phần, tổng mức đầu tư gần 3.800 tỷ đồng. Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng Võ Thành Giàu cho biết, dự án đã bàn giao mặt bằng đạt 99% tiến độ. Thời gian tới, huyện đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực phối hợp tích cực với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng còn lại để dự án hoàn thành đúng kế hoạch.
Một dự án trọng điểm tiêu biểu khác có tính chất kết nối vùng cũng đang được tỉnh Bình Dương tổng lực triển khai là đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh (đường Vành đai 3). Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương đang kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND thành phố Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An, đẩy nhanh tiến độ trình thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, quyết tâm giải ngân vốn tương đương 30% khối lượng giải phóng mặt bằng trước ngày 30-6. Dự kiến, 70% mặt bằng toàn tuyến sẽ được bàn giao trong tháng 6 để bảo đảm khởi công dự án, đáp ứng yêu cầu hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.
Là địa phương có dự án đường Vành đai 3 đi qua, thành phố Thủ Dầu Một dự kiến trong tháng 6 này sẽ hoàn thành giải ngân 800 tỷ đồng tiền đền bù cho các hộ dân. Phó Chủ tịch UBND thành phố Thủ Dầu Một Võ Chí Thành thông tin, thành phố có 312 hộ bị ảnh hưởng với số tiền bồi thường khoảng 1.200 tỷ đồng. Thành phố sẽ hỗ trợ người dân các thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai, xây dựng để nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương Võ Ngọc Sang cho biết, dự án Vành đai 3 đoạn qua Bình Dương dài hơn 26km. Dự án có hơn 1.500 trường hợp bị ảnh hưởng, với diện tích đất thu hồi gần 86ha, trong đó, gần 1.000 trường hợp được bồi thường với số tiền khoảng 13.528 tỷ đồng. Đến nay, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành đơn giá đất bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án. Ngày 2-6, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh phối hợp với Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Thủ Dầu Một tổ chức chi tiền hỗ trợ, bồi thường. Tổng số tiền đền bù, hỗ trợ tại thành phố Thủ Dầu Một khoảng 850 tỷ đồng.