Tốn hàng tỷ đồng mỗi tháng vào phí xét nghiệm, ăn ở tại chỗ cho công nhân, trong khi đó đơn hàng giảm phân nửa, điều này khiến các doanh nghiệp dè dặt tái khởi động.

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, đến ngày 27/9, Bình Dương vẫn cơ bản thực hiện "3 tại chỗ" cho các doanh nghiệp với trên 260.000 lao động. Tại các vùng xanh đều áp dụng 3 xanh (nơi ở - công ty - nơi sản xuất đều xanh).

Để khôi phục lại sản xuất, Bình Dương đã xây dựng kế hoạch trở lại trạng thái bình thường mới, với mốc thời gian cụ thể là sau ngày 30/9. Đến ngày 1/10, Bình Dương phấn đấu đạt vùng xanh toàn tỉnh. Đây cũng là nền tảng để phục hồi kinh tế.

Thế nhưng, theo khảo sát của PV VTC News, nhiều doanh nghiệp hiện vẫn dè dặt, thận trọng trước thông tin được tái khởi động.

"3 tại chỗ", công ty tốn thêm 8 triệu đồng/công nhân/tháng

Ngày 28/9, trả lời VTC News, ông Vũ Văn Hậu, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thực phẩm và Nước giải khát JOY (phường Tân Đông Hiệp, TP Dĩ An, Bình Dương) cho biết, nhiều tháng nay, công ty vẫn duy trì sản xuất với nguyên tắc "3 tại chỗ". Tuy nhiên, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, công ty khó lòng trụ nổi.

Trước dịch, Công ty JOY có hơn 500 công nhân làm việc. Thời điểm dịch bùng phát, lượng công nhân giảm dần do một số nhiễm bệnh, số khác về quê tránh dịch. Đến hiện tại, doanh nghiệp đang duy trì sản xuất với 380 công nhân, đơn hàng giảm 40%.

Bình Dương: Doanh nghiệp dè dặt, lo không kham nổi khi tái khởi động - 1
Doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ".

Là một trong số ít những doanh nghiệp cầm cự, thực hiện "3 tại chỗ" để duy trì sản xuất, ông Hậu cho rằng, để doanh nghiệp hoạt động trở lại "suôn sẻ" như trước dịch là điều rất khó. Thời gian thực hiện "3 tại chỗ" ít nhiều đã khiến doanh nghiệp kiệt quệ.

"3 tại chỗ nghĩa là sản xuất, cách ly và ăn nghỉ tại chỗ. Chúng tôi phải đảm bảo nguyên tắc này thì công ty mới có thể duy trì sản xuất. Nếu tính chi phí xét nghiệm, mỗi công nhân sẽ tốn khoảng 1 triệu đồng/tháng. Chi phí ăn ở, mỗi người khoảng 7 triệu đồng/tháng. Như vậy, tính sơ, mỗi công nhân sẽ phát sinh 8 triệu đồng/tháng. Chi phí này do công ty chịu hoàn toàn", ông Hậu nói.

Cũng vì lý do này, khi có thông tin cho doanh nghiệp tái khởi động trong trạng thái bình thường mới, công ty khá dè chừng. Chưa kể đến, khả năng thiếu lao động khi mở cửa trở lại sản xuất là rất lớn.

Vì vậy, ông Hậu đề xuất chính quyền địa phương tạo điều kiện cho các công nhân nếu đã về quê thì có thể được quay trở lại Bình Dương (có danh sách do doanh nghiệp trình cơ quan chức năng) để tiếp tục làm việc. Hoặc, các sở ban ngành, hiệp hội hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động mới để đáp ứng được điều kiện sản xuất trong trạng thái bình thường mới.

Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác chống dịch để sản xuất có hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được đi lại, giao thương hàng hoá để đảm bảo cung ứng tốt nhất về nguyên vật liệu cũng như phân phối sản phẩm của doanh nghiệp.

Nếu trong quá trình trở lại hoạt động sản xuất, công ty phát hiện có ca mắc COVID-19 thì mong muốn chính quyền cũng như ngành y tế sớm có phương án chăm sóc, điều trị cho công nhân để công ty có thể tập trung cao hơn trong công tác sản xuất và bảo đảm dịch bệnh không lây lan trong nhà máy.

Tương tự, ông Nguyễn Kim Phi, Trưởng phòng Sản xuất Công ty TNHH SV Probe Việt Nam (KCN VSIP 1, TP Thuận An, Bình Dương) cho biết, sắp tới công ty sẽ tiếp tục thực hiện sản xuất theo phương án "3 tại chỗ".

Để đảm bảo an toàn cho việc tái sản xuất, doanh nghiệp sẽ tổ chức cho công nhân nghỉ lại tại một khách sạn, nhà nghỉ ở gần công ty chứ không về nhà. Trước khi vào công ty, công nhân phải vào cách ly tại một khách sạn đủ 14 ngày với đầy đủ các xét nghiệm. Khi nào đủ thời hạn cách ly với các xét nghiệm đều cho âm tính với SARS-CoV-2 mới được vào nhà máy làm việc

"Tất cả các chi phí phí này công ty lo hết. Vì vậy, nếu thời gian "3 tại chỗ" quá lâu, chúng tôi e rằng khó cầm cự, phải có một phương án khác lâu dài hơn. Còn không, chúng tôi vẫn sản xuất, nhưng ở một mức độ cho phép", ông Phi cho hay.

Nên công nhận kết quả xét nghiệm do doanh nghiệp thực hiện?

Tại buổi làm việc với ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Bình Dương hôm 27/9, nhiều doanh nghiệp cho rằng, cần chấp nhận giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm COVID-19 của doanh nghiệp tự thực hiện nhằm giảm chi phí cho công ty.

Bình Dương: Doanh nghiệp dè dặt, lo không kham nổi khi tái khởi động - 2
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại doanh nghiệp.

Cụ thể, đại diện Công ty sơn mài Đồng Tâm cho biết, nếu công nhân đến các cơ sở y tế để xét nghiệm COVID-19 sẽ tốn ít nhất 350.000 đồng/người. Trong khi đó, phí mà doanh nghiệp bỏ ra để tự xét nghiệm COVID-19 cho công nhân chỉ hết 120.000 đồng/người, kèm theo đó là giấy chứng nhận trong vòng 72 giờ.

"Để có thể trở lại bình thường mới một cách nhanh và hiệu quả nhất, chúng tôi mong muốn tỉnh Bình Dương công nhận kết quả xét nghiệm nhanh của các doanh nghiệp để giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp cũng như công nhân khi làm việc trở lại", đại diện Công ty sơn mài Đồng Tâm nêu ý kiến.

Hiện 100% công nhân các doanh nghiệp đều đã được tiêm vaccine mũi 1, mũi 2 đang tiếp tục được phân bổ. Do đó, các doanh nghiệp đề nghị tỉnh Bình Dương ưu tiên dành nguồn vaccine cho người lao động đang thực hiện phương án sản xuất "3 tại chỗ" để sớm hoàn thành mũi 2.

Đồng thời, trong quá trình sản xuất, nếu phát hiện trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 thì chỉ cần khoanh vùng, phong toả tại khu vực nơi phát hiện trường hợp F0, chứ không phong toả toàn bộ nhà máy như trước đây.

Sau thời gian phòng chống dịch, hiện Bình Dương đã có 6/9 địa phương đạt “vùng xanh” gồm: Thủ Dầu Một, Bến Cát, Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên. Các "vùng xanh’’ được thiết lập, mở rộng, kết nối với nhau tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động lưu thông.

Hiện nhóm các doanh nghiệp ít thâm hụt lao động đang rà soát lại hệ thống cung ứng nguyên vật liệu, xuất nhập khẩu và công nhân để tái sản xuất. Trong khi đó thì nhóm doanh nghiệp thâm hụt lao động vẫn chưa có kế hoạch rõ ràng, nhóm này chờ qua đầu tháng 10/2021 mới tính phương án sản xuất. Hầu hết doanh nghiệp lo ngại chi phí phòng dịch quá cao, không kham nổi.

Ngày 22/9, Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã có văn bản hướng dẫn điều kiện người lao động tham gia sản xuất tại doanh nghiệp và người dân được lưu thông trên đường kể từ hôm nay.

Theo đó, các doanh nghiệp muốn tổ chức lại hoạt động sản xuất, kể cả mô hình "3 tại chỗ" thì toàn bộ công nhân, người lao động phải được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19 đủ 14 ngày.

Đặc biệt, trước khi đến nhà máy, xí nghiệp thì người lao động phải thực hiện xét nghiệm COVID-19 ít nhất 2 lần bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên vào ngày thứ 1 và ngày thứ 4. Sau khi vào công ty phải được bố trí tại nơi cách ly tạm thời ít nhất 3 ngày, xét nghiệm test nhanh có kết quả âm tính vào ngày thứ 3 thì mới được tham gia sản xuất.

Trong quá trình sản xuất, doanh nghiệp phải tổ chức thực hiện nghiêm theo quy định 5K và sau 7 ngày test nhanh một lần cho công nhân. Nếu phát hiện trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 phải lập tức cách ly, báo ngay cho y tế địa phương nơi trú đóng để phối hợp truy vết F1, lấy mẫu xét nghiệm khẳng định PCR.

Trường hợp xét nghiệm khẳng định PCR âm tính, tất cả quay trở lại sản xuất bình thường; dương tính thì phong tỏa tạm thời phân xưởng, khu vực, hay toàn bộ công ty theo mức độ để chờ hướng dẫn tiếp theo. Khi người lao động muốn ra khỏi công ty về nơi ở thì phải có kết quả test nhanh kháng nguyên âm tính.

THY HUỆ

Thêm 9.472 ca COVID-19, TP.HCM và Bình Dương đều giảm Thêm 9.472 ca COVID-19, TP.HCM và Bình Dương đều giảm
Bình Dương cho phép người dân tiêm 1 mũi vaccine sau 14 ngày được ra đường Bình Dương cho phép người dân tiêm 1 mũi vaccine sau 14 ngày được ra đường

/ vtc.vn