Tính đến cuối tháng 10/2021, Bình Dương có hơn 4.500 doanh nghiệp (DN) đăng ký hoạt động sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm” và “3 xanh” với tổng số lao động trên 700.000 người.

Dự kiến đến giữa tháng 11 số doanh nghiệp trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh đạt trên 80% so với bình thường như trước đây với khoảng hơn 1 triệu lao động. Để giải quyết bài toán về lao động, Bình Dương đã và đang tính toán, áp dụng nhiều giải pháp để thu hút, đón người lao động (NLĐ) trở lại Bình Dương làm việc cũng như hỗ trợ DN khôi phục sản xuất.

lao dong.jpg -0

Hoạt động sản xuất tại một công ty gỗ ở Bình Dương.

Từ đầu tháng 10/2021, hầu hết các DN trên địa bàn Bình Dương đều có phương án quay lại sản xuất kinh doanh bình thường. Tuy nhiên trong cũng khoảng thời gian này, Bình Dương có khá nhiều NLĐ tạm trú trên địa bàn đã trở về quê sau thời gian dài mệt mỏi chống chọi với dịch bệnh. Vì thế, đã gây thiếu hụt nguồn lao động.

Tuy nhiên, theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Dương, vẫn có một số nguồn lao động có thể thay thế được. Trong 9 tháng đầu năm 2021, Bình Dương có 866 DN tạm dừng kinh doanh có thời hạn, 382 DN đã giải thể dẫn đến hàng chục ngàn lao động bị mất việc, dừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động…

Mặc dù số lượng NLĐ này vẫn có nhu cầu tìm việc, DN có nhu cầu tuyển dụng nhưng do dịch bệnh, bị phong tỏa, giãn cách nên hai đối tượng này đã “không gặp được nhau”. Khi Bình Dương trở lại “bình thường mới” số lao động này phần nào đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các DN bị thiếu hụt lao động.

Mặt khác, qua thời gian xảy ra dịch bệnh, số lao động tự do rất khó khăn do không được hưởng các chính sách về bảo hiểm như lao động có hợp đồng lao động nên có xu hướng chuyển sang làm công nhân.

Ngoài ra, theo Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Bình Dương, trong giai đoạn trong và sau dịch, nhằm cắt giảm chi phí, các DN hạn chế tuyển dụng lao động thuộc các ngành nghề như bảo vệ, chăm sóc khách hàng, giao nhận, lễ tân… nên cũng đã dôi ra một lượng lao động đáng kể. Lực lượng này có thể bù đắp cho số lao động trực tiếp sản xuất bị thiếu hụt.

Về phía các DN, để tự cứu mình, nhiều DN đã triển khai các giải pháp đón lao động trở lại làm việc. Bên cạnh nâng cao chế độ phúc lợi, DN còn tổ chức xe đưa đón hoặc sắp xếp chỗ ở cho công nhân; thưởng tiền động viên tinh thần.

Trên thực tế, hầu hết những công ty có chính sách tốt cho NLĐ như Công ty Esquel, KCN VSIP 1 (TP Thuận An), Công ty Esquel Việt Nam, Công ty Showa Gloves… đều giữ chân NLĐ, không ai về quê hay bỏ việc.

Trong một diễn biến khác, số lượng công nhân, NLĐ về quê trước khi dịch bùng phát và sau khi Bình Dương nới lỏng giãn cách cũng đang lần lượt trở lại Bình Dương tìm việc làm.

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, để tránh đứt gãy nguồn cung ứng lao động khi DN trở lại sản xuất, Bình Dương đang thực hiện kế hoạch phối hợp thu hút, đưa đón người lao động từ các tỉnh, thành phố khác trở lại Bình Dương làm việc.

Trong giai đoạn từ nay đến hết ngày 20/11, NLĐ ngoại tỉnh dù đã tiêm hay chưa tiêm vaccine, nếu có nhu cầu trở lại Bình Dương làm việc đều được đưa đón tận nơi, theo danh sách mà DN đã đăng ký với cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương.

Trường hợp NLĐ tự đăng ký nhu cầu đến Bình Dương làm việc thì chủ động liên hệ với đầu mối là Trung tâm dịch vụ việc làm trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội của địa phương nơi NLĐ cư ngụ để được hỗ trợ đưa đón. Khi đến Bình Dương NLĐ sẽ được ưu tiên tiêm vaccine trước khi vào nhà máy sản xuất.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương còn tổ chức nhiều cuộc đối thoại với các DN để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh mối quan tâm về thiếu hụt lao động, đại diện các DN cũng lo ngại về hồ sơ, trình tự, thủ tục phê duyệt phương án khi hoạt động trở lại; quy định về xét nghiệm cho công nhân nhà máy; nguồn vốn sau thời gian chống dịch, cần được hỗ trợ bằng những khoản vay ưu đãi dài hạn...

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, ông Võ Văn Minh chỉ đạo các ban ngành, địa phương cần tích cực tạo điều kiện tối đa để DN quay trở lại hoạt động sớm nhất.

Trước nhất là đẩy nhanh tổ chức tiêm vacine đủ 2 mũi cho NLĐ tại các KCN, lao động hoạt động trong lĩnh vực phụ trợ, logistics, xuất, nhập khẩu,… để duy trì sản xuất, ngăn chặn tình trạng đứt gãy chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Đồng thời chú trọng đặc biệt đến NLĐ ngoại tỉnh tại các thành phố, thị xã tập trung nhiều DN để tạo tâm lý tốt, giữ chân NLĐ, ổn định xã hội. Tích cực đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch. Kịp thời có những chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nhà ở,… cho NLĐ khi trở lại Bình Dương làm việc.

Mới đây, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương, ông Tào Bằng Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định, Bình Dương có nhiều chính sách, giải pháp phục hồi thị trường lao động khá tốt.

Thời gian tới Bình Dương cần khảo sát, thu thập thông tin chính xác nhu cầu nguồn lao động, trình độ lao động… của DN để có giải pháp phù hợp cùng DN tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất. Ngoài ra, tỉnh cần tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ NLĐ về thuê nhà trọ, sinh hoạt, đi lại…

Bình Dương thừa nhận "vượt rào" tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em Bình Dương thừa nhận "vượt rào" tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em

Bình Dương thừa nhận có việc vượt rào tiêm vaccine phòng COVID-19 cho một số em dưới 18 tuổi, chủ yếu là con em lực ...

UBND tỉnh Bình Dương giải thích việc chi nhầm tiền hỗ trợ COVID-19 UBND tỉnh Bình Dương giải thích việc chi nhầm tiền hỗ trợ COVID-19

Theo ông Nguyễn Tầm Dương, Chánh văn phòng UBND tỉnh Bình Dương, việc sai sót trong chi tiền hỗ trợ là do các chính sách ...

/ cand.com.vn