Bộ Nội vụ đang dự thảo Nghị định về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức để thay thế Nghị định 56/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 88/2017/NĐ-CP.
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tiến tới xóa bỏ chế độ biên chế suốt đời (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: HẢI NGUYỄN |
Đây được coi là một bước tiến mạnh mẽ cùng với đề xuất sửa đổi Luật Viên chức nhằm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW về công tác cán bộ. Theo Nghị quyết 26, sẽ có cơ chế cạnh tranh vị trí việc làm để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tiến tới xóa bỏ chế độ biên chế suốt đời.
Giải bài toán đánh giá - phân loại công chức, viên chức
Không phải bây giờ, những tồn tại, yếu kém trong đội ngũ công chức, viên chức không phải đến thời điểm này mới là vấn đề nóng.
Cách đây 5 năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi đó là Phó Thủ tướng đã nhận định rằng, chế độ công chức hiện vẫn nặng tính bao cấp, chưa phát huy được trí tuệ của cán bộ. Chế độ chi cho công chức, công vụ của chúng ta hiện nay vẫn tính trên tổng biên chế nói chung mà chưa tính đến việc làm cụ thể của từng vị trí. Biên chế càng lớn thì chi thường xuyên càng lớn. “Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào” - ông nói tại cuộc họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức.
3 năm sau, Thủ tướng tiếp tục “sốt ruột” với sự chuyển biến khá chậm trong việc tinh gọn, phân loại những công chức, viên chức năng lực yếu, thiếu trách nhiệm. Mặc dù đã có những quy định rất chặt chẽ các quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp của người cán bộ, công chức, viên chức; không sử dụng thời giờ làm việc để làm việc riêng; thực hiện đúng quy định trong văn hóa hội họp; nghiêm cấm việc sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực; không được vào casino đánh bạc dưới mọi hình thức… nhưng việc thực hiện ở nhiều nơi còn buông lỏng.
Bản thân một bộ phận công chức, viên chức năng lực yếu kém, thiếu trách nhiệm nhưng vẫn tìm cách trụ lại để hưởng lương, thậm chí tìm cách có bổng lộc bằng cách sách nhiễu người dân, doanh nghiệp hòng nhận “lót tay”, “biếu xén”.
Tâm lý đã vào biên chế là yên tâm suốt đời trở thành một trở lực lớn tạo ra tình trạng người làm hưởng như người chơi, kẻ năng lực yếu kém thậm chí có thu nhập cao hơn người làm việc hiệu quả… đã khiến không ít người có tài thực sự bất mãn với cơ chế, chính sách hoặc tìm cách bỏ cơ quan nhà nước.
Cũng phải thừa nhận rằng việc tinh giản biên chế cũng có một số kết quả, từ năm 2015 đến ngày 6.8.2018 tinh giản biên chế là 39.823 người. Thế nhưng chủ yếu là hưởng chính sách về hưu trước tuổi (34.515 người, chiếm 86,67%) chứ không hẳn là tinh giản loại bỏ những công chức, viên chức yếu kém.
Lần này, Bộ Nội vụ đưa ra dự thảo Nghị định vẫn duy trì 4 mức nhưng thay đổi lớn nhất là liên thông được các quy định của Đảng như Quy định số 89-QĐ/TW với các tiêu chí về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống. Đồng thời, về tiêu chí kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Quy định 89-QĐ/TW đã bổ sung một số nội dung như xây dựng và thực hiện chương trình hành động, thực hiện công tác cải cách hành chính, tỉ lệ hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc và cán bộ công chức, viên chức thuộc quyền quản lý… Trên cơ sở đó, dự thảo đã quy định cụ thể các tiêu chí liên quan đến đánh giá, phân loại đối với cán bộ công chức, viên chức.
Về việc liên thông trong đánh giá cán bộ công chức, viên chức, dự thảo Nghị định bổ sung nguyên tắc “Kết quả đánh giá, phân loại CBCCVC theo quy định tại Nghị định này được sử dụng làm cơ sở liên thông trong đánh giá, phân loại đảng viên, đoàn viên công đoàn”.
Tại tờ trình Chính phủ, Bộ Nội vụ cũng cho biết, việc thống nhất quy định về mức đánh giá cán bộ, công chức, viên chức giữa quy định của Đảng và Nhà nước là cần thiết để bảo đảm sự liên thông, tránh tình trạng về bản chất cùng một mức đánh giá nhưng lại khác nhau về mức độ, tiêu chí sẽ nảy sinh những bất cập, phức tạp trong thực tế.
Đây cũng được cho là giải pháp tạo đà để giảm mạnh biên chế, đặc biệt với công chức yếu kém, thiếu trách nhiệm, vi phạm kỷ luật.
Toàn cảnh Hội nghị Trung ương 7. Ảnh: A.C
Mạnh tay để không “bám suốt đời” hai chữ “biên chế”
Bên cạnh việc nể nang, né tránh, ngại đụng chạm, việc xử lý cán bộ còn gặp những lỗ hổng trong các quy định.
Khắc phục vấn đề này, mới đây UBND TPHCM có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị điều chỉnh thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức như thời hiệu xử lý kỷ luật về Đảng. Theo đó, TP.Hồ Chí Minh đề xuất thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức là 5 năm đối với hình thức kỷ luật “Khiển trách” và 10 năm đối với các hình thức kỷ luật khác theo quy định. Việc này nhằm tương đồng với các quy định của Đảng, cụ thể là Quy định 102/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về xử lý kỷ luật đảng viên, thời hiệu xử lý kỷ luật Đảng được quy định là 5 năm đối với những hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách; 10 năm đối với những hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức.
Hiện Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Nghị định số 34/2011 của Chính phủ về xử lý kỷ luật đối với công chức và Nghị định số 27/2012 của Chính phủ về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức quy định thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức là 24 tháng, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm. Điều này dẫn đến trong thời gian qua có một số trường hợp cán bộ, công chức, viên chức tại TP.Hồ Chí Minh có hành vi vi phạm nhưng đến khi phát hiện thì đã quá thời hiệu xử lý kỷ luật nên không bị xem xét xử lý kỷ luật.
Các chuyên gia cho rằng đề xuất của TP.Hồ Chí Minh cũng là giải pháp khắc phục những kẽ hở trong việc xử lý cán bộ vi phạm hiện tại bởi có tính đồng bộ về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước hơn.
Tinh giản biên chế là một giải pháp tổng thể, ngoài việc kiên quyết phân loại đánh giá để loại những cán bộ công chức không làm được việc, thiếu trách nhiệm, giảm những biên chế thừa “sớm vác ô đi - tối vác về” còn cần những quyết sách khác. Trong đó, với ngành giáo dục đã có những đề xuất táo bạo để bỏ hẳn biên chế vĩnh viễn, thay vào đó là thực hiện chế độ “Hợp đồng lao động” có thời hạn. Tại cuộc góp ý về Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức sáng 24.8 vừa qua, ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) - cho rằng cần bỏ “biên chế” như hiện nay đối với cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên công lập để thực hiện chế độ “Hợp đồng lao động” có thời hạn. Làm được việc này thì người lao động có động lực để nâng cao năng lực và phẩm chất, có ý thức hoàn thành tốt nhiệm vụ, khắc phục tình trạng ỷ lại, ăn bám, dựa dẫm, lương nhà giáo sẽ tăng, cuộc sống nhà giáo sẽ ổn định bền vững. Không cần chính sách ưu đãi kiên cường nào khác”.
Đề xuất bỏ biên chế vĩnh viễn đối với giáo viên Đó là đề xuất của ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie tại hội nghị Góp ý về Dự thảo Luật giáo dục ... |
Không có ‘chân’ biên chế cũng khó mơ danh hiệu Những nghệ sỹ “thị trường” ấy không phải miệt mài lao động, sáng tạo nghệ thuật để có thành công, để thu hút đông đảo ... |
Các ngành, địa phương khác tinh giản biên chế gấp Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, ... |