Sau loạt bài phanh phui của Báo Lao Động về các loại chứng chỉ gian lận móc túi giáo viên, vụ việc được các đại biểu đưa ra chất vấn tại Quốc hội, và Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cam kết: “Xin hứa với Quốc hội, sau khi Luật sửa đổi bổ sung Luật Cán bộ công chức, viên chức ban hành thì chúng tôi sẽ sửa quy định về văn bằng chứng chỉ tin học, ngoại ngữ để không còn là gánh nặng với cán bộ công chức, viên chức nữa”.
Sửa quy định hay bỏ quy định, đề nghị Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định dứt khoát về điều này. Sai thì nhận sai, và phải thẳng thắn như Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: “Qua thực tiễn chúng tôi thấy rằng, đối với giáo viên nói riêng và công chức, viên chức nói chung, quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là không cần thiết.
Đây là những yêu cầu này cần lồng ghép trong quá trình bồi dưỡng chức năng nghề nghiệp và cũng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định trong chuẩn giáo viên”.
Bỏ những quy định này là bỏ đi những tiêu cực đã tồn tại bấy lâu nay. Do phải chạy theo những chứng chỉ phục vụ cho quy định, mà nhiều nơi công khai bán, công chức, viên chức mua, đó là những cái chợ bán văn bằng, không phải trường đào tạo.
Xã hội sinh ra quá nhiều tiêu cực cũng do những quy định, tạo cớ cho những kẻ lợi dụng làm tiền. Những người bỏ tiền ra mua bằng thì vứt vào xó vì chẳng có ích gì, như bạn đọc Thành Phong tâm sự với Lao Động: “Tôi thấy chứng chỉ này học xong không có tác dụng gì. Tất nhiên là chỉ đóng tiền học phí đầy đủ là đảm bảo thi đậu. Lấy chứng chỉ xong đem về xếp vào tủ rồi bỏ quên luôn. Vì sao giáo viên lại phải làm trái đạo đức nghề nghiệp để lấy những tấm chứng chỉ bằng cách thi gian dối đó?”. Đúng là giả dối, đau hơn là ngay trong ngành giáo dục.
Có một điều cần tính đến, là hãy bỏ đi các loại thi chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C và chứng chỉ tin học vì hoàn toàn không đảm bảo chất lượng. Phải nói cho thẳng là các trung tâm chủ yếu bán bằng, và học viên đi mua bằng, chẳng mấy ai có thực học. Các nơi tuyển dụng nhân viên, nếu vị trí có yêu cầu tiếng Anh thì họ sẽ có cách để kiểm tra.
Nếu cần bằng thì các tổ chức, công ty tư nhân chỉ tin vào các chứng chỉ TOEIC, TOEFL hay IELTS, chẳng ai tin các chứng chỉ A, B, C, loại này chỉ dùng để đối phó các quy định ở các cơ quan nhà nước. Thậm chí, là hợp thức hóa để đủ tiêu chuẩn phong phó giáo sư, giáo sư.
Hãy bỏ những thứ dối trá đi để tạo cho xã hội Việt Nam là xã hội thực học.
Tôi thấy rằng, quy định chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là không cần thiết |
Giấy phép con "hành" giáo viên: Tiền tỉ vào túi ai? |
Do sức ép của trường, chỉ một tuần tôi đã có 2 chứng chỉ |